Đúng là 'miếng phomát trong bẫy chuột'

Trong khi Quốc lộ 1A huyết mạch hay tuyến Đường sắt cao tốc Bắc Nam đang được triển khai với các phương án vay vốn ODA thì báo cáo kiểm toán, với những cảnh báo nghiêm túc về các 'lỗ hổng', đáng được coi là bài học lớn rất đắt.

 Đường sắt cao tốc Cát Linh- Hà Đông, một trong những điển hình về đội vốn, chậm tiến độ (Ảnh Trần Vương/LĐ)

Đường sắt cao tốc Cát Linh- Hà Đông, một trong những điển hình về đội vốn, chậm tiến độ (Ảnh Trần Vương/LĐ)

27 dự án sử dụng vốn vay ODA trong ngành GTVT đã “điều chỉnh” khiến vốn đầu tư tăng 122.352 tỉ đồng và 97,27 triệu USD. Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM điều chỉnh tăng vốn đầu tư tới 3 lần, tăng 6.812 tỉ đồng, tương đương 275,61% so với tổng vốn ban đầu; Dự án thành phần 1, 2, 3 thuộc dự án Kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL điều chỉnh tăng vốn 3.000 tỉ đồng; Metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng vốn 29.937 tỉ đồng…

Đây chỉ là những ví dụ ồn ào tai tiếng và... kỷ lục được điểm danh trong một tình trạng, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: “Các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện. Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước”.

Thật ra đồng vốn không có lỗi. Lỗi là ở cách thức đàm phán, xử lý, thực hiện của chúng ta.

Chẳng hạn Dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông, việc đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi, dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc, khiến vốn đầu tư đội ở mức độ khủng khiếp, kéo dài thời gian cả thập kỷ.

Chẳng hạn các dự án đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho phép thanh toán các hạng mục, thiết bị trong nước bằng ngoại tệ làm tăng chi phí.

Hay Hiệp định vay từ nguồn EDCF quy định thanh toán phần nội tệ bằng đồng Won làm tăng giá trị vay 2.753 triệu Won; Dự án cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2 tăng 703 triệu Won.

Và không thể không nhắc tới Metro Bến Thành- Suối Tiên với những điều khoản được cho là “bất lợi” trong suốt hợp đồng khiến vốn phải “điều chỉnh” tăng gần 30 ngàn tỉ đồng, kéo dài không biết tới bao giờ.

Vốn ODA, với những "lỗ hổng" trong quá trình sử dụng như đã nói ở trên đã không còn là nguồn lợi nữa mà thực sự trở thành “miếng phomát trong bẫy chuột”.

Không ngẫu nhiên mà Bộ KHĐT từng đề nghị “xem xét và cân nhắc” đối với nguồn vốn vay Trung Quốc- trong cáo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại.

Bởi ngay cả hiệu quả cũng đã có cái nhìn khác nhau. Các nhà tài trợ, đương nhiên đánh giá “hiệu quả” trong khi Kiểm toán thì cho rằng “Các dự án ODA cho thấy hiệu quả sử dụng chưa tương xứng, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến, chưa xứng với nguồn lực đầu tư”.

Anh Đào

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dung-la-mieng-phomat-trong-bay-chuot-734523.ldo