Đừng hiểu nhầm công tác truyền thông

Có lẽ đến nay các cơ quan nhà nước đều ý thức được tầm quan trọng của công tác truyền thông; các cơ quan tầm cỡ bộ hay tỉnh thành đều đã có bộ phận chuyên trách truyền thông.

Thế nhưng vì sao chúng ta luôn thấy sự lúng túng, bối rối, chậm trễ của các cơ quan này mỗi khi có sự cố về truyền thông. Hàng loạt sự việc gần đây trong ngành giáo dục và y tế cho thấy nhận xét này hoàn toàn có cơ sở.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hầu như không lên tiếng trước các vụ học sinh bị xâm hại, thậm chí khi kẻ xâm hại chính là thầy giáo, cô giáo các em. Bộ Y tế phải mất nhiều ngày mới có những phát ngôn ban đầu về vụ học sinh bị nhiễm sán lợn mà những phát ngôn này cũng không rõ ràng, không nhất quán ngay từ đầu.

Tổng hợp các quan sát, nhận xét, bình luận của những người đang hay từng làm công tác truyền thông, có thể nói lý do đầu tiên là truyền thông đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, những ai làm theo cách cũ, không cập nhật kịp thời các thay đổi này sẽ bị loại khỏi vòng xoáy truyền thông. Làm theo cách cũ là đợi tổ chức họp báo một cách chính thức, đợi họp chán chê mới có người phát ngôn, là dựa vào các mối quan hệ sẵn có với báo chí.

Trong khi ngày nay các kênh truyền thông biến hóa nhanh chóng; chỉ cần một phụ huynh với chiếc điện thoại chụp hình, quay phim là có thể tạo ra một cơn sóng truyền thông. Chuyện có thể nhỏ xíu nhưng đúng vào xu hướng tiếp nhận thông tin cả trên mạng xã hội lẫn báo chí nên trở thành chuyện đại sự.

Thế nhưng lý do căn cơ nhất vẫn là chuyện xem công tác truyền thông dưới góc độ đối phó, xử lý khủng hoảng chứ không phải là một khâu trong cả quy trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Thông điệp truyền thông nổi lên từ các cơ quan hữu quan trong vụ học sinh nhiễm sán lợn là “không có gì đáng ngại” để giảm bớt trách nhiệm trong khi phải xem đây là một cơ hội rất tốt để nâng cao nhận thức của học sinh và các bậc cha mẹ về nguy cơ nhiễm sán, cách phòng ngừa, cách ăn sạch, uống sạch.

Ngành giáo dục vẫn muốn báo chí tránh “tuyên truyền giáo dục không trong sáng” mà không thấy quan trọng hơn vẫn là chuyện dạy cho học sinh cách bảo vệ bản thân, hiểu được đâu là biểu hiện quấy rối và cách báo cho người lớn biết ngay mỗi khi các em bị đe dọa.

Một nguyên tắc truyền thông, thiết nghĩ thời kỳ nào cũng đúng, đó là báo chí và ngay cả mạng xã hội chỉ có thể tạo ra dòng chảy truyền thông dựa vào thông tin. Thiếu vắng thông tin chính thức từ cơ quan nhà nước, thiếu vắng các phát ngôn của người đứng đầu chịu trách nhiệm trong lĩnh vực liên quan thì báo chí và nhất là mạng xã hội sẽ lấp đầy khoảng trống bằng thông tin suy diễn, thông tin đồn đoán và thậm chí thông tin thất thiệt. Cơ chế hoạt động của mạng xã hội lại tô đậm, lan truyền nhanh tin giả, tin bịa.

Chỉ bằng cách kịp thời cung cấp thông tin trong một chiến lược chung đã chuẩn bị từ trước thì các cơ quan nhà nước mới tận dụng được công tác truyền thông cho nhiệm vụ quản lý của mình. Ở đây, sự cộng tác của các trí thức có uy tín trong xã hội, các chuyên gia đầu ngành là rất quan trọng, nhất là ở giai đoạn đầu khi cơ quan nhà nước chưa định hình được thông tin muốn truyền bá. Chính họ sẽ là người dẫn dắt dư luận tốt hơn bất kỳ một thông cáo báo chí nào phải mất tiền thuê công ty truyền thông soạn.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286679/dung-hieu-nham-cong-tac-truyen-thong.html