'Đứng giữa các nhân vật để học cách lớn lên'

'Để lớn lên không bao giờ là điều dễ dàng. Hành trình sẽ càng khó khăn hơn, trong nghệ thuật. Tôi chọn cách nhìn sâu vào bản thể những người phụ nữ chung quanh, để trả lời câu hỏi mình là ai. Tôi đang đứng giữa họ để học cách lớn lên. Tôi vẽ về họ'. Trước thềm triển lãm cá nhân thứ ba mang cái tên 'Riding Dream', nữ họa sĩ chia sẻ về những cuộc đối thoại với nhân vật - như những gạch nối gắn kết nhiều thế hệ phụ nữ, mà chị đã cần mẫn thiết lập trong những tác phẩm của mình. Ở đó, 'phụ nữ phải là chính mình, phải biết ước mơ'.

Họa sĩ Đặng Thảo Ngọc:

Nữ họa sĩ Thảo Ngọc.

Nữ họa sĩ Thảo Ngọc.

Từ con sóng nhỏ, trong làn sóng nữ họa sĩ đô thị trẻ …

Tôi có cảm giác mơ hồ về một làn sóng hội họa mới của các nữ họa sĩ trẻ ở hai đô thị lớn, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Họ dứt điểm để cho hương đồng gió nội bay đi hết, không chút lưu luyến ẻo lả, mị tình. Họ là một thế hệ khác, hoàn toàn của đô thị, của đời sống hiện đại và những căng cấn, giằng xé, suy ngẫm và hành động cùng các ứng xử nhân văn kiểu mới thời toàn cầu hóa, Họ có những hạnh phúc khác, bi kịch khác và những giải pháp khác cho cuộc đời và cho thế hệ mình. Tôi thấy Đặng Thảo Ngọc trong làn sóng ấy”. Đó là lời nhận xét mà mười năm về trước, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân từng dành cho gương mặt nữ trẻ đầy tiềm năng này.

Lạc lối trong không gian.

Ngày đó, cô con gái sinh năm 1982 của họa sĩ tài danh Đặng Xuân Hòa đã kịp giành giải Tư trong cuộc thi “Ánh mắt trẻ”, đã kịp tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội và liên tiếp góp mặt trong bốn triển lãm nhóm. Từ cuộc trưng bày tại bảo tàng Cahors (Pháp) năm 2004 đến triển lãm “Nửa năm” tại gallery Đông Phong năm 2006. Từ lần tham dự “Bên kia” tại Maison De Arts năm 2006 đến cuộc gặp gỡ “Phụ nữ vẽ - vẽ về phụ nữ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2007.

Sinh ra, lớn lên và được hít thở một bầu dưỡng khí nghệ thuật đậm đặc từ gia đình, Ngọc được trò chuyện về mỹ thuật, được bố mẹ (họa sĩ Đặng Xuân Hòa và họa sĩ Đỗ Thúy Hằng) dạy sử dụng cây chì, cọ vẽ từ khi còn rất nhỏ. Trong ký ức của chị, “tôi học được rất nhiều từ con người và cách làm việc của bố. Ông vẽ rất nhiều và luôn thể hiện một tư duy mở, không chỉ trong nghệ thuật mà cả trong nỗ lực tiếp cận những nền văn hóa khác nhau, những ý tưởng sáng tác mới mẻ”. Nhưng Ngọc không cho phép mình trở thành cái bóng mờ lặp lại của người cha nổi tiếng: “Là con gái nhưng tôi có cuộc sống riêng rất khác bố. Từ bố, tôi học được cách tự tìm cho mình một tiếng nói riêng trong hội họa”.

