Dựng lại hiện trường vụ phá rừng gỗ mun trong Vườn di sản Phong Nha

Tại cuộc họp báo và gặp mặt báo chí quý I/2019 chiều 10/4, ông Phạm Hồng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình thông tin rằng, Công an huyện Bố Trạch của tỉnh này đã phối hợp cùng các lực lượng liên quan để vào rừng, dựng lại hiện trường để phục vụ công tác điều tra.

Hiện trường 1 bãi khai thác gỗ mun trong Vườn Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng.

Hiện trường 1 bãi khai thác gỗ mun trong Vườn Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng.

Như Pháp luật Việt Nam đã thông tin, đối với vụ việc phá rừng đặc biệt nghiêm trọng thuộc khu vực rừng biên giới Việt – Lào, địa phận xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, lâm phận vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới - Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng, Đại tá Đặng Văn Hoành – Trưởng Công an huyện Bố Trạch đã ký quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, theo Điều 232, Bộ luật Hình sự 2015.

Hiện trường 1 bãi khai thác gỗ mun trong Vườn Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng.

Tại cuộc họp báo và gặp mặt báo chí quý I/2019, cung cấp thông tin về các sự kiện nổi bật, tình hình kinh tế - xã hội và các vấn đề được báo chí, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh do Sở Thông tin – Truyền thông Quảng Bình tổ chức, vụ việc phá rừng nghiêm trọng xảy ra trong VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, phóng viên các cơ quan báo chí đã dành nhiều thời gian và nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn với các đơn vị liên quan.

Thông tin về vụ việc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phạm Hồng Thái đánh giá rằng, lực lượng Công an huyện Bố Trạch, với sự chỉ đạo của Công an tỉnh Quảng Bình đã có những động thái thể hiện quyết tâm vào cuộc, điều tra rốt ráo để làm rõ sự thật đằng sau vụ phá rừng này. “Ngay sau khi ra quyết định khởi tố vụ án, Công an huyện Bố Trạch đã phối hợp với các lực lượng liên quan để vào rừng, dựng lại hiện trường vụ việc”.

Nguồn tin của Pháp luật Việt Nam từ Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (đơn vị trực thuộc Ban quản lý VQG này) cũng xác nhận thông tin về việc, lực lượng thuộc Hạt này hiện đang phối hợp với các đơn vị khác triển khai công tác dựng lại hiện trường vụ phá rừng. “Chuyến vào rừng này dự kiến kéo dài trong 3 ngày, bắt đầu từ 10/4. Công tác dựng lại hiện trường có thể được thực hiện từ lời khai của các đối tượng liên quan đến vụ việc mà cơ quan điều tra thu thập được, để xem thử có phù hợp với thực tế hiện trường vụ phá rừng này hay không” – nguồn tin này thông tin thêm.

Lực lượng chức năng phát hiện gỗ mun cất giấu trái phép trong vườn nhà ông Nguyễn Trung Kính, xã Thượng Trạch.

Cũng tại cuộc họp báo chiều 10/4, đại diện Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cũng thông tin rằng, đơn vị này đã có báo cáo về kết quả xử lý việc khai thác gỗ mun trái phép và kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan gửi UBND tỉnh Quảng Bình. Theo đó, tổng khối lượng lâm sản bị thiệt hại quy ra gỗ tròn là 101,25m3. Căn cứ hiện trường, Ban quản lý Vườn này nhận định, mục đích chủ yếu của “lâm tặc” là để lấy gỗ mun, loại gỗ có giá trị cao (giá khoảng 130 – 150 triệu đồng/m3 trên thị trường).

Báo cáo này cũng thừa nhận sự chủ quan trong công của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm và Ban quản lý Vườn. Chịu trách nhiệm đối với vụ việc trước UBND tỉnh là ông Lê Thanh Tịnh - Giám đốc Ban quản lý, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG này. Tiếp đến là ông Đinh Huy Trí - Phó giám đốc, kiêm Hạt phó - người được phân công chỉ đạo, phụ trách địa bàn Trạm Kiểm lâm Thượng Trạch và Hạt phó Nguyễn Quang Vĩnh chịu trách nhiệm về việc không báo cáo cho cấp trên về thông tin khai thác gỗ trái phép nắm được ở khu vực Thượng Trạch. Ngoài ra, 2 Phó giám đốc khác của Ban quản lý Vườn cũng liên đới chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc để mất rừng.

Lực lượng chức năng "khai quật" gỗ mun chôn trái phép trong vườn nhà ông Nguyễn Trung Kính, xã Thượng Trạch.

Những thông tin liên tục vừa qua của Pháp luật Việt Nam về vụ việc phá rừng đặc biệt nghiêm trọng trên biên giới Việt – Lào này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Theo đó, nhiều ý kiến của dư luận cho rằng, đối với những vụ trộm cướp tài sản, hay nghiêm trọng hơn là án mạng chỉ xảy ra trong một thời gian rất ngắn, chỉ vài người biết nhưng các cơ quan điều tra vẫn tìm ra manh mối để đấu tranh, triệt phá được. Trong khi đó, vụ phá rừng gỗ mun quý hiếm này diễn ra trong một thời gian rất dài với nhiều người tham gian, nên việc tìm ra thủ phạm, “người đứng đằng sau” sẽ là không khó.

Trần Nguyên Phong

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dieu-tra-bd/dung-lai-hien-truong-vu-pha-rung-go-mun-trong-vuon-di-san-phong-nha-447635.html