Tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

* Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính Nhà nước lớn thứ 2 sau ngân sách Nhà nước

Phát biểu tại Hội nghị Đối tác phát triển Bảo hiểm xã hội Việt Nam 2017, ngày 30-11, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, hơn 20 năm hoạt động và phát triển đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã mở rộng, tăng nhanh và bền vững độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 2,2 triệu người (năm 1995) lên gần 80 triệu người (năm 2017).

Bà Minh cho biết, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn quốc đạt 85,3% dân số; quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính nhà nước lớn thứ 2 sau ngân sách nhà nước; hệ thống bảo hiểm xã hội được tổ chức tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương với hơn 20.000 cán bộ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh: NGUYỄN LÊ

Còn nhiều bất cập

Để đảm bảo phát triển bền vững hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam, Chính phủ đã định hướng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho ngành bảo hiểm xã hội đến năm 2020, đó là thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện; thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm y tế. Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Những mục tiêu, nhiệm vụ trên đặt ra thách thức rất lớn đối với hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Thực tế triển khai hoạt động của hệ thống bảo hiểm xã hội trong thời gian qua cũng cho thấy hiện còn nhiều bất cập như: người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp; quy trình thủ tục hành chính chưa thống nhất, thiếu đồng bộ; hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ còn mang tính hành chính; công tác dự báo chưa chính xác gây khó khăn cho việc xây dựng chiến lược dài hạn, kế hoạch trung hạn phát triển ngành cũng như quá trình tham vấn điều chỉnh và hoạch định chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Chính phủ.

Thách thức đối với hệ thống lương hưu

Tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định Việt Nam đã đạt được kỷ lục trong việc nâng cao tuổi thọ của người dân nhưng điều đó cũng mang lại nhiều thách thức đối với hệ thống lương hưu. Ngân hàng Thế giới mong muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết những thách thức này, để hệ thống lương hưu trong thời gian tới ổn định và được điều chỉnh phù hợp với những thay đổi, những thách thức về nhân khẩu.

Theo ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO), đảm bảo mức hưởng đầy đủ cũng như tính minh bạch là những yếu tố quan trọng để tăng cường lòng tin của người dân đối với hệ thống bảo hiểm xã hội. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của những nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và trên cơ sở những bước tiến của mình, Việt Nam cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những nước khác trên thế giới để họ thấy được chính họ cũng có thể đạt được những thành công như Việt Nam trong một thời gian ngắn, Việt Nam là một điển hình tốt. Để thẩm định cũng như đảm bảo tuân thủ đối với hệ thống bảo hiểm y tế ở Việt Nam, ILO có thể hỗ trợ Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên hệ, học hỏi kinh nghiệm và những công nghệ mới mà các quốc gia ở châu Âu đang áp dụng.

Nhìn về mục tiêu tham vọng là mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế lên đến 90% dân số Việt Nam, bà Takeuchi Momoe, Trưởng nhóm phát triển hệ thống y tế của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) cho rằng đây là một thách thức. “Mở rộng diện bao phủ là một chuyện, nhưng chúng tôi cũng muốn đảm bảo rằng tất cả mọi người đều sử dụng một cách hiệu quả các dịch vụ bảo hiểm y tế”, bà Takeuchi Momoe nói.

Bà Takeuchi Momoe phân tích, những người dân tộc thiểu số, người khó khăn được bảo hiểm y tế nhưng chưa hẳn đã sử dụng những dịch vụ bảo hiểm y tế và như vậy còn rất nhiều rào cản đối với việc sử dụng như sự hiểu biết, kiến thức, thủ tục... Bà Takeuchi Momoe cũng bày tỏ ấn tượng với hệ thống giám định bảo hiểm xã hội, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất, góp phần sử dụng nguồn lực của Quỹ bảo hiểm y tế tốt hơn; cho biết WHO sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ quá trình này cùng với các đối tác khác.

THU THỦY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_176418_dung-do-sac-toc-dam-mau-o-nam-sudan.aspx