Đừng gọi thành công của Croatia là điều kỳ diệu

World Cup 2018 có rất nhiều câu chuyện cổ tích, nhưng Croatia tuyệt nhiên không nằm trong số đó.

Nhắc đến Jose Mourinho, phải nhắc ngay đến những phát ngôn đậm chất "Người đặc biệt". Người hâm mộ thích nghe Mourinho nói, bởi những câu nói của ông thường... chua ngoa, xốc nổi và rất câu khách. Nghe Mourinho nói là phải ngẫm. Ngẫm xong cười. Nhưng đôi khi, cười nhiều quá, người ta quên mất Mourinho cũng từng có những phát biểu đậm màu triết lý.

Một trong số đó là phân tích liên quan đến "bối cảnh bóng đá". Khi phóng viên gặng hỏi Mourinho về lối chơi "buồn ngủ" và "nhàm chán" của Manchester United, chiến lược gia người Bồ Đào Nha phản pháo ngay: "Xem bóng đá, các anh phải đặt trận đấu trong bối cảnh cụ thể". Cũng như một con đường phải có hai chiều, theo Mourinho, trước khi suy xét điều gì, phải đặt nó vào bối cảnh và tình huống cụ thể.

Danh hiệu Á quân của Croatia có phải câu chuyện cổ tích?

Có những thứ bất hợp lý bỗng trở thành hợp lý khi được đặt vào đúng bối cảnh của nó. Có những thứ bất hợp lý trong bối cảnh này, lại trở thành đúng đắn trong bối cảnh khác. Bóng đá là môn thể thao đại chúng có thể được bình bán bởi những cái đầu còn dưới cả mức đại chúng, hơn thua nhau ở chỗ biết tìm ra bối cảnh để suy xét.

Đó là câu chuyện của Croatia - đội đã vượt qua 360 phút "hành xác" ở vòng loại trực tiếp để đi đến chung kết World Cup 2018. Sự hiện diện của quốc gia bốn triệu dân ở trận đấu lớn nhất thế giới càng được "tô hồng" thành câu chuyện mang sắc màu... cổ tích, rằng những con người từ trong khói lửa, đạn bom, nay "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" để tạo nên dấu ấn cho bóng đá Nam Tư cũ.

Nói vậy không sai, nếu chiếu trên lịch sử World Cup, một đất nước nhỏ bé sẵn sàng đạp lên đôi vai những gã khổng lồ để bước đến trận chung kết xứng đáng được ngợi ca.

"Bất ngờ", "cú sốc" là những từ được báo chí sử dụng nhiều nhất cũng dựa trên bối cảnh này. Mà trong bóng đá, bất ngờ luôn cho người ta cảm giác thú vị.

Croatia để lại ấn tượng đẹp ở World Cup năm nay.

"Tôi cứ ngỡ có 100 triệu người Croatia vậy. Rất nhiều người đã ủng hộ chúng tôi hôm nay". Thế giới muốn Croatia vô địch, cũng bởi vì họ muốn có một "cơn gió lạ" trên đỉnh thế giới. Kỳ World Cup tìm được nhà vô địch mới thay cho tám cường quốc thay nhau thống trị trong lịch sử, đó sẽ là cái kết không thể ngọt ngào hơn.

Xét trên bối cảnh này, thành tích của Croatia có thể xem như bất ngờ. Nhưng trên một góc độ nào đó, gọi chiến quả của thầy trò HLV Dalic là bất ngờ chẳng khác nào... xúc phạm họ.

Bởi Croatia nằm ở nhánh đấu thứ hai - nhánh đấu được gọi là "thiên thần", đối lập với nhánh đấu "tử thần" của Pháp, Bồ Đào Nha, Brazil, Bỉ, Argentina, Uruguay.

Khi Tây Ban Nha bị chủ nhà Nga loại ở vòng 1/8, Croatia đã được điểm mặt chỉ tên là ứng cử viên sáng giá cho tấm vé lọt vào chơi trận chung kết.

