Đừng làm tổn thương trẻ con

Dò xét thế giới nội tâm của trẻ con là bổn phận của cha mẹ. Có những lời nói, những cách ứng xử với trẻ làm cho chúng bị tổn thương cả đời. Nhất là những đứa trẻ có đời sống nội tâm phong phú, nhạy cảm, tự trọng.

Trong cuộc sống hằng ngày, không ít bậc làm cha làm mẹ lấy làm bất bình, thậm chí nổi giận vì con cái trong nhà không biết vâng lời. Hay chúng dối trá, đánh nhau với bạn, lười biếng, trốn học v.v…

Sự việc cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, không răn dạy được, trước tình huống đó, cha mẹ dễ mất kềm chế, đánh con hoặc buông lời xỉ vả nặng nề với con mình nhằm hả giận.

Chúng ta cần bình tĩnh, kềm chế, kềm chế cả sự xưng hô khi nổi giận trước con cái

Bạo lực gia đình là chứng minh sự bất lực trong giáo dục, là hạ sách, vô hình trung chúng ta đẩy núm ruột của mình càng xa mình hơn. Có khi chúng vịn vào điều đó mà lẫy hờn, hay trả đũa cha mẹ bằng cách bỏ học, bỏ nhà “đi bụi”. Không ít gia đình rơi vào hoàn cảnh đó, vì sỉ diện, cứ để cho con cái đi chán rồi quay về, “để xem lá gan nó bao lớn”.

Nếu hành xử như vậy thì thật là tai hại, có khi nguy hiểm vô cùng. Vì sự việc dễ đẩy lên đến đỉnh điểm: trẻ em sẽ hư hỏng như đói khát đi đến trộm cắp hoặc làm nhiều điều xằng bậy.

Trong khi xã hội hiện nay có nhiều cạm bẫy, ở tuổi thiếu niên rất dễ mắc phải. Cũng không ít trẻ lang thang bị kẻ xấu lợi dụng, khi ấy cha mẹ hối hận thì đã muộn…

Ngay cả trong nhà trường, học trò cấp trung học cơ sở hỗn láo, tấn công thầy cô giáo cũng không phải là hiếm. Những hành vi đó đôi khi có một phần lỗi của “người lớn”. Chúng ta phải nghiêm túc đối diện với nó để có hướng giải quyết, bình tĩnh, kềm chế, kềm chế cả sự xưng hô khi nổi giận trước con cái. Điều đó sẽ ngăn được sự rạn nứt trong tình yêu thương và trách nhiệm.

Việc con cái hay học trò “khó dạy” là điều không thể tránh khỏi trong quá trình nuôi dạy của cha mẹ hay thầy cô giáo nơi môi trường giáo dục.

Bạo lực gia đình chứng minh sự bất lực trong giáo dục

Tâm lý của trẻ, nhất là các em vào tuổi dậy thì vô cùng phức tạp. Có khi ngoan ngoãn đó, chăm chỉ học hành đó rồi lại suốt ngày vơ vẩn, lười học, vì mải mê, cuốn hút theo đuổi thú vui nào đó. Hay chúng đã chớm chuyện “bạn trai, bạn gái”… Cha mẹ, thầy cô dạy bảo điều gì cũng vâng dạ, nhưng liền sau đó hỏi lại không nhớ.

Giáo dục con cái thật là điều không hề đơn giản chút nào vì chúng chẳng phải là cái máy cho ta điều khiển tùy ý.

Không ít đứa trẻ “khó dạy”, bướng bỉnh làm phiền lòng cha mẹ. Nên cha mẹ ngoài tấm lòng yêu thương dạy bảo còn phải thường xuyên theo dõi sự thay đổi tính nết của con cái. Có khi phải điều chỉnh, thay đổi phương pháp dạy con từng lúc cho phù hợp.

Nhiều gia đình giáo dục con cái có lúc cương lúc nhu nhưng họ vẫn phải kềm chế để không làm tổn thương con cái mình. Trẻ con có đứa cha mẹ mắng chửi phớt lờ, có đứa ngồi khóc vì đau đớn, hối hận. Dò xét thế giới nội tâm của trẻ con là bổn phận của cha mẹ. Có những lời nói, những cách ứng xử với trẻ làm cho chúng bị tổn thương cả đời. Nhất là những đứa trẻ có đời sống nội tâm phong phú, nhạy cảm, tự trọng. Mặc dù lỗi từ chúng, nhưng tương lai không bằng các anh chị trong nhà bởi việc học hành dỡ dang, chúng lại trách cứ ngược lại là do cha mẹ mắng chửi, không thương yêu.

Nêu lên như thế để nói rằng dù con cái có hư hỏng đến đâu cha mẹ cũng nên bình tĩnh tìm mọi phương pháp để “giữ” con mình không lao xuống vực để không phải ân hận.

Có những lời nói, những cách ứng xử với trẻ làm cho chúng bị tổn thương cả đời.

Người viết bài này có một việc ít nhiều có liên quan đến vấn đề ứng xử của bậc làm cha làm mẹ và thầy cô giáo, xin được nêu lên trang viết. Có một người bạn nam ngày xưa học tập rất chăm ngoan và nhiều khát vọng, nhưng lại bỏ môn thi cuối cùng thi học kỳ II ở cuối cấp II. Cụ thể hơn là tự động bước ra khỏi phòng thi vì tự ái khi giáo viên chủ nhiệm gác thi mắng bạn trước mặt bạn bè vì không cài lại cúc áo ngực. Tất nhiên là sau đó bạn ấy bị hội đồng chấm thi đánh rớt. Vậy là bạn ấy bước ra đời ở tuổi mười bốn mười lăm. Bây giờ lớp học ngày ấy hằng năm đều có tổ chức ngày họp lớp rất đông đủ, vui vẻ. Song có điều là không hề có mặt bạn ấy. Mặc dù không ít lần nhiều người đến vận động bạn đi dự buổi họp mặt.

Những đứa trẻ ngày nào còn cắp sách đến trường giờ tóc đã ngã màu mưa nắng. Đôi khi có bạn vô tình nhắc lại “chuyện không vui” ấy thì cô giáo chủ nhiệm lăn dài những giọt nước mắt trên đôi gò má nhăn nheo ở tuổi xế chiều!...

HOẮC NGỌC

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/dung-lam-ton-thuong-tre-con-12652.html