Đừng mạo hiểm với tính mạng của trẻ

Trưa 14/1, tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), một vụ tai nạn đã xảy ra đối với nhiều trẻ em ngồi chơi tàu lượn siêu tốc.

Được biết trong quá trình chạy, toa tàu lượn siêu tốc bị trượt khỏi đường ray khiến ít nhất 3 bé ngồi trên toa rơi xuống đất. Hậu quả làm 1 cháu tử vong, 2 cháu nhập viện (1 cháu gãy tay, 1 cháu bị chấn thương sọ não).

Đừng mạo hiểm với tính mạng của trẻ

Đừng mạo hiểm với tính mạng của trẻ

Đây không phải lần đầu tiên tai nạn xảy ra đối với trẻ em khi chơi tàu lượn siêu tốc. Năm 2015, một vụ tai nạn tương tự cũng xảy ra tại tỉnh Cà Mau khiến 2 trẻ bị thương.

Tai nạn tàu lượn siêu tốc cũng từng xảy ra tại nhiều nước. Năm 2019, một vụ tai nạn xảy ra ở Mexico khi chiếc tàu lượn gặp sự cố lúc vận hành khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương. Tại một quốc gia vốn nổi tiếng về các trò chơi mạo hiểm như Pháp cũng không tránh khỏi tai nạn tàu lượn gây chết người.

Tàu lượn siêu tốc là trò chơi có sức hấp dẫn lớn không chỉ với trẻ em mà cả không ít người lớn. Đây là trò chơi tạo cảm giác mạnh, với sự phấn khích xen lẫn sợ hãi lên đến tột độ. Mặc dù về lý thuyết, phương tiện tàu lượn siêu tốc hầu như đã được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo vệ an toàn cho người chơi nhưng dẫu sao đó cũng là trò chơi có tính mạo hiểm rất cao. Chỉ một trục trặc kỹ thuật nhỏ hay một sự bất cẩn của người chơi cũng đều có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc.

Vì thế, ở các nước tiên tiến, việc đưa vào vận hành hệ thống tàu lượn siêu tốc luôn phải trải qua những công đoạn hết sức nghiêm ngặt, cẩn trọng. Ở Singapore, để đưa hệ thống tàu lượn siêu tốc vào hoạt động thương mại tại khu công viên Sentosa, nhà chức trách đã buộc đơn vị quản lý phải chạy thử nghiệm không tải trong suốt cả năm trời, với rất nhiều "sự cố giả tưởng" được coi như những bài test đầy cam go mà nhà cung cấp thiết bị cũng như đơn vị vận hành phải vượt qua.

Ở Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông hay nhiều nước khác, hệ thống tàu lượn siêu tốc luôn phải đạt những tiêu chuẩn cao nhất về mức độ an toàn.

Thế nhưng ở Việt Nam, việc kiểm định an toàn đối với một số hệ thống tàu lượn siêu tốc cỡ nhỏ tại một số địa phương hiện vẫn khá dễ dãi, lỏng lẻo. Qua quan sát thực tế, không ít hệ thống tàu lượn siêu tốc đang hoạt động có nhiều yếu tố không đảm bảo an toàn - từ thiết kế cho tới chất lượng các thiết bị. Việc kiểm tra, bảo trì định kỳ cũng không được thực hiện một cách nghiêm túc. Đó là mầm mống dẫn tới những nguy cơ mà hậu quả phải đánh đổi là sức khỏe và sinh mạng của người chơi - chủ yếu là trẻ em.

Từ thực tế những vụ tai nạn đã xảy ra, rất mong các cơ quan có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, kiên quyết loại bỏ những trò chơi mạo hiểm, nhất là tàu lượn siêu tốc không đảm bảo an toàn ra khỏi các khu vui chơi để bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ tai nạn. Rất nhiều trò chơi hấp dẫn trẻ em, không nhất thiết phải là những trò mạo hiểm để hiểm họa luôn treo lơ lửng trên đầu các em.

BẢO KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/dung-mao-hiem-voi-tinh-mang-cua-tre-20210116124313294.htm