Đừng ghen với đá

Cứ vào dịp sắp đến Tết Trung thu và tiếp theo là Tết Độc lập mùng 2/9, năm nào tôi cũng cùng mấy chiến sĩ cũ của tỉnh đội Gia Lai rủ nhau trở về vùng rừng sâu núi thẳm Kroong thăm bạn bè xưa.

Ở đây chúng tôi đã từng sống những ngày sôi động nhất của thời trai trẻ. Và ở đây chúng tôi cũng đều có nhiều kỷ niệm với bà con dân tộc Bahnar thời đánh Mỹ.

 Nghiên cứu, thu thập mẫu đá nghiên cứu mảng kiến tạo địa chất.

Nghiên cứu, thu thập mẫu đá nghiên cứu mảng kiến tạo địa chất.

Đắk Kroong Pa, Đắk LaPa là hai con sông lớn tạo nên vùng thung lũng thâm nghiêm đầy bí ẩn của núi rừng. Nơi ấy có những buôn làng xa xôi hẻo lánh, với những chiến công vang dội thời anh hùng Núp đánh Pháp và đánh Mỹ. Các ngôi làng Đe Bar, Đe STơr, sâu hơn nữa, làng Đe Bơ Ngănl, làng Đe Viar, Đe Star, rồi Đe Tung, Đe Lợc, Đe Nghe. Lên cao hơn, xa hơn, vắt vẻo trên sườn núi Kon King là làng Đe Te Go, Lô Hăch, Đe Gút, Đe H'Ro…

Cùng tôi lặn lội trở về với kỷ niệm của mình, đi tìm lại thời trai trẻ, tìm lại những tháng ngày cùng nhau làm nương phát rẫy, gùi đạn, gùi gạo, ăn sắn, ăn ngô, lạt muối đói cơm, chống càn, đánh đồn địch, phá ấp giành dân.

Vâng, đó là niềm háo hức của những cựu chiến binh chúng tôi bây giờ trở về, được bà con dân làng đón tiếp như những đứa con xa nhà lâu ngày trở về thăm quê. Rượu cần được đưa ra uống mừng. Dàn cồng chiêng đang ngủ trong gùi, trong nhà cũng được bà con “đánh thức” nó dậy với bài ching thiêng đón những đứa con đi xa về lại. Các con về rồi, mừng vui làng văn hóa mới rồi lại đi.

Vì có cuộc trở về mừng vui đón Tết Độc lập này mà tôi được gặp các anh, những nhà khoa học ngành địa chất. Thật khó có thể hình dung được, thời buổi cơ chế thị trường náo nhiệt, khắp nơi người ta buôn bán và làm ăn sôi động lại có những con người lặn lội âm thầm, vai đeo ba lô nặng, tay cầm búa thui thủi tìm đá mẫu nơi heo hút rừng già.

Thực lòng mới đầu chúng tôi nghi họ là những tay anh chị đi săn tìm vàng hoặc đá quý. Đá quý và vàng có sức hút biết bao người vào chốn đam mê cuồng vọng. Đá quý và vàng đã đẩy bao người chết rấp nơi xó rừng xanh.

Nhưng khi thấy các anh làm lán trại nơi bìa suối, võng treo, xoong nồi tạm bợ, đất đá chất ngổn ngang, có anh đang nằm run trên võng vì sốt rừng, bởi sốt rừng đâu có tha ai, chúng tôi hỏi thăm các anh rồi nhập bọn và càng quý các anh hơn khi biết các anh là "dân Hà Nội". Hà Nội giờ đây cách trở muôn trùng, lại đang mùa mưa bão, nhưng mọi việc của các anh đều hướng về nơi đó, công việc của các anh là đi tìm mẫu đá chuẩn quốc gia.

Hóa ra công việc này đã kéo các anh đi khắp mọi miền rừng xanh núi đỏ cả chục năm rồi. Năm nào các anh cũng có các cuộc hành trình hơn ba tháng ròng từ Hà Nội đi Sơn La. Từ Sơn La đi Tạ Khoa (thượng nguồn sông Đà) rồi Mai Sơn, Quan Hóa (Pù Nhi, Quang Chiểu, Mường Cát). Rồi tới Nghệ An với Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Hương Sơn Hà Tĩnh. Rồi vào Quảng Nam - Đà Nẵng - đi Phước Sơn - Đắk Sa, Trà Bồng, Trà Lâm, Trà Thọ, Sơn Hà (Quảng Ngãi) và giờ đây Kan Nắk, Kroong.

Cuộc hành trình vào Kroong lần này là lần thứ hai thứ ba, các anh chỉ có bốn người. Bốn anh em đều to khỏe nhưng đều nếm mùi sốt rét, da nhợt, mắt thâm quầng, làm việc với đá, với rừng, không hề tỏ ra lạ lùng, lạc lõng giữa thời kinh tế mở cửa, càng không thấy các anh than khó, than khổ, chỉ thấy các anh nhiều chuyện tiếu lâm, lắm trò đùa tếu.

Công việc và công việc, sáng nấu ăn, xách búa luồn theo suối, đập đá. Trưa, xếp đá vào bao ăn cơm vắt rồi đi tiếp, lại đập đá, xếp đá vào bao, hai người gùi đá về nơi tập kết trước, nấu cơm, hai người làm tiếp cho tới khi không nhìn được đá nữa mới gùi đá về. Mưa cũng như nắng. Đêm bật đèn pin soi đá, ghi số hiệu, xếp loại, đóng gói, ngày lại vào rừng. Anh em chúng tôi không giúp gì được các anh, bèn hứa với nhau rủ mấy trai làng ráng sức đi săn, hy vọng bắn được con mang đem về làm thịt liên hoan một thể.

