Dùng máy ủi phá sập nhà, 3 mẹ con bơ vơ: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Người có hành vi dùng máy phá nhà của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178, BHLS năm 2017).

Theo nội dung đơn của chị Nguyễn Thị Hựu (SN 1977), trú khối 12, phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, vào khoảng 14h30 ngày 21/1, chị đi làm còn 2 người con gái (10 và 11 tuổi) đi học nên không có ai ở nhà. Thời điểm này, ông Nguyễn Cảnh Tâm (SN 1972), trú khối 10, phường Quỳnh Xuân và những người con đã thuê một chiếc máy xúc đến phá tan ngôi nhà của chị.

Được biết, tài sản bị phá là ngôi nhà cấp 4 của gia đình chị xây từ năm 2003, trên mảnh đất rộng 202m2 thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Đình Phú (bác ruột chị Hựu). Ông Phú đã viết một giấy chuyển nhượng và đồng ý cho chị Hựu xây nhà để ở trên đất của mình.

Năm 2010, chị Hựu nợ ông Tâm một số tiền và đã đồng ý chuyển nhượng diện tích đất trên để trả nợ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay UBND TX Hoàng Mai vẫn chưa đồng ý cấp giấy CNQSDĐ mảnh đất trên đối với ông Nguyễn Cảnh Tâm,

Cho rằng đất đã là của mình, ông Nguyễn Cảnh Tâm nhiều lần thực hiện hành vi phá hoại tài sản đối với gia đình chị Nguyễn Thị Hựu. Trước đó, vào ngày 11/12/2018, người đàn ông này cũng dùng xe ben đâm thẳng vào cửa chính ngôi nhà và đổ đất đá xuống. Sự việc này chị cũng đã gửi đơn lên cơ quan Công an và VKSND TX Hoàng Mai.

Ông Tâm đưa máy ủi đến phá nhà chị Hựu.

Ông Tâm đưa máy ủi đến phá nhà chị Hựu.

Luật sư Nguyễn Văn Tùng, thuộc đoàn Luật sư Nghệ An cho biết, pháp luật không cho phép cá nhân tự ý đập phá, hủy hoại tài sản của người khác trái phép. Ngôi nhà cấp 4 kiên cố được chị Nguyễn Thị Hựu xây dựng cách đây 15 năm, là tài sản cá nhân gắn liền với đất.

Vì vậy, việc người nào đó đập phá ngôi nhà của chị Hựu khi chưa được sự đồng ý là trái với pháp luật, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản Điều 178, BLHS năm 2017.

Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm;

Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Luật sư Nguyễn Văn Tùng.

Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt ngoài căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự nêu trên thì còn cân nhắc đến tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

“Việc mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp thì đầu tiên 2 bên phải bình tĩnh cùng nhau tìm biện pháp giải quyết. Nếu không thỏa thuận được thì nhờ chính quyền địa phương và tòa án nhân dân các cấp. Hành vi dùng máy đập nhà người khác, nhất là khi trong nhà chỉ có một phụ nữ và 2 con nhỏ là điều không thể chấp nhận được. Nhất là chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, việc phá nhà sẽ khiến 3 mẹ con bơ vơ ngoài đường”, luật sư Nguyễn Văn Tùng nói.

Anh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dung-may-ui-pha-sap-nha-3-me-con-bo-vo-co-the-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-a419905.html