Đừng để sự vô cảm lây lan

Vừa qua, hình ảnh nhiều người trẻ thản nhiên cười đùa, chụp ảnh, livestream (quay phim, phát trực tiếp) ngay tại đám tang của một nghệ sĩ đã khiến dư luận không khỏi bức xúc, nhất là những nghệ sĩ đến tham dự tang lễ, khi họ liên tiếp bị đám đông làm phiền vì bị xin chữ ký, xin chụp ảnh cùng để đưa lên mạng xã hội.

Diễn đàn chủ nhật

Những hành vi phản cảm đó khiến không gian tang lễ có phần hỗn loạn. Sự tranh giành hỉ hả, tìm mọi cách để chụp ảnh, quay phim của những người chẳng liên quan đối ngược hoàn toàn với sự đau buồn, tiếc thương của gia đình, người thân, đồng nghiệp dành cho nghệ sĩ đã mất. Thậm chí sau đó, trong lễ an táng nghệ sĩ, dòng người chờ sẵn để ghi hình, chụp ảnh còn không ngần ngại trèo lên cây, giẫm lên các bia mộ bên cạnh, giương gậy tự sướng để tìm góc quay đẹp…

Cảnh tượng này khiến người ta đặt câu hỏi, không biết trong số những khán giả đến bên linh cữu nghệ sĩ, có bao nhiêu người thực tâm muốn chia buồn tiễn biệt, hay chỉ để được gặp người nổi tiếng, chụp hình, quay phim, sau đó hả hê vì “câu” được nhiều like, nhiều bình luận trên mạng, tăng thu nhập từ sự chú ý của cộng đồng mạng hoặc đơn giản để thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ của bản thân? Những năm gần đây, nhiều tang lễ của các sao Việt… cũng gặp những áp lực tương tự từ đám đông, khi không ít người thiếu kiềm chế trong hành xử đã chẳng ngần ngại xông đến phỏng vấn người nhà, nghệ sĩ tham dự về đời tư người quá cố, leo lên bàn chụp ảnh linh cữu, chặn đường người nổi tiếng chụp ảnh… thay vì bày tỏ sự tiếc thương, cảm thông cùng gia quyến người đã mất. Rõ ràng, những hình ảnh xấu xí này không chỉ khiến nơi cần trang nghiêm trở nên lộn xộn, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý, quá trình lo hậu sự của gia đình người đã mất, mà còn là biểu hiện đáng báo động cho lối sống vô cảm, sự thờ ơ đến mức tàn nhẫn của một bộ phận người trẻ trong xã hội hiện đại.

Đi trên đường, gặp người bị nạn, nhiều thanh niên sức dài vai rộng bu lại xem, chỉ trỏ, bàn tán, giơ ngay điện thoại ra để quay phim, chụp ảnh, check-in hiện trường cho “nóng”, nhưng lại chẳng mấy người có hành động giúp đỡ, cứu trợ. Trong trường, lớp, thấy có xô xát giữa các bạn, thay vì can ngăn, nhiều học sinh lại lôi điện thoại ra chụp hình, quay phim để phát tán... Những hình ảnh này đã không còn xa lạ trong cuộc sống hiện đại, cho thấy mối dây chia sẻ, cảm thông của người trẻ trước nhiều hiện tượng trong cuộc sống đang dần trở nên lỏng lẻo. Nguyên nhân đến từ nhiều phía, song có lẽ không thể không nói đến sự phụ thuộc quá mức của giới trẻ ngày nay vào thế giới ảo. Sự phát triển của công nghệ thông tin và khả năng kết nối, lan tỏa sâu rộng đã mang đến những tiện ích kỳ diệu cho con người trong cuộc sống nhưng ở góc độ khác, nó cũng dễ cuốn người ta vào thế giới ảo với các loại hình giao tiếp trên mạng in-tơ-nét mà trở nên thờ ơ, xa lạ với thế giới thực chung quanh. Những người trẻ - thế hệ nhạy cảm nhất với công nghệ cũng chính là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người trẻ hiện nay chỉ theo đuổi những tin độc, lạ, giật gân nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, thay vì tìm kiếm sự quan tâm, chia sẻ thực tế trong cuộc sống. Và đây cũng là mảnh đất khiến một số người kiếm tiền từ youtube càng bất chấp hoàn cảnh, môi trường để “tác nghiệp”, khi theo sau họ là cả đội quân hùng hậu chỉ chờ có thông tin là like, share (chia sẻ), bình luận, giúp họ thu lợi.

Với sự hỗ trợ của công nghệ, việc giơ điện thoại lên chụp ảnh, hoặc nhấn nút phát trực tiếp về một hiện tượng là quá dễ dàng, đơn giản, nhưng vấn đề là cần thực hiện vào lúc nào, trong hoàn cảnh nào để bảo đảm văn minh thì cần đến sự nhạy cảm văn hóa của người thực hiện. Và để có được điều này, không cách nào khác cần xuất phát từ việc thay đổi nhận thức, hành vi cho những người trẻ. Trong đó, vai trò giáo dục của nhà trường, gia đình, xã hội, nhất là vai trò nêu gương cần được coi trọng. Bởi chỉ khi những người trẻ được gieo mầm yêu thương, được cảm nhận sự quan tâm thật sự từ những người chung quanh, họ mới có thể sẻ chia, thông cảm, và biết định hướng hành vi để không có những biểu hiện vô cảm.

TRANG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/39850302-dung-de-su-vo-cam-lay-lan.html