Đừng để sau lưng thủ môn là… địa ngục!

Trong bóng đá, nhiều người vẫn nghĩ nếu cầu thủ sai đã có đồng đội sửa. Tiền đạo bỏ lỡ cơ hội đã có tiền vệ.

Tiền vệ mất bóng đá có hậu vệ bọc lót. Hậu vệ lóng ngóng đã có thủ môn là chốt chặn cuối cùng. Vậy thủ môn sai, ai sẽ là người sửa? Câu nói “sau lưng thủ môn là địa ngục” của cựu thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh vẫn còn nguyên giá trị và đáng để người hâm mộ suy ngẫm…

Khi tham gia một trận bóng đá phong trào, không nhiều người chọn chơi ở vị trí thủ môn. Đây là vị trí khá buồn tẻ, ít khi được chạm vào bóng mà không khéo còn bị tiền đạo đối phương cho “ăn giầy”. Bắt bóng tốt thì không sao, mắc sai lầm là lại bị đồng đội trên sân la hét… Đội nhà thắng thì tiền đạo ghi bàn sẽ được nhắc đến đầu tiên, còn thủ môn ư? Không bị chửi là may rồi!

 Thủ môn Tiến Dũng đang chịu áp lực lớn từ người hâm mộ. Ảnh: MINH CHIẾN

Thủ môn Tiến Dũng đang chịu áp lực lớn từ người hâm mộ. Ảnh: MINH CHIẾN

Trong bóng đá đỉnh cao, thủ môn thường ít khi được nhắc tới. Mà mỗi lần nhắc tới thường là tỏa sáng phi thường hay mắc sai lầm nghiêm trọng. Một pha bắt bóng hay sẽ được người hâm mộ tung hô trong nhiều ngày, nhưng một tình huống mắc sai lầm khiến đội nhà thua trong một trận đấu quan trọng thì sẽ còn bị chỉ trích trong nhiều năm.

Những ngày qua, việc thủ môn Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm dẫn đến bàn thua trong trận U23 Việt Nam thua U23 Triều Tiên 1-2 tại Vòng chung kết bóng đá U23 châu Á 2020 đã khiến người hâm mộ nảy ra một cuộc tranh cãi lớn. Nhiều người đứng ra bênh vực Tiến Dũng vì cho rằng những sai lầm trên là điều khó có thể tránh khỏi trong bóng đá. Nhưng cũng không ít cổ động viên dùng những lời mạt sát, thậm chỉ sỉ nhục Tiến Dũng vì pha bóng trên và một số tình huống mắc sai lầm trước đó. Bản thân Tiến Dũng cũng đã chia sẻ tâm thư trên mạng xã hội Facebook rằng, anh đang “đau khổ, dằn vặt bản thân”.

Trong bóng đá không bao giờ có khái niệm hoàn hảo và mọi sai lầm đều được xem là hết sức bình thường mà cầu thủ nào cũng mắc ít nhất một lần trong sự nghiệp. Tại sao thủ môn De Gea nhiều lần mắc sai lầm ngớ ngẩn nhưng hiện vẫn đang hưởng lương cao nhất MU, là một trong những thủ môn hàng đầu thế giới? Nhưng ở chiều hướng ngược lại, vì mắc sai lầm mà Loris Karius đã gần như đánh mất sự nghiệp. Bóng đá không tuân theo quy luật nào nhưng lại có sự khắc nghiệt và tàn nhẫn. Nếu như sai lầm của thủ môn được cảm thông, được nhìn nhận công bằng thì họ sẽ tiếp tục phấn đấu, sửa sai để hoàn thiện hơn. Nhưng nếu thủ môn bị chỉ trích, soi mói, mạt sát thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp.

Lịch sử bóng đá Việt Nam đã từng chứng kiến nhiều thủ môn phải trả giá đắt bởi sai lầm và từ “búa rìu” dư luận. Phí Minh Long từng là một thủ môn tài năng nhưng sai lầm ở SEA Games 2017 đã khiến sự nghiệp của anh rơi tự do. Hay Nguyên Mạnh từng được xem là thủ môn hay nhất Việt Nam nhưng vì mắc lỗi nên sự nghiệp cũng khá trôi nổi. Xét cho cùng Tiến Dũng vẫn là thủ môn trẻ, tương lai vẫn còn ở phía trước. Thừa nhận Tiến Dũng đang không có được phong độ tốt, nhưng sai lầm của anh cần phải được cảm thông và xem đó như một phần của cuộc chơi. Nên nhớ cách đây hai năm, Tiến Dũng là người hùng trong chiến tích ở Thường Châu. Anh bị chỉ trích ở SEA Games 30, song lại tạo ra sự chắc chắn ở hai trận đầu gặp U23 UAE và U23 Jordan.

HLV Henrique Calisto đã từng nói “Việt Nam có 30 triệu người là HLV bóng đá”. Con số này bây giờ đã tăng lên rất nhiều khi người người, nhà nhà đều có thể bình luận, bàn về bóng đá. Còn HLV Park Hang-seo đã thừa nhận: “Việt Nam rất yêu bóng đá, nhưng yêu thứ bóng đá chiến thắng”. Khi tỏa sáng thì được tung hô, khi sai lầm thì bị chỉ trích và Tiến Dũng hẳn đang hiểu rõ điều này.

Ai sẽ là người sửa sai cho thủ môn? Câu hỏi đó cần được sự cảm thông, nhìn nhận công bằng của người hâm mộ. Đừng để sau lưng thủ môn là… địa ngục.

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/dung-de-sau-lung-thu-mon-la-dia-nguc-608094