Dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê (bài 7): Giữ mạch nước ngầm!

Cả một vùng sản xuất nông nghiệp màu mỡ rộng lớn của Thạch Hà, Hà Tĩnh trở thành đất 'chết' sau 10 năm triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê. Việc dự án 'đắp chiếu' kéo dài đã khiến nguồn nước không chỉ bị ô nhiễm, mà còn tụt sâu nghiêm trọng. Cả người và cây cối, đất đai luôn ở trong tình trạng thiếu nước…

Một góc moong mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Trở lại với người dân vùng mỏ, khi hỏi đến vấn đề nước, bất kể người dân nào cũng lắc đầu chán nản. Bởi, trước đó, có rất nhiều đoàn của các cơ quan chức năng lẫn truyền thông đã làm việc và đề cập về vấn đề này, nhưng khó khăn vẫn không được khắc phục.

Trái lại, vấn nạn về nước ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ông Nguyễn Viết Hải – Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn (Thạch Hà) cho biết: “Người dân Thạch Bàn vốn sinh sống bằng nông nghiệp. Thế nhưng, từ khi triển khai dự án, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt khiến cho ruộng đồng trở nên khô cằn, cây cối không sống được, đẩy người dân vào cảnh kinh tế suy yếu. Chúng tôi mong muốn, dự án sớm dừng lại và san lấp mặt bằng để khôi phục lại nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất.

Nguồn nước ngầm bị suy giảm, nhiễm mặn, nhiễm phèn còn trở nên nan giải hơn ở những vùng moong mỏ. Ông Bùi Quang Mai – thôn Thanh Long, xã Thạch Bàn cho biết: “Từ trước đến nay, sinh kế của người dân chúng tôi chủ yếu dựa vào việc trồng trầu không. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nguồn nước ngầm bị tụt, cứ đến mùa hè là các vườn trầu bắt đầu chết yểu dần. Nếu như trước đây, một vườn trầu có tuổi thọ hàng chục năm, thì bây giờ năm nào chúng tôi cũng phải gây lại vườn, cả vườn, gắng làm cũng chỉ giữ lại được vài ba gốc. Chính vì vậy, kinh tế gia đình giảm sút rất nhiều”.

Những chiếc chum dự trữ nước ngọt ở khu tái định cư Thạch Đỉnh luôn ở trong tình trạng cạn kiệt

Không chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp, mạch nước ngầm cạn kiệt cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Hiện nay, toàn bộ nguồn nước tại vùng đất nằm trong quy hoạch Dự án mỏ sắt Thạch Khê đang bị ô nhiễm trầm trọng.

Những bãi đất hoang hóa, bị cát phủ đang xuất hiện ngày một nhiều ở cả 6 xã vùng dự án. Trong đó, Thạch Đỉnh vốn là xã gặp khó khăn về nguồn nước, nay lại càng khốn đốn hơn.

Ông Trương Văn Hướng – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh cho biết: “Thạch Đỉnh 3 phía là nước mặn, chỉ có vùng đầu xã là có nước ngọt. Để có nước ăn, người dân phải mua nước đóng chai, hoặc xin ở các vùng lân cận. Riêng nước sinh hoạt thì khoan giếng và xây dựng hệ thống lọc. Tuy nhiên, do nguồn nước ngầm bị tụt và ô nhiễm, nhiều hộ phải khoan từ 2- 3 giếng, với độ sâu hàng chục mét may ra mới tìm được mạch nước”.

Nước nhiễm phèn, nhiễm mặn ngày càng nặng khiến những chiếc bể lọc bị vô hiệu hóa là tình trạng chung ở các xã vùng mỏ

Khó khăn này không chỉ diễn ra ở vùng đất định cư lâu năm, mà còn là nỗi ám ảnh của người dân khu tái định cư Thạch Đỉnh. Nguồn nước bị nhiễm phèn quá nặng đã khiến bàn tay của người dân trở nên cáu bẩn, thậm chí như ở thôn 11, 12 của khu tái định cư, có hộ đã khoan đến 3 giếng và lọc hàng chục lần vẫn không sử dụng được do nước nhiễm mặn quá nặng. Quá khổ sở với nguồn nước, người dân vùng tái định cư Thạch Đỉnh đã từng hy vọng rất lớn ở sự đầu tư hạ tầng cấp nước của dự án, nhưng càng chờ đợi thì càng thất vọng khi dự án cứ “đắp chiếu” hết năm này đến năm khác.

Những giàn trầu tươi tốt thế này sẽ tàn lụi và chết vào mùa hè do mạch nước ngầm bị tụt, không đủ nước để tưới.

Sản xuất nông nghiệp là kế sinh nhai cũng đồng nghĩa với nguồn nước là “máu trắng” nuôi dưỡng đời sống người dân. Một khi nước mất thì đất cũng “chết”, và người dân lâm vào cảnh khốn đốn. Thế nên, dừng khai thác và khôi phục lại mạch nước ngầm là mong muốn lớn nhất của người dân 6 xã vùng dự án.

Nhóm P.V

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/dau-tu/giu-mach-nuoc-ngam--vang-trang-cua-nguoi-dan-vung-mo/151384.htm