Đừng để rừng ngập mặn vịnh Cửa Lục biến mất

Kể từ khi sáp nhập Hạ Long - Hoành Bồ (Quảng Ninh), khu vực đất xung quanh vịnh Cửa Lục được săn đón rất nhiều.

Điều này khiến người dân lo lắng những cánh rừng ngập mặn tự nhiên bảo vệ vịnh Cửa Lục có thể biến mất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc sáp nhập TP.Hạ Long và huyện Hoành Bồ để thành một TP.Hạ Long mới với tổng diện tích lớn gấp 5 lần TP.Hạ Long cũ.

Cả vùng rừng ngập mặn khu vực biển Tuần Châu, Đại Yên, Hùng Thắng phải nhường chỗ cho những dự án lấp biển.

Cả vùng rừng ngập mặn khu vực biển Tuần Châu, Đại Yên, Hùng Thắng phải nhường chỗ cho những dự án lấp biển.

"Lá phổi xanh" bị xâm lấn

Không những được ví như “lá phổi xanh”, rừng ngập mặn còn là môi trường lý tưởng cho các loài tôm, cá, nhuyễn thể có nơi cư ngụ, tìm kiếm thức ăn, sinh nở, phát triển, tạo ra sự đa dạng các loài thủy hải sản. Hàng ngàn hộ gia đình ven biển Quảng Ninh đã mang ơn những cánh rừng này vì nó cho họ sản vật để có thu nhập hàng ngày.

Nhưng thay vì được bảo vệ, rừng ngập mặn buộc phải nhường chỗ cho những dự án lấp biển. Bất cứ ai đến với cửa ngõ thành phố Hạ Long cũng không khỏi kinh ngạc bởi một cuộc xâm lấn biển. Hàng triệu khối đất đã được đổ xuống, một vùng rừng ngập mặn ven biển các phường Hà Khẩu, Đại Yên, Tuần Châu đã biến mất hoàn toàn, nhường chỗ cho những dự án “treo lơ lửng” hàng chục năm nay.

Bà Nguyễn Thị Nhung, một người dân TP.Hạ Long cho biết, khu vực vịnh Cửa lục, đoạn qua các phường Cao Xanh, Yết Kiêu, Hà Khánh từng trải dài những cánh rừng ngập mặn, nhưng nay cái màu xanh êm đềm và giàu có đã biến mất. “Hiện nay, vịnh Cửa lục là cảng xuất than, là những dự án đô thị với hàng chục nghìn khối đất đá đổ xuống san lấp. Chúng tôi thật sự xót xa vì điều này”, bà Nhung nói.

Và thay vì được xây dựng luôn, thì nhiều dự án chỉ là những bãi đất hoang tàn, treo đó suốt bao năm. Đó cũng là khoảng thời gian môi trường tăng sự ô nhiễm, hàng trăm hộ dân nghèo ven biển mất đi cơ hội sinh sống. Nếu theo cách tính của các nhà khoa học, 1 ha rừng ngập mặn mất đi tương đương với thiệt hại 30.000 USD mỗi năm, tính trên toàn bộ diện tích đã bị triệt hạ khoảng vài trăm ha thì đó là tổn thất không nhỏ.

Không được đụng đến rừng ngập mặn

Tỉnh Quảng Ninh đã xác định mô hình và cấu trúc phát triển đô thị của TP Hạ Long theo mô hình đa cực, trong đó lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị theo hành lang ven Vịnh Hạ Long.

Tuy nhiên, theo điều tra của Phóng viên DĐDN, hiện nay rừng ngập mặn tự nhiên chỉ còn ở các xã của huyện Hoành Bồ cũ. Dù đã mất quá nhiều rừng ngập mặn, nhưng hàng trăm hécta rừng còn lại xen kẽ trong hàng nghìn hécta bãi triều trải dải hàng chục km bên bờ vịnh Cửa Lục vẫn là tài sản vô cùng quý giá. Không chỉ về mặt cảnh quan mà rừng ngập mặn còn có tác dụng bảo vệ môi trường cho vịnh Cửa Lục.

Bà Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: “Việc sáp nhập TP.Hạ Long và huyện Hoành Bồ là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất lo lắng, không biết rừng ngập mặn ở đây có được bảo vệ và nhân rộng ra hay không hay lại phải nhường chỗ cho những dự án bất động sản nào đó”.

Ông Vũ Ngọc Dũng, một người dân TP. Hạ Long cho biết, hàng loạt dự án lấn biển để mở rộng đô thị với những cơn sốt nóng về giá đất đã khiến rừng ngập mặn bị xóa sổ gần như hoàn toàn. “Việc sáp nhập Hạ Long đang khiến cho đất khu vực Cửa Lục được ví như vàng, điều này khiến chúng tôi lo ngại cho số phận của dải rừng ngập mặn còn lại”, ông Dũng trăn trở.

Được biết, sau sáp nhập, Quảng Ninh hướng tới xây dựng một khu đô thị đẳng cấp thế giới xung quanh vịnh Cửa Lục. Việc những cánh rừng ngập mặn tuyệt đẹp còn lại xung quanh Cửa Lục có thể biến mất. Lo lắng của bà Nhung cũng như người dân Hạ Long không phải là không có cơ sở khi mà ngay bản quy hoạch do một tập đoàn bất động sản tài trợ triển khai, ký tháng 5/2019, đã đổ đất lấn vào phần lớn diện tích rừng ngập mặn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh chưa chấp thuận bất cứ nhà đầu tư nào vì chưa đến lúc. “Tuyệt đối không được động đến rừng ngập mặn”, ông Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ngoài việc không được động đến rừng ngập mặn, Quảng Ninh cũng tính toán ở những khu vực gần bờ biển chỉ cấp phép đầu tư cho các dự án làm dịch vụ - du lịch với tỷ lệ xây dựng thấp. Các dự án bất động sản chỉ được cấp phép ở phía sâu bên trong, nhưng sẽ không có chuyện phân lô, bán nền để tránh tính trạng đất để hoang.

Thành Cường

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/dung-de-rung-ngap-man-vinh-cua-luc-ha-long-bien-mat-167936.html