Dừng giải quyết thủ tục hưởng hưu trí nếu phát hiện có vi phạm pháp luật

Những cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đang làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí mà bị phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian thi hành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị dừng việc giải quyết thủ tục hưởng chế độ hưu trí cho đến thời điểm có quyết định kỷ luật hoặc có kết luận CBCCVC không vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền xử lý kỷ luật.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử lý kỷ luật CBCCVC do Bộ Nội vụ soạn thảo và đang lấy ý kiến rộng rãi đề xuất 4 hình thức kỷ luật đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, đó là: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Buộc thôi việc.

Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ có 5 hình thức kỷ luật: Khiển trách; Cảnh cáo; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.

Không giống như công chức, việc xử lý kỷ luật đối với viên chức đơn giản hơn. Cụ thể, viên chức không giữ chức vụ quản lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm bị áp dụng một trong ba hình thức kỷ luật là Khiển trách; Cảnh cáo; Buộc thôi việc.

Còn đối với viên chức quản lý, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật như Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Buộc thôi việc.

Như vậy, hình thức xử lý kỷ luật của viên chức quản lý chỉ có 4, ít hơn 1 hình thức so với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Quy định về thẩm quyền xử phạt, dự thảo Nghị định cho biết, đối với CCVC đã chuyển công tác mới phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật mà còn trong thời hiệu quy định thì người đứng đầu cơ quan quản lý CCVC trước đây tiến hành xử lý kỷ luật, quyết định hình thức kỷ luật và gửi hồ sơ, quyết định kỷ luật về cơ quan đang quản lý CCVC.

Nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị trước đây đã giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách thì những người có trách nhiệm liên quan phải bàn giao hồ sơ để cơ quan đang quản lý cán bộ, CCVC thực hiện việc xử lý kỷ luật.

Đối với cán bộ đang công tác và người đã nghỉ việc, nghỉ hưu thì thẩm quyền xử lý kỷ luật thực hiện như sau: Cấp có thẩm quyền hoặc người có thẩm quyền phê chuẩn, bổ nhiệm sẽ có thẩm quyền xử lý kỷ luật hoặc phân cấp xử lý kỷ luật. Trừ trường hợp đối với các chức vụ, chức danh cấp tỉnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật.

Đáng chú ý, trường hợp CBCCVC đang làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí mà bị phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian thi hành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị dừng việc giải quyết thủ tục hưởng chế độ hưu trí cho đến thời điểm có quyết định kỷ luật hoặc có kết luận CBCCVC không vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền xử lý kỷ luật.

Trường hợp Hội đồng kỷ luật đã có văn bản kiến nghị về việc xử lý kỷ luật nhưng chưa ra quyết định kỷ luật mà phát hiện thêm các tình tiết liên quan đến vi phạm kỷ luật hoặc phát hiện CBCCVC bị xem xét xử lý kỷ luật có hành vi vi phạm pháp luật khác thì Hội đồng kỷ luật xem xét kiến nghị lại hình thức kỷ luật.

Dự kiến, Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020 - cùng thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Khánh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/dung-giai-quyet-thu-tuc-huong-huu-tri-neu-phat-hien-co-vi-pham-phap-luat-496056.html