Đừng hờ hững với chủ quyền!

Liên tiếp các vụ việc để 'lọt' 'đường lưỡi bò' vào phim ra rạp, công ty du lịch sử dụng ấn phẩm có 'đường lưỡi bò' giới thiệu cho du khách, hay xe có đường lưỡi bò trưng bày tại triển lãm ô tô tại Việt Nam khiến dư luận đang rất bức xúc và lo lắng.

Nhiều trường hợp để xảy ra sai phạm đã bị xử lý. Nhưng cũng không vì thế mà tin rằng những vụ để “lọt” như vậy sẽ không còn xảy ra nếu mỗi người ở mỗi vị trí không cẩn trọng trong từng việc làm.

Chiêu cài cắm tinh vi

Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết qua rà soát và kiểm tra đã phát hiện tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng đưa các bản đồ phi pháp vào trong các sản phẩm văn hóa, trong đó có các trò chơi điện tử trên mạng.

Từ đó, Cục đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động rà soát, kiểm tra nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1 trên mạng đã được cấp phép và đang phát hành trên thị trường, nhất là các trò chơi có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Chưa hết, thời gian gần đây, liên tiếp các vụ việc để “lọt” “đường lưỡi bò” vào phim ra rạp, công ty du lịch sử dụng ấn phẩm có “đường lưỡi bò” giới thiệu cho du khách, hay xe có đường lưỡi bò trưng bày tại triển lãm ô tô tại Việt Nam. Nhiều trường hợp để xảy ra sai phạm đã bị xử lý. Nhưng cũng không vì thế mà tin rằng những vụ để “lọt” như vậy sẽ không còn xảy ra nếu mỗi người ở mỗi vị trí không cẩn trọng trong từng việc làm.

Trong lĩnh vực xuất bản, gần đây cộng đồng mạng cũng đã phát hiện Atlas of the World picture book, nhà xuất bản là Usborn có “đường lưỡi bò” phi pháp. Theo tìm hiểu, cuốn sách này do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Phát triển văn hóa nhập về. Đáng nói đây là cuốn sách dành cho trẻ nhỏ.

Cùng một lúc nhiều loại hình văn hóa - giải trí - du lịch để “lọt” hình ảnh bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò” phi pháp cho thấy có dấu hiệu chủ quan, buông lỏng kiểm soát của các cơ quan có chức năng. Dư luận cũng bức xúc với phát biểu của một thành viên hội đồng duyệt phim: “Everest: Người tuyết bé nhỏ” khi nói rằng: Chỉ vài chục giây, sao phải làm quá lên. Đây là phát biểu thể hiện sự thiếu trách nhiệm của những người có nhiệm vụ “gác cửa” trong lĩnh vực phim, ảnh. Sau sự việc này, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải thay thế toàn bộ hội đồng duyệt phim của Cục Điện ảnh.

Hay như trường hợp Atlas of the World picture book được mua ở một nhà sách mà Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Phát triển văn hóa khẳng định không hề cung cấp sách cho đơn vị này.

Điều nguy hại có thể thấy rõ là những hình ảnh về “đường lưỡi bò” phi pháp đang hướng đến đối tượng là lớp trẻ với những ấn phẩm văn hóa, giải trí dành riêng cho lớp trẻ như trò chơi điện tử, sách thiếu nhi, phim hoạt hình.

Nếu các cơ quan chức năng, các vị phụ huynh không kiểm soát giám sát thì rõ ràng lớp trẻ, trong đó có lứa tuổi thiếu nhi sẽ phải tiếp nhận những thông tin sai trái, lâu dần có thể làm ảnh hưởng tới nhận thức của thế hệ tương lai về vấn đề biển đảo, chủ quyền của Việt Nam.

Quản lý, giám sát chặt và đưa ra được chế tài thật nghiêm khắc đối với các đơn vị vi phạm để hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp trên biển Đông không còn xuất hiện trên các ấn phẩm văn hóa - giải trí.

Đây là trách nhiệm không chỉ của cơ quan chức năng, mà còn của mỗi người dân Việt Nam, mỗi phụ huynh trong việc khẳng định chủ quyền Việt Nam trên không gian mạng, không gian văn hóa.

Đừng hờ hững với chủ quyền

Liên quan đến “sự cố” Ban tổ chức chương trình Triển lãm ô tô Việt Nam 2019 (Vietnam Motor Show 2019 - VMS 2019) biết có bản đồ “đường lưỡi bò” nhưng vẫn mang xe trưng bày, phía Công ty Kylin-GX668 có trụ sở chính trên đường Phạm Văn Đồng (quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng) nhập khẩu và phân phối các mẫu xe Trung Quốc tại Việt Nam như Haima, Geely, Zotye và Baic có xuất hiện “đường lưỡi bò” trong bản đồ ô tô mà họ phân phối, lý giải: Trước khi xe được bán ra thị trường, ứng dụng dẫn đường có xuất hiện “đường lưỡi bò” không thể sử dụng tại Việt Nam do khác hệ thống định vị vệ tinh và không có dữ liệu.

Còn phía Ban tổ chức sự kiện VMS 2019 nói đã khóa ứng dụng bản đồ có “đường lưỡi bò”, tức là họ cũng đã biết trong mẫu xe có sẵn và sự việc được phát giác chỉ là do “sự cố” – không hiểu có khách hàng nào lại mở được ứng dụng?

Dĩ nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã yêu cầu Công ty Kylin-GX668 phải nhanh chóng gỡ bỏ ngay bản đồ định vị có xuất hiện “đường lưỡi bò”, cập nhật lại phần mềm phù hợp.

