Đừng 'kiếm ăn' trên tiền hàng cứu trợ

Không thể vui hơn đối với nhiều gia đình bị thiên tai khi nghe tin Chính phủ sẽ hỗ trợ cho mỗi hộ 100 triệu đồng để xây dựng lại nhà cửa. Không ít thống kê cho thấy trong cả nước có 5.800 trường hợp được nhận khoản tiền đó, rõ ràng là một con số không nhỏ từ ngân sách chi cho nghĩa cử nhân văn này. Ý nghĩa xã hội cũng rất lớn khi cuộc sống khó khăn của nhân dân được Chính phủ quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ thiết thực.

Ảnh minh họa

Từ trước đến nay, sự quan tâm đó được thể hiện bằng cách chính sách tốt đẹp, thể hiện sự ưu việt của chế độ, giúp người nghèo, người thuộc gia đình chính sách, người gặp khó khăn, càng vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số,... trong tất cả các lĩnh vực từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến chế độ cử tuyển, từ hỗ trợ tiền xây nhà đến bù giá điện, từ những khoản trợ cấp thường xuyên đến những giúp đỡ vật chất cho từng trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên, không ít cán bộ lợi dụng những chính sách tốt đẹp, nhân văn này để vơ vét cho mình. Chuyện bò, dê và cả gà con nữa “đi lạc” vào nhà cán bộ lãnh đạo đã là “chuyện thường ngày ở huyện”. Mới đây, tại một xã ở Quảng Bình phát hiện ra trong giai đoạn 2011 – 2013 mẹ, vợ, người nhà của cán bộ ùn ùn “đi lạc” vào hộ nghèo và có đến 158 trường hợp “đi lạc” này chỉ trong một xã. Hiện tượng “ăn chặn” tiền hàng cứu trợ của cán bộ thì nhiều đến mức không liệt kê ra nổi.

Một chương trình đẹp đẽ như 135 cũng bị biến tướng đến nỗi dân gian “truyền khẩu” rằng nó bị rơi rụng dần từ 5 ở trên, qua khâu quản lý còn 3 và tới dân thụ hưởng chỉ có 1. Ngay cả đến những ngôi nhà đầy nhân ái như “nhà tình thương”, “nhà tình nghĩa” mà các cán bộ thực hiện cũng “xin” lại “khổ chủ” một phần “tiền đi lại, điện thoại”.

Gần đây, 60 tỷ đồng hỗ trợ bà con mất mùa ở Đồng Nai cũng chỉ đến với những đối tượng thực sự được nhận một phần. Cử tuyển thì cán bộ tranh hết suất của các em học sinh nghèo vượt khó vươn lên nhưng ai cho vượt mà vượt. Việc “xà xẻo”, “ăn bớt”, “ăn chặn” và thậm chí cả “ăn xin” nữa trong lĩnh vực này kể ra không xiết.

Do vậy, cán bộ không có thời gian tiếp dân nhưng lại ùn ùn kéo nhau đi động thổ, cắt băng khánh thành, học tập kinh nghiệm nước ngoài,... là chuyện có thật như phát biểu của một vị quan chức Quốc hội mới đây. Họ ngại gặp dân lắm bởi những hành vi khuất tất của mình sao qua mắt được nhân dân.

Vì thế, e ngại và lo thay khi mỗi hộ bị thiên tai được Chính phủ trợ cấp 100 triệu đồng có thể là cơ hội để những kẻ thoái hóa, biến chất “làm ăn”!

Phaly

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-tri/dung-kiem-an-tren-tien-hang-cuu-tro-409032.html