… đến hành trình tìm một tiếng nói riêng

Ba cuộc triển lãm cá nhân trong tròn một thập kỷ (Đô thị trẻ, In&OutRiding Dream) đã chắt lọc những “hạt vàng” tinh túy nhất mà Ngọc “gom nhặt” được trên hành trình sáng tác. Cũng trong quãng thời gian 10 năm đó, Ngọc đã kịp lấy chồng, kịp sinh con. Trong cả ba lần trưng bày, Ngọc vẫn nhất quán một hành trình, một lối đi riêng, không thay đổi. Chị khẳng định, “nếu còn có thể ngồi lại đối thoại với nhau thì vẫn chỉ xoay quanh câu chuyện đàn bà ấy thôi, nhưng ở mỗi bước đi sẽ khoác lên những trải nghiệm mới”. Trái ngược với vẻ ngoài mềm mại đầy nữ tính, ở Ngọc luôn toát ra vẻ mạnh mẽ, kiên định và quyết đoán trong lựa chọn đường đi, như một người đàn ông thứ thiệt.

Ngày xưa ngày xưa 6.

Rất hiếm cơ hội nhìn thấy một nhân vật đàn ông, trong tranh của Ngọc. Chị lý giải: “Khi biến mình trở thành gạch nối liên kết những thế hệ phụ nữ, tôi thấy quá khứ - hiện tại và tương lai đều hiển hiện rõ nét - trong những nhân vật mình từng gặp gỡ, từng chuyện trò và từng khắc họa chân dung. Ngay từ bước đi đầu tiên trên hành trình hội họa, tôi luôn đặc biệt hứng thú với những nhân vật nữ thuộc mọi lứa tuổi. Từ bé gái đến thiếu nữ, từ thiếu phụ tới bà già… Đôi khi tôi còn mang đến cho họ một lát cắt đời sống hoặc một trải nghiệm ấn tượng nào đó của chính mình, nên ở một góc độ nào đó, chúng nhang nhác chân dung tự họa của tác giả. Và cho dù cuộc sống thực của họ hạnh phúc hay khổ đau, sóng gió hay bình lặng, thì khi bước vào thế giới nghệ thuật của tôi, họ thường được sắp xếp vào một câu chuyện mới, được phản ánh với một lăng kính mới. Không chọn cách sao chép hiện thực, tôi thường chủ động chọn cho họ một không gian khác, một đời sống khác như tôi mong ước. Khi đó, hoạt động sáng tạo sẽ giống như một cuộc chơi của chính người nghệ sĩ. Đối diện với những bất hạnh, xót xa, phiền muộn, tủi hờn của những người đàn bà mà không thể thay đổi được điều gì, tôi sẽ biến đổi theo chiều hướng tích cực trong tranh. Đó cũng là cách tôi cất lên tiếng nói của thế hệ mình - những người trẻ hôm nay về các bà, các mẹ của hôm qua cùng các con cháu của ngày mai”.

Và học cách lớn lên, qua từng tác phẩm

Lần đầu xuất hiện với bộ sưu tập tranh sơn dầu đầy ám ảnh mang tên Đô thị trẻ vào năm 2008, Ngọc phô bày “những mảnh vụn của hoa văn cổ, những chi chít chữ nghĩa khó giải mã, những mắc áo và ô cửa, biển chỉ đường và xe cứu thương… những icon (biểu tượng) của môi trường sống đô thị hay của tâm hồn người đô thị trẻ”.

Không chỉ thế, họa sĩ Nguyễn Quân còn chỉ ra những thông điệp ẩn chứa bên trong “những bàn tay xoắn xuýt, trói buộc, bơ vơ hay cuồn cuộn thành cơn bão. Mua sắm và tình dục, sự cô độc vô cớ và thái quá trong một đám đông chen chúc. Cái ngột ngạt khó lý giải của sự trống vắng tâm tình và đầy đủ vật chất. Những mối quan hệ chìm đắm trong những nguồn sáng nhân tạo tân kỳ và đôi khi tàn bạo”.

Thời điểm sáng tác gần 20 bức tranh sơn dầu khổ rất lớn để ra mắt triển lãm cá nhân thứ hai, In&Out, Ngọc đã làm mẹ. Đứa con ra đời mang lại cho chị nhịp sống khác, suy nghĩ khác và cảm xúc cũng khác.

