Đừng đùa với phòng cấp cứu ở Mỹ

Ngay sáng đầu tiên gia đình Jang Yeo-im đến San Francisco nghỉ mát, con họ - bé Park Jeong mới tám tháng tuổi rơi khỏi giường. Mặc dù không có thương tích nhưng bé khóc ngất nên vợ chồng Jang gọi 911 và xe cấp cứu đưa họ đến bệnh viện đa khoa Zuckerberg San Francisco.

Hai mẹ con gia đình Jang Yeo-im.

Bác sĩ khám, kết luận bé không sao - chỉ trầy xước đôi chút ở mũi và trán. Bé ngủ trên tay mẹ, uống ít sữa và vài giờ sau được ra viện. Cả nhà tiếp tục kỳ nghỉ rồi về lại Hàn Quốc và quên béng - chuyện này.

Hai năm sau, hóa đơn gửi về nhà họ: 18.836 đô la Mỹ cho 3 giờ 22 phút nằm viện. Bảo hiểm du lịch của gia đình Jang chỉ chi trả tối đa 5.000 đô la, khoản tiền còn lại với họ là quá lớn: “Nếu con tôi được điều trị thì OK nhưng đâu có đâu. Họ có làm gì cho con tôi đâu? Sao bắt tôi trả tiền?” - Jang than với tờ Vox.

Vox là tờ báo mở chiến dịch đề nghị độc giả gửi về cho báo những hóa đơn nằm viện vô lý trong vòng sáu tháng qua. Chỉ một thời gian ngắn, báo đã nhận được hơn 1.400 hóa đơn nằm phòng cấp cứu do độc giả từ 50 tiểu bang ở Mỹ gửi về. Nổi lên là câu chuyện phòng cấp cứu bệnh viện Mỹ tính tiền quá cao; thấp nhất là hóa đơn 1.112 đô la ở một bệnh viện bang Missouri, cao nhất là khoản tiền 50.659 đô la tại một bệnh viện bang California. Hóa đơn có những khoản mục kỳ lạ như phí lấy máu đi xét nghiệm, phí kiểm tra mức oxy trong máu, phí tính theo phút thời gian nằm trong phòng hồi sức...

Nhưng cao nhất là một loại phí độc đáo - “phí chấn thương”, thường ở mức trên 10.000 đô la. Phí này theo giải thích của các bệnh viện là để tổ chức và khởi động một đội ngũ y bác sĩ sẵn sàng đón bệnh nhân bị thương nặng tại cửa phòng cấp cứu. Ngoài khoản tiền cao ngất ngưởng này, người bệnh vẫn phải trả các phí khám chữa bệnh và các thủ thuật khác.

Vấn đề ở chỗ nhiều bệnh nhân như bé Park Jeong không cần điều trị gì cả vẫn phải chịu “phí chấn thương” lên đến trên 15.000 đô la! Đại diện bệnh viện Zuckerberg San Francisco nói, “Chúng tôi là trung tâm cấp cứu cho một khu vực rất lớn, rất đông dân cư. Chúng tôi thường phải xử lý nhiều ca chấn thương - tai nạn xe cộ, bắn giết, đụng xe hàng loạt... Chuẩn bị cho những vụ đó rất là tốn kém”.

Vox kể lại một số vụ điển hình như trường hợp bà Alexa Sulvetta, một y tá 30 tuổi bị té gãy xương mắt cá. Sau khi được điều trị ở phòng cấp cứu một ngày, bà được xuất viện vào ngày hôm sau nhưng vẫn chịu mức phí kinh khủng 113.336 đô la, trong đó có 15.666 “phí chấn thương” nói trên. Đó là “phí chấn thương” loại bình thường; nếu kích hoạt đội ngũ có cả bác sĩ phẫu thuật, “phí chấn thương” có thể lên đến 30.206 đô la. Bảo hiểm của bà Sulvetta cho rằng viện phí một ngày của bà quá cao nên chỉ trả những món họ cho là hợp lý; cuối cùng còn 31.250 đô la bệnh viện đang đòi bà phải bỏ tiền túi ra trả.

Sam Hausen, một chàng trai 28 tuổi, chạy xe mô tô quẹo nhanh nên bị té. Xe cấp cứu chở anh vào bệnh viện trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo. Anh nằm ở phòng cấp cứu chừng nửa tiếng, không cần chụp X quang, không chụp CT hay thử máu gì cả. Hausen kể, “Họ chỉ cho uống ibuprofen, khâu hai mũi, truyền ít nước biển”. Nhưng vì nhân viên trên xe cấp cứu kích hoạt đội ứng cứu chấn thương nên viện phí cuối cùng lên đến 26.998 đô la và khoản mục lớn nhất chính là “phí chấn thương” lên đến 22.550 đô la. Phí chấn thương vẫn tính dù bệnh nhân được đội ngũ ứng cứu chấn thương khám hay điều trị hay không.

Ở một phóng sự khác, Vox kể câu chuyện của Jessica Pell, một hôm bị ngất, đầu đập vào cạnh bàn làm trầy tai. Bà đến phòng cấp cứu bệnh viện thuộc Đại học Hoboken. Bà được trao một bịch đá lạnh để tự chườm, ngoài ra không điều trị gì hết, cũng không được chẩn đoán gì. Thế mà hóa đơn lạnh lùng tính tiền 5.751 đô la!

Vox kết luận giá cả điều trị của hệ thống bệnh viện Mỹ, nhất là ở phòng cấp cứu đang vượt quá logic bình thường, đắt từ tiền thuốc đến tiền bác sĩ, từ tiền sử dụng trang thiết bị đến tiền làm các thủ thuật thông thường. Một phần lớn chi phí này do các công ty bảo hiểm chi trả, càng đẩy phí bảo hiểm lên cao và buộc nhiều gia đình Mỹ sống không có bảo hiểm, mang nợ bệnh viện.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276335/dung-dua-voi-phong-cap-cuu-o-my-.html