Đừng 'gọt chân cho vừa giày'

Hiện nay, việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, đòi hỏi những giải pháp giải quyết đồng bộ.

Nghệ nhân Hù Thị Xuân (hơn 70 tuổi) ở bản Seo Hai, xã Kan Hồ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) khệ nệ ôm chồng bản thảo hàng nghìn trang giấy A4 ra khoe với chúng tôi. Bà cho biết đang viết sách về đời sống văn hóa, phong tục tập quán, văn nghệ dân gian, lễ hội, ẩm thực… của đồng bào Si La-một trong 5 dân tộc được liệt kê vào danh sách ít người nhất của Việt Nam. Bà viết bằng chữ phổ thông, chứ người Si La lâu nay nói theo tiếng Hà Nhì hoặc tiếng Thái. Trong cộng đồng người Si La, số người nói được tiếng dân tộc mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ấp ủ viết cuốn sách hàng nghìn trang cùng với sự góp sức chỉnh lý của các nhà nghiên cứu, nhưng bà Xuân vẫn canh cánh nỗi lo: "Văn hóa của đồng bào Si La đã mai một rất nhiều, thậm chí một số phong tục tập quán, lễ hội đã mất vĩnh viễn. Trong khi đó, điều kiện canh tác, làm ăn tại địa phương khó khăn, phần lớn giới trẻ đi làm ăn xa". Bà Xuân đã từng phục dựng được điệu múa cổ truyền, thành lập hẳn một đội thiếu nữ biểu diễn, nhưng khi họ đi lấy chồng đã bỏ lại bà cùng khoảng trống tại nhà văn hóa thôn. Chính quyền từng đáp ứng nguyện vọng của bà Xuân, mở lớp dạy ngôn ngữ Si La, nhưng được vài buổi rồi chẳng còn ai đến lớp…

Tại tỉnh Quảng Nam, thời gian qua chính quyền các cấp tổ chức phục dựng hơn 160 nhà Gươl cho đồng bào dân tộc Cơ Tu, trong số đó đa phần được làm bằng hình thức bê tông hóa (giả gỗ). Kết quả là số nhà Gươl đó hầu hết không thu hút được người dân đến tham dự, sinh hoạt, mặc dù các bản làng vẫn đang có nhu cầu cấp bách về địa điểm sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng. Nguyên nhân đồng bào Cơ Tu không tiếp nhận ngôi nhà Gươl mới vì đây không phải là không gian thiêng theo cách cảm, cách nghĩ của người dân. Với cộng đồng các dân tộc, để có không gian thiêng, không đơn thuần chỉ chú ý đến cung cấp vật liệu, kinh phí và thợ lành nghề đến xây dựng, mà những vật liệu đó phải do chính người dân thực hiện các nghi lễ chọn lựa, chính bàn tay họ đục đẽo, xây cất, phải được dựng theo nghi thức-lề lối phong tục tập quán bản địa...

TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nêu bất cập trong việc xây dựng hương ước, quy ước ở các bản làng. Đó là việc ngành tư pháp đưa ra một mẫu văn bản chung xây dựng hương ước, quy ước cho tất cả các bản làng, các địa phương với các thủ tục xác nhận, đóng dấu, nguyên tắc, trách nhiệm… nặng tính hành chính.

GS, TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thẳng thắn nhận xét, công tác khảo sát, nghiên cứu và quy hoạch văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số được các cấp quản lý văn hóa địa phương thực hiện quá chậm chạp. Lo ngại hơn là cách làm xuống địa phương, nhìn thấy rồi về soạn thảo mẫu chung yêu cầu người dân làm theo. Làm văn hóa theo cách “gọt chân cho vừa giày” thì chỉ làm mất đi sự đa dạng của đời sống văn hóa của đồng bào. Điều đó ảnh hưởng lớn đến quy hoạch và bảo tồn các di tích, xác định sự thật lịch sử, nhất là làm suy giảm lòng tin của đồng bào các dân tộc vào chính sách và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Đó cũng chính là lý do đồng bào đang chối bỏ vai trò chủ thể văn hóa của mình trong các công trình văn hóa được đầu tư xây dựng, hay các hoạt động nghệ thuật, nghi lễ dân gian, lễ hội truyền thống được cho là dày công nghiên cứu, nhưng lại thuê các nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp dàn dựng, biểu diễn theo hình thức sân khấu hóa…

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số”. Nhiều đại biểu có chung ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tổ chức sưu tầm, nghiên cứu và phát huy các giá trị vật thể và phi vật thể trong văn hóa các tộc người. Các lễ hội cổ truyền phải bảo đảm tính dân gian, sáng tạo của cộng đồng, phải giao cho cộng đồng hoạt động với tư cách chủ thể, các cơ quan chức năng chỉ nên hỗ trợ về kinh phí (nếu cần) và trật tự-an ninh. Mọi sinh hoạt trong lễ hội đều do nhân dân tự biên, tự diễn theo truyền thống, Nhà nước không đứng ra làm hay can thiệp hành chính. Tuy nhiên, cộng đồng vẫn là nhân tố cốt lõi, nếu cộng đồng không nhận thức được vẻ đẹp của dân tộc mình, không có ý thức bảo vệ giá trị, bản sắc, sẽ bị văn hóa mới lấn át, lôi kéo và dẫn đến mai một.

VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/dung-got-chan-cho-vua-giay-576027