Đừng để 'rác' không gian mạng đầu độc trẻ nhỏ

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, song hành với những mặt văn minh tiến bộ chính là một số bộ phận tha hóa đạo đức, những lỗ hổng của không gian mạng đang gây hệ lụy nghiêm trọng đến trẻ em - đối tượng dễ tổn thương nhất của xã hội.

Những video nhạy cảm, vô bổ, dung tục và thiếu văn hóa lại được gắn một cái mác dành cho trẻ em, điều đáng để nói đến, những video càng bị lên án thì càng dễ kiếm tiền. Bị hấp dẫn bởi lợi nhuận, một số người đã coi rẻ giá trị sống, văn hóa, thậm chí là tính mạng để làm ra những video độc hại. Câu hỏi đặt ra là, trẻ em có thực sự an toàn khi ở nhà? Câu hỏi cũng chính là câu trả lời. Trẻ nhỏ có thể bị đầu độc bởi rác trên không gian mạng, ngay cả khi ở nhà.

Các phim hoạt hình gắn mác cho trẻ em có nội dung bạo lực, kinh dị, thậm chí là xúi giục trẻ làm theo.

Các phim hoạt hình gắn mác cho trẻ em có nội dung bạo lực, kinh dị, thậm chí là xúi giục trẻ làm theo.

Khoa học công nghệ phát triển ngày càng lớn mạnh, không gian mạng xã hội liên kết ảo đến với mọi người như một thứ tất yếu. Nền kinh tế thị trường hiện tại dựa trên sự chú ý, các video trên mạng càng thu hút nhiều lượt xem, sự chú ý của mọi người thì video ấy càng có lợi nhuận cao, mang lại cho người làm video một khoản tiền, khoản tiền ấy cứ nhân lên khi lượt xem càng nhiều.

Muốn làm một video mang tính giáo dục, mang lại lợi ích cho người xem và xã hội thì cần đầu tư rất nhiều tâm huyết, người làm video cần có trình độ văn hóa nhất định, nhưng muốn làm một video thu hút người xem thì lại hết sức đơn giản.

Những video nhảm nhí, đi ngược lại với đời sống văn hóa thì giờ đây lại có rất nhiều lượt theo dõi, mang lại lợi nhuận cao cho người tạo ra. Một người làm video nhảm nhí thu lại lợi nhuận cao thì càng nhiều người khác bắt chước và làm theo, điều này sẽ tạo ra một môi trường không gian mạng ô nhiễm, ngập ngụa rác xấu, độc.

Điều đáng báo động là những video rác lại dễ dàng được tìm thấy tràn lan trên Youtube, nó không hề bị giới hạn độ tuổi hay được sàng lọc theo quy chuẩn phân loại. Thậm chí, khi ta tìm một từ khóa, những nội dung nhảm nhí độc hại lại hiện ở đầu trang tìm kiếm.

Nền công nghệ kĩ thuật phát triển, việc trẻ em tiếp xúc với thiết bị điện tử sớm là một điều không còn xa lạ, việc dỗ một đứa trẻ giờ đây đơn giản chỉ là đưa cho chúng một chiếc máy điện thoại thông minh hay một tivi có liên kết với Youtube. Người lớn giờ đây có quá nhiều mối bận tâm lo ngại, họ nghĩ con mình ngồi ngoan ngoãn một chỗ trong nhà chính là sự an toàn. Nhưng thực sự có an toàn như người lớn nghĩ?

Bề ngoài người lớn nhìn vào đứa trẻ đang ngồi ngoan ngoãn cầm điện thoại chính là an toàn, nhưng thực chất có thể đứa trẻ đó đang bị đầu độc bởi rác trên không gian mạng ngay trước mắt người lớn mà họ không biết. Hiện tại, có vô số video theo hình thức hoạt hình, gắn mác cho trẻ em nhưng lại mang nội dung dung tục, bậy bạ, xuyên tạc.

"Heo Peppa" (Peppa Pig) là một nhân vật hoạt hình ưa thích của trẻ em, nhưng hiện nay, vô số các video trên Youtube có hình ảnh nhân vật hoạt hình Peppa nhưng với nội dung bạo lực, kinh dị, thậm chí là xúi giục trẻ học theo. Tinh vi hơn, có thể vài phút đầu của video hoạt hình sẽ rất an toàn với trẻ nhỏ, nhưng đến đoạn giữa video sẽ là những hình ảnh bạo lực, gây kích động và xúi giục trẻ học theo.

Điều đáng nói, những video xuyên tạc của nhân vật hoạt hình Peppa này lại có lượt xem nhiều hơn video phiên bản gốc, có ai đặt câu hỏi cho việc giới tuổi nào sẽ xem những video hoạt hình xuyên tạc ấy? Tương tự, hàng loạt video nhân vật hoạt hình như các nàng công chúa hay siêu nhân lại có nội dung không hợp lứa tuổi với trẻ em như hôn, cảnh "giường chiếu", mang thai, đánh ghen,…và đi kèm với những ngôn từ thiếu văn hóa.

Ngoài những video hoạt hình chế với nội dung phản cảm thì còn có vô số các video người đóng nhảm nhí, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục. Sự việc nổi cộm gần đây nhất chính là việc Youtuber Thơ Nguyễn làm clip xin vía búp bê để các em nhỏ học giỏi, nội dung này được cho là ảnh hưởng lệch lạc đến suy nghĩ của trẻ nhỏ.

Kênh Youtube của Thơ Nguyễn hướng đến đối tượng là các em nhỏ, nhưng kênh này lại có rất nhiều các video vô bổ, nhảm nhí, thậm chí là gây nguy hiểm như: thử nghiệm đun nóng lon nước có ga, tắm trong bồn đầy thạch, bỏ đá khô vào chai kín gây nổ… những video này gây ra nhiều hệ lụy khôn lường với trẻ nhỏ.

