'Đừng để trẻ em làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ em nuôi dưỡng ước mơ'

Đây là chủ đề của Diễn đàn vận động chính sách hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em vừa được Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức. Diễn đàn nhằm hướng ứng ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em 12-6-2019.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em thời gian qua luôn được Nhà nước quan tâm đầu tư. Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Đặc biệt, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.

Hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc. Và tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ biểu quyết việc gia nhập Công ước số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Tại Diễn đàn, các đại biểu thiếu nhi đã tham gia nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực như: vẽ tranh tuyên truyền phòng, chống lao động trẻ em. (Ảnh:Thế Thảo Tuấn)

Tại Diễn đàn, các đại biểu thiếu nhi đã tham gia nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực như: vẽ tranh tuyên truyền phòng, chống lao động trẻ em. (Ảnh:Thế Thảo Tuấn)

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu. Theo ước tính của ILO, trên thế giới hiện có khoảng 152 triệu lao động trẻ em. Lao động trẻ em tồn tại ở mọi lĩnh vực ngành nghề. Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Việc tham gia lao động sớm cản trở trẻ em hướng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng văn hóa, giáo dục phù hợp và việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em.

Tại Việt Nam, Báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 cho biết: Việt Nam có 1,75 triệu trẻ em thuộc nhóm lao động trẻ em, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em từ 5 đến dưới 17 tuổi. Đa số lao động trẻ em làm việc trong ngành nông nghiệp (chiếm 67%). Trong 18 công việc tập trung trên 80% lao động trẻ em tham gia làm việc, có 11 công việc thuộc khu vực nông nghiệp. Địa điểm làm việc phổ biến là cánh đồng, nông trại hoặc vườn cây. Trong số lao động trẻ em chỉ có 45,2% còn đi học, 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học.

Thực tế cho thấy, với mức giá nhân công hết sức rẻ mạt, phải lao động trong một môi trường và điều kiện không đảm bảo, lao động là trẻ em vẫn đang từng ngày buộc phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột sức lao động thậm tệ. Thời gian làm việc của các em bị chủ sử dụng ép buộc từ 11- 12 tiếng, thậm chí lên tới 16 tiếng/ngày.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với ILO đang tiếp tục triển khai Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em lần 2, để có dữ liệu chính xác, đầy đủ về tình hình lao động trẻ em trong cả nước.

Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, cần có sự chung tay tham gia tích cực của tất cả xã hội, từ các cơ quan Nhà nước, DN, công đoàn, các tổ chức xã hội đến các gia đình, cộng đồng. Sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cả xã hội sẽ giúp cho việc xây dựng, thực hiện luật pháp, chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em nói riêng và về quyền trẻ em nói chung được thực hiện tốt hơn và tương lai của các em, xa hơn là tương lai nguồn nhân lực của đất nước được đảm bảo.

Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế ILO Việt Nam - ông Chang Hee Lee cho biết, chấm dứt lao động trẻ em là một thách thức đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên những năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Đại diện Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần thêm nhiều nỗ lực nữa từ phía Chính phủ, người lao động, chủ sử dụng lao động và cả xã hội dân sự nhằm giữ đà cải thiện và thúc đẩy các bước tiến hơn nữa. Việc giảm thiểu lao động trẻ em cần sự can thiệp của các chính sách giải pháp liên tục và chặt chẽ. Đồng thời bày tỏ hy vọng rằng tới đây, thông điệp về quyền được tới trường, được học hành và vui chơi, được an toàn và được bảo vệ, và quyền được mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn và được thực hiện ước mơ đó sẽ được phổ biến sâu rộng.

Nguyên An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dung-de-tre-em-lam-viec-tren-dong-ruong-hay-de-tre-em-nuoi-duong-uoc-mo-151420.html