Đừng dọa suông ma men!

Thông tin Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng nặng mức xử phạt hàng loạt hành vi vi phạm giao thông khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP làm nhiều người dân bớt âu lo trong tình hình tai nạn quá lớn hiện nay.

Liệu quy định mới này có ngăn chặn được các ma men hằng ngày ngồi sau vô lăng lảng vảng trên đường chực chờ gây họa?

Kết quả còn ở phía trước, chúng ta tạm hiểu đây cũng là thêm biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, răn đe những người kém ý thức. Nhưng không ít người vẫn không dám vội tin bởi cho đến nay, vấn đề ngăn chặn rượu bia, ma túy trên đường không hẳn do thiếu luật mà cái chính là thực thi như thế nào.

Năm 2018, người Việt Nam tiêu thụ 4,67 tỉ lít bia Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Năm 2018, người Việt Nam tiêu thụ 4,67 tỉ lít bia Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đơn cử như trường hợp vi phạm độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông thì tùy mức độ, bị phạt tiền từ 3-4 triệu đồng, tạm giữ phương tiện hoặc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3-5 tháng... Chỉ với quy định này, nếu xử lý nghiêm, kiên quyết thì không ít ma men sẽ tỉnh rượu, chẳng dám cầm lái khi đã uống cả chục chai. Cơ quan chức năng công bố đã xử phạt cả vạn trường hợp mỗi năm nhưng thực tế không thấm tháp vào đâu với "đội ngũ" ngốn hơn 4 tỉ lít bia hằng năm.

Dẫn chứng cho điều này không khó, hãy thử dạo một vòng qua các phố ăn nhậu ở TP HCM thì rõ. Cứ đêm xuống, lúc nào cũng có người ngật ngưỡng lái xe ra phố mà chẳng thấy ai bị phạt. Bờ kè Hoàng Sa, Trường Sa, phố Tây Phạm Ngũ Lão, phố nhậu Thành Thái... luôn nhộn nhịp từ chiều đến khuya. Thậm chí ở quận 4, nhiều quán nhậu lấn chiếm lề đường không bị dẹp mà còn được địa phương "quy hoạch" thành khu phố ẩm thực. Xe máy, ôtô đậu dưới lòng đường, người say xỉn cứ phóng đi mà có ai phạt.

Thử tham khảo một số mức phạt ở các quốc gia lân cận. Tại Singapore: Mức phạt lên đến 5.000 SGD và đối diện với 6 tháng tù giam. Tái phạm lần thứ 2 bị phạt tù từ 6-12 tháng và phạt tiền từ 3.000-10.000 SGD. Phạt 30.000 SGD và 3 năm tù, tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế phạm lỗi lần thứ 3. Tại Hàn Quốc, chỉ vi phạm 0,05 mg/lít khí thở, sẽ bị quy vào tội hình sự và có thể ngồi tù 3 năm và phạt 10 triệu won và bằng lái sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi tùy mức độ. Tại Nhật Bản: Với nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở (tương đương với 1 ly bia), người điều khiển xe bị quy vào lỗi "lái xe trong điều kiện không tỉnh táo", bị phạt 500.000 yen và đối mặt với việc bị phạt giam giữ tới 3 năm. Nếu bị cảnh sát phát hiện lái xe trong tình trạng "say rượu", người vi phạm có thể bị phạt cả triệu yen và thời gian giam giữ tới 5 năm.

Ngăn chặn lạm dụng rượu bia không chỉ bằng việc tăng mức xử phạt. Nó phải là cả một chương trình hành động của quốc gia, từ tăng mức xử phạt vi phạm, hạn chế sản xuất, khuyến mãi chất có cồn đến cấm bán rượu cho người chưa thành niên, đánh thuế nặng các nhà sản xuất... Có những chuyện thuộc từng địa phương, có những chuyện thuộc các bộ và cao hơn là Quốc hội khi thiết kế luật.

Rượu bia tràn lan, bất cứ lúc nào cũng mua được, uống được; bất cứ tuổi nào cũng sử dụng thoải mái... thì không một lực lượng nào có thể ngăn chặn nổi người say xỉn ra đường.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dung-doa-suong-ma-men-20190702225428982.htm