Cần nhắc lại, Croatia thuộc "nhóm tiệm cận" ở World Cup năm nay, tức không phải hàng ngũ "người khổng lồ", song mạnh hơn hẳn các đội còn lại. Bản chất của Croatia khác Hy Lạp hay Iceland. Họ sở hữu trong đội hình nhiều cầu thủ ở đẳng cấp cao nhất như Luka Modric, Ivan Rakitic, Ivan Perisic, Mario Mandzukic hay Marco Brozovic - toàn những trụ cột ở các đội bóng mạnh. Croatia đã "nhẵn mặt" với các vòng 1/8, tứ kết của World Cup hay EURO, đồng thời từng vào tới bán kết World Cup 1998 với thế hệ huyền thoại của Davor Suker hay Zvonimir Boban.

Video: Pháp 4-2 Croatia

Đối thủ trên đường tới chung kết của Croatia là ai? Là Đan Mạch, đội bóng chỉ có Christian Eriksen và Kasper Schmeichel là sáng giá (nhưng vẫn ở đẳng cấp thấp hơn Modric, Rakitic). Là Nga, đội chủ nhà tạo nên tiếng vang, nhưng 100% các cầu thủ đều không ở đẳng cấp thế giới. Bóng đá Nga trải qua khủng hoảng trước World Cup, bị khán giả lãng quên và lọt vào tứ kết đã là cú sốc lớn.

Croatia mạnh hơn nhiều so với Đan Mạch và Nga. Do đó, 240 phút tra tấn thể lực trước hai đối thủ này không phản ánh sự kiên cường của đội bóng Đông Âu. Phải nói ngược lại, Croatia quá kém khi bị Đan Mạch và Nga "câu kéo" sức lực đến 240 phút và chỉ đi tiếp nhờ loạt phạt đền. Nhìn sang bên kia, Pháp có bao giờ để Argentina, Uruguay, Bỉ cầm hòa trong 90 phút? Câu trả lời là không.

Phải đá hiệp phụ với Đan Mạch, Nga liệu có cho thấy sự kiên cường của Croatia?

Sự "kiên cường" huyễn hoặc của Croatia với ba lần gỡ hòa dù để đối thủ dẫn trước cũng phải xem lại. Tất nhiên, Croatia rất hay, song việc để những đội bóng ngang cơ hoặc yếu hơn dẫn trước cũng chỉ ra vấn đề trong cách nhập cuộc của Croatia. Một đội mạnh và ổn định thực sự sẽ không đặt mình vào thế phải rượt đuổi liên tục. Chẳng lẽ Pháp hay Brazil không xứng đáng được ngợi ca vì họ... quá mạnh, ít khi để đối thủ dẫn trước để phải đi lội ngược dòng chăng?

Đối thủ trong trận bán kết của Croatia là Anh, cũng một đội khác thuộc "nhóm tiệm cận" như Croatia. Croatia đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, song phải thừa nhận: lọt vào bán kết đã là thành tích đáng nể với Anh - đội phải chờ đợi 28 năm mới quay lại vòng bốn đội mạnh nhất. Xét trên khía cạnh thành tích trong ba thập kỷ, Anh còn kém hơn Croatia.

Nếu Anh lọt vào chung kết, đó mới là bất ngờ của World Cup năm nay. Những Harry Maguire, John Stones, Eric Dier... không có "cửa" để so với dàn sao từng giành chín danh hiệu Champions League của Croatia.

Croatia (áo đen) thắng Anh nhờ vượt trội về kinh nghiệm.

Anh thắng là bất ngờ, Croatia là bất ngờ. Một trận đấu mà đội nào thắng cũng là bất ngờ, thì đương nhiên là... không có bất ngờ nào cả. Croatia lọt vào chung kết vì họ xuất sắc và cũng tương đối may mắn khi rơi vào nhánh đấu dễ thở, tất cả chỉ có vậy.

Thậm chí, nhiều trận đấu họ còn chơi kém hơn kỳ vọng. Nên đừng gọi chiến thắng của Croatia là cổ tích. World Cup năm nay có nhiều bất ngờ, nhưng thành quả của Croatia thì tuyệt đối không. Hãy trả lại cho Croatia vị thế vốn có. Mới đá như vậy đã được gọi là "sốc" thì rõ ràng thầy trò HLV Dalic đang không được nhìn nhận đúng khả năng.

Hồng Nam

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dung-goi-thanh-cong-cua-croatia-la-dieu-ky-dieu-d413642.html