***

Chúng tôi mắc võng quanh đống lửa rừng. Câu chuyện về những viên đá và làng địa chất gợi trí tò mò khiến tôi mê các anh. Các anh không phải là những tay thợ đục đá, càng không chỉ là những nhà thám hiểm thuần túy. Các anh là kỹ sư, những người nghiên cứu khoa học. Nhưng cái ngành oái oăm này, lao động cơ bắp kết hợp với tri thức liên tục suốt từ khi bắt đầu tới khi kết thúc.

Bao nhiêu năm thời bao cấp, lượng đá mẫu lấy về cũng nhiều, nhưng chưa chuẩn, chưa thành hệ thống. Bây giờ tổ quốc cần có đá mẫu để nghiên cứu và để chào hàng - nói theo ngôn ngữ thị trường - và các anh tiến quân vào cuộc hành trình, với niềm say mê nghề nghiệp.

Những thuật ngữ chuyên môn, nói ra chẳng phải ai cũng thông cảm, nhưng mấy từ: Kích thước, độ tuổi của đá, vị trí chuẩn (tọa độ), thành phần chuẩn xác và kiến trúc chuẩn lúc nào cũng vang lên suốt cuộc hành trình đi tìm mẫu đá.

Ngành địa chất thật hay. Hay ở cái được đi tới mọi miền tổ quốc, nhưng cũng cực khổ vô cùng. Trí tuệ và cơ bắp luôn luôn song hành với công việc của các nhà chuyên môn. Tiếng nói cuối cùng của làng địa chất thế kỷ là kiến tạo mảng, thay thế cho quan niệm cũ là kiến tạo nhân, thuyết tĩnh kiến tạo. Chưa ai vào sâu hơn 15km vỏ trái đất để xác định các cuộc giao thời địa chấn theo phương thẳng đứng - dồn lên thụt xuống, và giờ đây "kiến tạo mảng" đã mở ra chân trời mới đầy hứa hẹn cho các công trình nghiên cứu.

Nghiên cứu, thu thập mẫu đá nghiên cứu mảng kiến tạo địa chất.

Những viên đá có cùng kích thước, đã được ghi danh kia, mai mốt sẽ được đóng hòm đóng kiện, sau khi qua những quy trình nghiên cứu của các anh xác định tuổi đá trẻ già, phân chất để tìm khoáng sản. Tôi cầm cuốn sổ xin địa chỉ và xin chữ ký của các anh làm kỷ niệm những ngày lặn lội rừng thiêng, nơi đây đá già 260.000 triệu năm tuổi. Vâng đá thì già nhưng chính vì có sự đá già mà xứ Kroong của chúng tôi trẻ mãi.

Trận mưa bóng mây vừa tạnh, tôi và anh K'Bưr vào rừng, hy vọng về làng và sẽ cùng với già làng ra mời mấy anh địa chất về dự liên hoan mừng ngày 2/9. Chiều hôm qua và sáng nay, xã cử ba bốn du kích tới nơi tập kết đá của các anh, gùi về giúp các anh và sẽ tổ chức một cuộc liên hoan nho nhỏ. Công việc của các anh, các anh hiểu, chứ còn dân làng và cả các đồng chí cán bộ lãnh đạo thôn làng cũng chỉ biết các anh có tấm lòng với quê hương đất nước nhiều lắm, nên mới chịu lặn lội về đây tìm những của quý trong lòng núi.

***

Làng mà bây giờ gọi là làng đạt chuẩn “Nông thôn mới” đã hai chục năm nay rồi. Làng đã xuống núi định canh định cư, làm lúa nước ổn định rồi. Tuy nhiên tiếng chinh chiêng, tiếng hát hò mừng vui thì vẫn thế, nó được mở rộng ra, nó càng rộn rã hơn khi đón khách. Đống lửa trại được dân làng đem đuốc sáng rực nhập vào. Mặt người rạng rỡ.

Bốn nhà địa chất được già làng mời uống chung ghè rượu cần cùng chúng tôi. Những vòng xoang (múa) của lũ thanh niên con gái cứ nhập vào rồi lại giãn ra theo nhịp chinh chiêng. Những cần rượu được vít xuống. Sân làng đêm nay có hội hình như rộng ra, lũ trẻ nít lăng xăng chạy nhảy cho tới khuya. Trăng sáng ngằn ngặt. Cao nguyên phồng mình lên đón ánh trăng và tiếng hát của trai gái làng Đe Star.

Ngày mai ngày kia những gùi đá sẽ được chuyển ra đường xe đưa về xuôi. Chúng tôi và bốn nhà địa chất sẽ chia tay buôn làng về Hà Nội. Nơi ấy đang chờ đòn các anh, chờ những công việc tiếp theo và âm thầm mà sôi động. Tôi vẫn không thể nào hiểu được, chỉ với những viên đá hàng trăm triệu năm tuổi kia, người ta sẽ gọi ra được từ đó những tiềm năng gì… Và tôi đã không ngần ngại nói ra cái ý nghĩ đáng thương của mình. Anh trưởng nhóm cười, vỗ vai tôi, nói:

- Thôi mà, đừng ghen với đá.

Vâng, dù có ngây ngô tới đâu thì tôi cũng phải nhất trí với anh rằng, làm sao tôi lại dám đem lòng ghen với đá!

Pleiku, cuối tháng 8/2019

TRUNG TRUNG ĐỈNH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dung-ghen-voi-da-post248002.html