Đừng ham bé sơ sinh 'khổng lồ'

Nhiều bà bầu gắng ăn với hy vọng sinh ra một em bé to lớn, khỏe mạnh nhưng ít ai biết bé sơ sinh quá khổ thì cũng bất lợi không kém bé nhẹ cân

Chị Trần Thị M.V (37 tuổi; ngụ Bình Chánh, TP HCM) cho biết ca sinh bé thứ 2 của chị hết sức vất vả. Chị chuyển dạ sớm ở tuần thai thứ 37, vừa vào đến bệnh viện là em bé cũng bắt đầu ra nên chỉ có cách duy nhất là sinh thường. Bé trai lần này nặng tới 4 kg, trong khi thể hình của chị chỉ trung bình. "Tôi bị băng huyết. May là bệnh viện lớn, tôi thuộc nhóm máu O dễ kiếm máu truyền nên qua khỏi" - chị V. kể.

Khổ cho mẹ lẫn bé

Chị Nguyễn Tường A. (36 tuổi) 3 năm nay luôn bận rộn với việc kiểm soát dinh dưỡng cho con vì sợ mai này bé bị đái tháo đường. "Hồi xưa, tôi tăng cân quá mức, con gái ra đời nặng hơn 4 kg, bị hạ đường huyết, phải nằm dưỡng nhi mấy bữa. Bác sĩ nói sau này phải kỹ càng, đừng thấy to mà ham, cho ăn quá bé dễ béo phì, tăng nguy cơ đái tháo đường khi còn nhỏ tuổi" - chị A. nói.

Các quy chuẩn thế giới xác định một em bé là nhẹ cân khi dưới 2,5 kg lúc chào đời và được gọi là con to khi nặng 4 kg trở lên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với thể hình của phụ nữ Việt Nam, những em bé nặng khoảng 3,8 kg hoặc nhỏ hơn một chút đã đủ gây rắc rối, nhất là những người có khung chậu hẹp.

PGS-TS-BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng Khoa Sản bệnh - Bệnh viện Hùng Vương, cho biết với khung chậu của phụ nữ Việt Nam, có thể sinh thường em bé dưới 3,8 kg, còn với con to, đó sẽ là một ca sinh khó, tăng nguy cơ sinh mổ.

Thực tế, các em bé trên 4 kg vẫn có thể sinh thường nhưng xác suất thấp, có thể mắc kẹt vai tại vùng xương chậu của mẹ, dẫn đến biến chứng thường gặp nhất là gãy xương đòn. Có trường hợp bác sĩ phải chủ động làm gãy xương đòn để em bé chui được ra ngoài nhưng cũng rất khó vì khu vực này là nơi tập trung nhiều dây thần kinh, mạch máu.

Nếu em bé quá to, thai phụ thường được chỉ định sinh mổ cho an toàn. Trong ảnh: Một ca sinh mổ tại Bệnh viện Từ Dũ (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: ANH THƯ

Nếu em bé quá to, thai phụ thường được chỉ định sinh mổ cho an toàn. Trong ảnh: Một ca sinh mổ tại Bệnh viện Từ Dũ (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: ANH THƯ

Còn theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, em bé quá khổ còn tăng nguy cơ bị hạ đường huyết sau sinh, nhất là con của các thai phụ có vấn đề rối loạn chuyển hóa. Bé cũng có thể bị suy hô hấp và một số rủi ro khác. Bởi cho dù thể hình to lớn nhưng tim, phổi và các nội tạng khác cũng nhỏ bé, non yếu như các em bé khác, dẫn đến quá tải.

"Ca sinh con to cũng đầy rủi ro với bà mẹ. Khi em bé ra đời, độ siết của cơ tử cung không đủ chắc do bị giãn quá mức, dễ gây băng huyết - một tai biến sản khoa rất nguy hiểm. Ngay từ khi mang thai, khối lượng em bé quá nặng đã làm bà mẹ mệt mỏi, tăng sức ép lên hoạt động của cơ tim, tăng nguy cơ chảy máu trong thai kỳ" - bác sĩ Hải cảnh báo.

Không chủ quan nhưng đừng quá lo

Theo bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, em bé sơ sinh to hơn bình thường liên quan mật thiết đến bệnh đái tháo đường thai kỳ, khiến em bé ra đời to con nhưng sức khỏe yếu. "Ở Việt Nam hiện nay, tỉ lệ phụ nữ mắc chứng đái tháo đường thai kỳ khoảng 20%, tức cứ 5 người thì có 1 người mắc phải" - bác sĩ Trang cảnh báo.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Khoa Sức khỏe sinh sản Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, các phương tiện chẩn đoán trước sinh ngày nay có thể dự đoán được phần nào cân nặng của em bé. Khi biết được con mình có thể đang phát triển quá nhanh, quá to, thai phụ cần tuân thủ những khuyến cáo của thầy thuốc về chế độ ăn uống, dinh dưỡng, kiểm soát đái tháo đường thai kỳ nếu có, khám thai đúng lịch.

"Không nên chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng vì ngày nay có rất nhiều phương tiện để giúp đỡ sản phụ có cuộc vượt cạn an toàn, chăm sóc em bé đúng cách khi mới ra đời. Kỹ thuật mổ sinh ngày nay cũng rất an toàn" - bác sĩ Thông khuyên.

Còn theo bác sĩ Trần Ngọc Hải, do các nguy cơ có thể xảy ra ở mẹ và bé, khi dự đoán con có thể quá to, thai phụ và gia đình nên chuẩn bị để đi sinh ở các bệnh viện lớn, bệnh viện chuyên khoa sản để có đầy đủ các điều kiện cần thiết khi ca sinh có khó khăn, có đơn vị sơ sinh để chăm sóc bé.

Không được nhịn ăn vì sợ con to

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông cho biết nhiều người cho rằng ăn nhiều hơn thì con ra đời sẽ to hay nhịn ăn thì con sẽ bớt to là sai. Thai phụ cần bảo đảm bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, ăn thêm với lượng vừa phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Cân nặng của em bé phụ thuộc vào sự trao đổi chất mẹ - con nhiều hơn lượng thức ăn thai phụ nạp vào. Khi phát hiện thai quá to cũng không được nhịn ăn mà nghe theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc lựa chọn thức ăn, tiết chế phù hợp.

Ý LINH - ANH THƯ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/dung-ham-be-so-sinh-khong-lo-20190923210324714.htm