Đừng 'khóc một mình'

Chúng ta đang sống trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề 'Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em' bằng những cảm xúc khác nhau. Trong khi cơ quan chức năng nỗ lực truyền thông và có các biện pháp can thiệp nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước những nguy cơ xâm hại, thì qua thông tin báo chí, không khỏi nhói lòng khi vẫn có những phụ nữ và bé gái bị xâm hại.

(Ảnh minh họa)

Trong cuộc sống, thậm chí có những phụ nữ dù khá thành công ngoài xã hội, nhưng ở nhà vẫn phải sống một cuộc sống gia đình không hạnh phúc. Họ lặng lẽ cam chịu, nói không với cơ quan chức năng và các biện pháp hỗ trợ họ.

Điều tra quốc gia gần nhất tại Việt Nam cho thấy có tới gần 63% phụ nữ phải chịu một đến nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời sống, trong đó hơn 90% bị bạo lực thể xác, bạo lực tình dục, nhưng đã không tìm kiếm bất cứ sự hỗ trợ nào từ chính quyền cũng như các tổ chức bảo vệ phụ nữ.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội, vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người. Dường như cả nạn nhân và người bạo hành đều biết đến điều đó, nhưng hành động thực sự để thay đổi nhằm tiến tới chấm dứt, thì lại chưa có nhiều người.

Suy nghĩ một khi còn chịu đựng được thì cố chịu, hơn là điều tồi tệ trong cuộc sống gia đình bị lộ lọt ra ngoài. Nhiều phụ nữ đã chọn cách “khóc một mình”, nghĩa là chấp nhận nỗi đau, không kể cho ai cả, để đánh đổi lấy sự bình yên giả tạo nhằm giữ cho người thân không bị mang tiếng, tránh ảnh hưởng đến công việc và tương lai.

Và còn có lý do khác nữa đó là sự vào cuộc của một số địa phương còn chừng mực, nửa vời, dẫn đến không giải quyết dứt điểm được tình trạng bạo lực gia đình, khiến cho không ít phụ nữ chưa có niềm tin vào cách can thiệp và giải quyết này.

Những nỗi niềm ấy đang ngày càng kìm hãm, thủ tiêu sự đấu tranh nhằm thoát ra khỏi nguy cơ bạo lực gia đình, cũng làm cho xã hội ngày một thêm phức tạp.

Xã hội càng văn minh càng đòi hỏi đề cao những chuẩn mực về đạo đức, tuân thủ nhân quyền, sự tiến bộ của phụ nữ và trẻ em gái ngày càng được tôn trọng.

Thế nhưng để làm được điều đó, trước tiên những phụ nữ bị bạo hành cần phải phối hợp có trách nhiệm nhằm làm thay đổi cuộc sống, chứ không nên chọn cách ẩn nấp trong chiếc “mai rùa” số phận. Đây không phải là vấn đề bây giờ mới đề cập, mà đang ngày càng trở nên thúc bách hơn.

Tuệ Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dung-khoc-mot-minh/128344.htm