Đúng là như vậy

Bức bối quá bác ạ. - Chú lúc nào cũng bức bối. Xã hội còn nhiều cái chưa bằng lòng, nhưng phải coi đó chỉ là hiện tượng, không phải là bản chất. Có gì sai thì sửa, có gì chưa hợp lý thì điều chỉnh. Bức bối làm chi cho nhanh già.

- Em chả bức bối gì chuyện xã hội, bức là bức cái chuyện nhà.

- Nhà chú đề huề thế, có gì mà bức bối?

- Chả là thằng lớn nhà em, năm trước lên phương án chi tiết lắm, kinh doanh này nọ, rồi xin tiền đầu tư nhà hàng, mấy trăm triệu chứ ít đâu.

- Thì phận làm cha, làm mẹ, lo cho cho sự nghiệp của con cái cũng là hợp nhẽ, sao chú phải lăn tăn?

- Em có lăn tăn gì đâu. Về quê bán mảnh vườn, được bao nhiêu trao cho nó cả đấy chứ.

-Vậy đã tin tưởng ở con cái rồi, thì còn bức bối gì nữa?

-Chưa được một năm, nhà hàng giải tán vì không có khách, vậy là mấy trăm triệu đi tong, bác bảo sao không bức bối được?

-Vậy là may rồi, có chí làm ăn, nhưng không may mắn, thua lỗ là chuyện thường. Tớ chỉ sợ cầm một đống tiền nói để làm ăn, nhưng không làm mà dùng vào ăn chơi thì mới đáng lo.

-Em cũng đã nghĩ như bác, AQ một chút với câu thành ngữ “Thất bại là mẹ thành công”, nhưng đến nước này nữa, thì em không thể AQ được.

-Lại gì nữa đây?

-Thua lỗ trắng tay, vậy mà nó vẫn cho mình là tài giỏi, xin khoản tiền nữa để đầu tư lĩnh vực khác. Các cụ đã nói “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, vậy bác nói có bức xúc không?

-Nếu chú còn khả năng, thì cũng nên thử lần nữa xem sao. “Tuổi trẻ tài cao” biết thế nào được.

-Thôi em xin bác, mất tiền một lần đã “cay” rồi, “trao trứng cho ác” lần nữa có mà dở người.

-Vậy mà chú cũng nói. Thế nào là “nước mắt chảy xuôi”? Sự nghiệp của con cái chính là tương lai của mình đó, chú không lo thì ai lo?

-Thôi em chả dại. Tưởng tâm sự với bác để nhận sự đồng cảm, ai dè bác nói vậy, khiến em bức bối thêm.

-Tớ nói thật đấy, chứ không đùa đâu. Từ chuyện nhà chú mà suy ra xã hội, chú sẽ thấy chẳng đáng bức bối làm gì.

- Chuyện nhà em nhỏ như con kiến, mình chả lo được lại đẩy ra xã hội, thế có mà…

- Chẳng mà gì cả. Thì chú thấy đấy , vừa có hàng loạt chuyện ông này, bà kia làm ăn thua lỗ hàng ngàn tỉ ấy chứ, còn thằng con chú vài trăm, thấm tháp gì.

-Tiền của bác đâu mà bác xót.

- Là tớ muốn nói, lỗ hàng ngàn tỉ đấy, mà sao cái ông nọ, bà kia ấy vẫn thăng tiến ầm ầm, vẫn được ôm hàng đống tiền khác, xây dựng sự nghiệp đó thôi.

- Em đã nói là em không quan tâm đến chuyện xã hội. Chuyện nhà mình chả lo được, nói gì đến xã hội.

-Nói vậy để chú thấy, việc chú tiếp tục đầu tư cho thằng con chú có gì là lạ mà chú phải đắn đo... Con chú kêu lỗ còn là lỗ thật, chứ mấy ông tổng công ty, ông tập đoàn, được nhà nước đầu tư hết thảy, báo cáo nào cũng thấy tăng trưởng, ấy thế nhưng cuối năm ông nào cũng kêu lỗ xin hỗ trợ, xin được ưu đãi, xin được tăng giá…

-Có thế thật à bác?

-Thì bao nhiêu vụ các tập đoàn, tổng công ty với đội ngũ cán bộ chuyên gia được đào tạo bài bản mà vẫn mua thiết bị với giá trên trời lại kém chất lượng, mất đống tiền để đắp chiếu đó thôi. Lỗ cũng ở chỗ đó đó.

-Thế là bị lừa do không hiểu thị trường, chứ ai dại gì mất tiền oan thế.

- Chú cố tình không hiểu à? Chẳng mất mà được. Nói cho đúng là mất tiền nhà nước, tiền của dân, còn được là cái túi cá nhân.

-Thế hóa ra là họ cố tình mua như thế sao.

-Rõ còn gì. Tớ hỏi, nếu biết con chú tiêu những đồng tiền hưu trí của chú vào những việc vô bổ, chú có cho nữa không?

-Chắc chắn là không rồi.

-Thế mới nói mọi sự lỗ cần phải có kiểm tra, giám sát. Nếu thực sự vì lợi ích công, vì trách nhiệm xã hội mà lỗ thì cần được hỗ trợ. Còn kiểu lỗ … lấy được thì phải phạt ấy chứ.

-Nói cho ngắn, nếu có chế tài cứ kêu lỗ là cách chức, xử lý, hay ít ra như em không cấp vốn cho thằng con nữa, thì chắc chẳng ông nào kêu lỗ nữa bác nhể?

- Đúng là như vậy!

Thiện Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dung-la-nhu-vay-80632.html