Có điều, giải thích kiểu như các bên liên quan như nói ở trên chẳng khác gì cái kiểu ““Đường lưỡi bò” chỉ có mấy giây thôi” và “mọi người cứ làm quá lên” của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - thành viên Hội đồng thẩm định Phim Quốc gia khi bộ phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ” có xuất hiện “đường lưỡi bò” bị phát hiện.

Thực tế cho thấy, những lý giải của người làm tổ chức sự kiện, doanh nghiệp nhập khẩu xe là phát ngôn tùy tiện. Những lý giải này cho thấy, họ đều kinh doanh bất chấp, đặt lợi ích nhóm lên trên lợi ích, danh dự Quốc gia.

Người dân rất bất bình, phẫn nộ với cách giải thích thiếu tư duy của các vị. Vì thế các vị chẳng thể trách được người dân có nhiều ý kiến gay gắt khi họ nói: “Sống tại Việt Nam là người con của đất nước Việt Nam mà làm việc như vậy có thấy cắn rứt lương tâm không? Cần phải xử lý thật nghiêm những người làm việc tắc trách làm ảnh hưởng đến chủ quyền dân tộc”.

Mặt khác, với dư luận, việc yêu cầu gỡ bỏ này là chưa đủ. Bởi vì, không phải ngẫu nhiên cái “đường lưỡi bò” khiến chúng ta rất căm phẫn. Thế mà bây giờ nó lại xuất hiện tràn lan tại các địa điểm du lịch, văn hóa, điểm tổ chức sự kiện… càng không thể chấp nhận được.

Nói cách khác, chúng ta cần phải đặt vấn đề xử lý trách nhiệm cho rõ ràng. Vì đây không phải là lần đầu “đường lưỡi bò” được tuyên truyền sai trái về Biển Đông thông qua các hoạt động kinh tế, văn hóa - du lịch.

Chúng ta cần nhìn nhận, nhận thức được cái sự nguy hiểm của người Trung Quốc xung quanh vấn đề “đường lưỡi bò” và những việc làm như trên suy cho cùng cũng chỉ là nỗ lực hợp thức hóa cái “đường chín đoạn” trong chiến lược thâu tóm Biển Đông của người Trung Quốc mà thôi.

Nói như ông Hoàng Việt - chuyên gia thuộc Ban nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì “họ tuyên truyền như vậy, để sau này nếu không vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, thì sẽ dựa vào cái cớ đó để mà nói rằng thế giới đã chấp nhận điều đó rồi”.

Chính vì thế, bên cạnh việc kịp thời ngăn chặn những ấn phẩm, bản đồ, sách báo có hình “đường lưỡi bò” phi pháp vào Việt Nam, trong trường hợp đã để lọt cửa, phải phạt nặng hoặc đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng mang tính răn đe để tình trạng này không tái diễn.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên hình bản đồ có “đường lưỡi bò” xuất hiện liên tiếp ở nhiều trường hợp. Có thể thấy, dù yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là hoàn toàn phi pháp và từng bị Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) ngày 12/7/2016 ra phán quyết bác bỏ tính pháp lý, Trung Quốc vẫn quyết không từ bỏ “đường lưỡi bò” bởi điều này gắn bó chặt chẽ đến tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế và các nước có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông cần tỉnh táo để nhận diện thủ đoạn cài cắm hết sức tinh vi của nước này trong quá trình truyền bá thông tin sai trái về cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông”; có phản ứng thích hợp và kịp thời để ngăn chặn hành vi này của Trung Quốc.

Người gây ra các sự việc để “lọt” “đường lưỡi bò” có biện minh vì thế lực thù địch cài cắm tinh vi nên họ khó phát hiện. Nhưng người dân yêu chuộng hòa bình, tinh thần chủ quyền dân tộc không thể thứ tha cho những lỗi lầm như thế. Chính vì vậy, lần đầu tiên, sau khi sự việc để “lọt” “đường lưỡi bò” trong phim “Người tuyết bé nhỏ” ra chiếu rạp ở Việt Nam, xảy ra hơn nửa tháng, Bộ VHTT&DL đã có động thái xử lý tức thời. Đó là thu quyền Cục trưởng của người đứng đầu ngành điện ảnh và kỷ luật, khiển trách các cán bộ có liên quan. Không thủ trưởng đơn vị nào muốn ký những quyết định xử lý cán bộ vì vi phạm. Tuy nhiên, có những vi phạm có thể sửa chữa, có những vi phạm phải xử lý để nêu gương.

Nhiều người từng nhớ, người đẹp Lan Khuê - đại diện Việt Nam trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới diễn ra ở Trung Quốc, đã lồng ghép bản đồ đất nước, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa vào clip “Người đẹp Nhân ái”. Cho dù được đánh giá là gương mặt tiềm năng cho ngôi vị cao nhất của cuộc thi, nhưng Lan Khuê vẫn không ngại đánh cược giải thưởng, đường đường thể hiện lòng tự tôn dân tộc. Vậy lẽ nào, một người mẫu, người đẹp hiểu và có ý thức chủ quyền trong từng việc nhỏ, trong từng sự kiện mà những vị lãnh đạo ngành điện ảnh, ngành văn hóa lại cho phép mình lơi là trước âm mưu của thế lực thù địch? Mọi sự biện minh đều khó được chấp nhận. Để cùng chung tay lên tiếng bảo vệ chủ quyền, mỗi người trong từng vị trí cũng cần đủ nhãn quan nhạy cảm trước những tình huống cài cắm, tránh những trường hợp để “lọt” như đã xảy ra.

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dung-ho-hung-voi-chu-quyen-post69917.html