Nhớ về dấu ấn quan trọng đó, Ngọc cười: “Trước đây tôi thích rất nhiều thứ, bị rất nhiều thứ bên ngoài hấp dẫn nên chọn cách vẽ nhiều lớp, dày dặn. Theo đuổi dự án độc lập “Bên trong - Bên ngoài” này suốt hai năm, tôi chọn thử nghiệm lối vẽ cực mỏng. Dán băng dính toàn bộ mặt toan, vẽ tràn rồi bóc băng ra, những nhân vật phụ nữ của tôi như được đứng sau những đường chéo. Một không gian mới cho nhân vật được hình thành, trong và ngoài - nhân vật và nghệ sĩ - nhân vật và người xem tranh. Đó cũng là cách tôi kiếm tìm sự cân bằng, trong cả lượng (độ dày mỏng của bút pháp thể hiện) lẫn chất (chất lượng đời sống của nhân vật đó). Tạo hình nhân vật nhàu nhĩ, khổ sở nhưng lại sử dụng sắc màu tươi tắn là cách tôi chuyển tải quan niệm, đau khổ và hạnh phúc của con người không phải là đại lượng bất biến. Người ta có thể tìm thấy hạnh phúc trong chính khổ đau và ngược lại”.

Cưỡi Dream.

Và bây giờ, Ngọc sẽ trình làng cuộc đối thoại thứ ba - nơi những giấc mơ đàn bà được kiếm tìm, được hiện thực hóa. Riding Dream (Cưỡi Dream) quy tụ 16 tác phẩm mới nhất (từ khổ lớn 145x125cm đến những bức vuông be bé 50x50cm) sẽ đến với công chúng yêu hội họa từ ngày 13 đến 31-10, tại Hanoi Art Residence (số 3 Ấu Triệu, Hà Nội). “Trong cuộc sống của mỗi người, ai cũng từng ôm ấp trong mình một hay nhiều mơ ước. Có điều may mắn thành hiện thực, có thứ vẫn mãi chỉ là ước mơ. Cưỡi Dream là một cách chơi chữ. Dream là giấc mơ. Chiếc xe Dream của Hà Nội những năm 90 đã từng là biểu tượng của giấc mơ biến thành hiện thực. Và chính nó gợi mở cho tôi những nghĩ suy về cuộc sống, để hình thành ý tưởng xuyên suốt cho triển lãm lần này”. Ngọc chia sẻ, về những tác phẩm sử dụng bút dạ, bút chì kết hợp cùng màu acrylic trên toan mà chị mày mò thử nghiệm vài năm nay.

“Tôi đặc biệt hào hứng với những điều khiến các nhân vật trong tranh của mình trở nên thật đặc biệt. Họ có cơ hội làm những điều không tưởng. Như bước lên chuyến tàu tốc hành quay ngược về thời ấu thơ, góp mặt vào chuyến du hành không gian để mở rộng biên độ giấc mơ tới không cùng… Từ đó, họ được thay đổi, thế giới tâm hồn của họ trở nên vô cùng sống động. Ở đó, họ được trải nghiệm một không - thời gian rộng lớn, để được bay bổng trong cảm giác tự do và thậm chí, để có thể đối mặt và chịu đựng nhiều thử thách hơn. Những người đàn bà mà tôi yêu thương sẽ phải làm trẻ con, làm mẹ… Phải cô đơn, phải bươn chải… Phải là chính mình. Và phải không ngừng mơ ước”. Đó cũng là bức thông điệp mà Ngọc muốn chuyển tải, tới công chúng khi ra mắt triển lãm lần này.

Chúc Ngọc sẽ ngày một lớn lên, ngày một trưởng thành. Như giấc mơ của chính chị!

HỒ CÚC PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/37870802-%E2%80%9Cdung-giua-cac-nhan-vat-de-hoc-cach-lon-len%E2%80%9D.html