Ngoài kênh Thơ Nguyễn ra thì cũng có vô số các kênh tương tự với nội dung nhảm nhí, vô bổ, thậm chí là có hành vi mang tính xúi giục trẻ nhỏ đi theo hướng không đúng như: đánh bạn, mắng chửi lại thầy cô, uống nước rửa bát, ăn xà phòng hay hành động không đúng với người lớn tuổi. Có nhiều video gắn mác ẩm thực nhưng lại vô cùng phản cảm như: nấu cháo gà nguyên lông, ăn sống động vật quý hiếm, đóng giả làm sư đi ăn những món mặn với cử chỉ thô tục… tất cả làm nên một nồi lẩu rác thập cẩm đầu độc trẻ nhỏ.

Những kênh gắn mác ẩm thực thu hút nhiều người theo dõi nhưng lại có nội dung phản cảm, nhảm nhí.

Ngoài những video nhảm nhí như trên, còn có các kênh Youtube được tạo nên bởi những người như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng… những video này mang theo những ngôn ngữ không hợp với trẻ nhỏ, thậm chí là nhiều ngôn từ gây tục tĩu, hình ảnh phản cảm.

Không chỉ là những video trên Youtube, mà những bộ phim truyền hình dài tập chiếu trên tivi cũng có khả năng đầu độc trẻ em, vô số các bộ phim truyền hình chiếu trên khung giờ vàng (hay trước thời gian trẻ em đi học, đi ngủ) lại có những hình ảnh, nội dung bạo lực, nhạy cảm như: có cảnh "giường chiếu", cưỡng bức, say rượu, đánh nhau…

Trước mỗi tập phim chiếu những cảnh giới hạn độ tuổi như vậy lại không hề có bất cứ cảnh báo nào trước, điều này cũng gây đầu độc tới trẻ nhỏ. Tất cả đều dễ dẫn đến nguy cơ hành vi, suy nghĩ của trẻ nhỏ lệch lạc, con trẻ dễ bắt chước gây nguy hiểm… thậm chí là dẫn đến trẻ hóa tuổi của đối tượng phạm tội cho xã hội.

Những người lớn có thể đã tiếp xúc, trải nghiệm và nhiều kinh nghiệm, họ không còn tò mò với những video đi ngược lại quy chuẩn xã hội, nhưng các em nhỏ vẫn đang trong vòng tay bao bọc của gia đình thì các em sẽ cảm thấy mọi thứ đều mới lạ, thú vị. Vì vậy, đối tượng này dễ bị thu hút bởi các video vô bổ, đi ngược lại văn hóa nhất.

Điều này gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. Những nội dung đi ngược lại văn hóa tốt đẹp nếu lặp đi lặp lại với một người trưởng thành cũng có thể khiến người ta cảm thấy quen thuộc với những điều xấu, phản cảm ấy, lâu dần sẽ khiến người đó không còn bài xích, hay thậm chí là sẽ coi đó là hiển nhiên, đi ngược lại với các giá trị tốt đẹp của xã hội.

Đó là với người trưởng thành, vậy với trẻ nhỏ, đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chưa hoàn thiện về suy nghĩ với hành động mà lại thường xuyên tiếp xúc với những nội dung xấu, ngược lại với giá trị đích thực thì sẽ ra sao? Hệ lụy này có thể kéo cả một hay nhiều thế hệ đi xuống, gây đảo lộn suy nghĩ xấu đẹp, thiện ác của trẻ nhỏ.

Không thiếu những sự việc đau lòng xảy ra như: bé 5 tuổi tử vong do học cách thắt cổ trên mạng, học sinh cấp hai ở Hải Dương bị đa chấn thương do làm thuốc nổ tự chế theo video Youtube… Tất cả đều do các em nhỏ bắt chước theo các video xấu, độc trên không gian mạng.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất của xã hội, đồng thời cũng là mầm non tương lai của cả một đất nước, đối tượng này xứng đáng được nhận sự bảo vệ tốt nhất về toàn diện. Nhưng hiện tượng lẩu rác thập cẩm trên không gian mạng hiện nay đang đầu độc và bủa vây lấy các em nhỏ. Với vấn nạn này, chúng ta cần một giải pháp tổng thể, sự chung tay, góp sức của các bên liên quan.

Các nhà quản lý cần siết chặt, xóa bỏ những video độc hại, nhảm nhí trôi nổi tràn lan trên không gian mạng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng cũng cần có trách nhiệm bảo đảm nền tảng của mình là an toàn, hữu ích với trẻ nhỏ, họ cần có những động thái mạnh với những tài khoản có nội dung xấu, không lành mạnh. Các tổ chức xã hội và cơ quan báo chí cần truyền thông mạnh mẽ thông điệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Cha mẹ và cả thầy cô giáo nên tìm hiểu thêm về kiến thức số, các rủi ro của môi trường mạng để phòng tránh, bảo vệ cho con em của mình. Vào thời đại số phát triển mạnh, ta không thể ngăn cấm hoàn toàn trẻ em không được tiếp xúc công nghệ nhưng các bậc làm cha mẹ có thể đồng hành và bảo vệ trẻ, để những đứa trẻ phát triển toàn diện. Có rất nhiều biện pháp để một đứa trẻ vui vẻ, chúng ta không nhất thiết luôn dùng thiết bị điện tử công nghệ để ràng buộc cảm xúc của trẻ nhỏ.

Khánh Hà

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/dung-de-rac-khong-gian-mang-dau-doc-tre-nho-639876/