Đụng độ tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại biên giới Ấn - Trung

Ngày 17/6, quân đội Ấn Độ khẳng định ít nhất 20 binh sĩ Lục quân nước này đã thiệt mạng trong vụ đụng độ với các lực lượng bên phía Trung Quốc tại khu vực biên giới hai nước ở Himalaya vào đêm 15/6, trong bối cảnh hai nước Trung Quốc - Ấn Độ đang trong quá trình đàm phán để giảm căng thẳng trong khu vực này.

Tồi tệ nhất trong hơn 40 năm qua

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava, nguyên nhân vụ việc do phía Trung Quốc không giữ cam kết tôn trọng Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) tại thung lũng Galwan. Người phát ngôn này cũng cho biết cả hai bên đều hứng chịu tổn thất trong vụ đụng độ trên.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng phía Ấn Độ đã vi phạm cam kết giữa hai bên và đã vượt qua LAC để thực hiện “các hoạt động bất hợp pháp và tấn công binh sĩ Trung Quốc”. Người phát ngôn này không xác nhận bất cứ thông tin nào về thương vong phía Trung Quốc.

Trung Quốc và Ấn Độ có chung đường biên giới dài gần 4 nghìn km nhưng gần như chưa được phân định rõ ràng, do đó, lâu nay, 2 quốc gia đông dân số nhất thế giới này vẫn mâu thuẫn ở khu vực dọc đường phân chia thực tế. Tuy nhiên, trong 5 thập kỷ qua, kể từ cuộc xung đột biên giới ngắn giữa 2 nước vào năm 1962, Trung Quốc - Ấn Độ chưa xảy ra cuộc chiến nào liên quan đến vũ khí.

Vụ việc ngày 15/6 vừa qua là vụ đụng độ lớn đầu tiên dọc LAC kể từ cuộc đối đầu 73 ngày hồi năm 2017 tại khu vực Ấn Độ gọi là Doklam, trong khi Trung Quốc gọi là Đông Lãng. Vào cuối tháng 5/2020, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng binh sĩ đáng kể đến khu vực biên giới. Đáp lại, Ấn Độ cũng đã điều thêm 5 nghìn binh sĩ đến Ladakh để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo LAC.

Một binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại trạm kiểm soát gần quốc lộ Srinagar-Leh trong khu vực tranh chấp với Trung Quốc.

Một binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại trạm kiểm soát gần quốc lộ Srinagar-Leh trong khu vực tranh chấp với Trung Quốc.

Tiếp tục nỗ lực đàm phán hòa bình

Ông Lin Minwang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), cho rằng việc tránh đụng độ ở biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc là khá khó. “Tới nay, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới. Điều duy nhất có thể làm trong thực tế là quản lý các cuộc xung đột” - ông Minwang bình luận.

Trong nửa thế kỷ qua, Trung Quốc và Ấn Độ đã cùng nhau trải qua hơn 20 vòng đàm phán về đường biên giới song hiện vẫn chưa thể đi đến sự đồng thuận. Sau sự việc hồi tháng 5/2020, hai bên đã cam kết giải quyết bất đồng thông qua đối thoại ngoại giao các cấp. Cụ thể, quan chức cấp cao 2 bên đã có cuộc họp bằng video và nhất trí rằng sẽ không để những khác biệt dẫn tới tranh chấp. Chính phủ hai nước đều khẳng định không muốn đụng độ xảy ra.

Tuy nhiên, sự tổn thất nhân mạng trên của Ấn Độ đang khiến tình hình trở nên khó khăn hơn để xoa dịu. Hiện chưa rõ Ấn Độ sẽ hành xử như thế nào, trong bối cảnh chính quyền Thủ tướng Narendra Modi và đảng cầm quyền Quốc gia Ấn Độ đang theo đuổi một chính sách đối ngoại mạnh mẽ, nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của Ấn Độ trên thế giới. Tuy nhiên, GS. Bharat Karrnad - nghiên cứu về an ninh chính trị thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi, Ấn Độ cho biết Ấn Độ không “mạo hiểm” gây chiến tranh với Trung Quốc, đặc biệt là trong tình hình hiện nay, khi nước này đang rơi sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế do dịch bệnh COVID-19 gây ra, khiến hơn 100 triệu người dân nước này bị mất việc làm.

Còn GS. Long Xingchun - thuộc Đại học Sư phạm Tây Trung Quốc chuyên nghiên cứu về mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ cho hay nếu không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp, sẽ làm tăng rủi ro xung đột nhiều hơn ngay cả khi các quốc gia này không thực sự muốn tham chiến.

Ngày 17/6, Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington cho hay nước này đang “theo dõi” chặt chẽ diễn biến xung đột mới nhất tại biên giới Trung Quốc - Ấn Độ. “Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều bày tỏ mong muốn giảm leo thang xung đột và chúng tôi ủng hộ một giải pháp hòa bình cho tình hình hiện tại” - trích thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Cùng ngày 17/6, cả Trung Quốc và Ấn Độ đưa ra tuyên bố cam kết giải quyết sự khác biệt giữa hai nước về vấn đề biên giới thông qua đối thoại.

H.A

((Theo CNN))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-do-toi-te-nhat-trong-nhieu-nam-qua-tai-bien-gioi-an-trung-n175819.html