Đừng để 'phép vua thua lệ làng'

Nhiều năm trở lại đây, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, chú trọng. Mỗi một năm, công tác này đều được đổi mới hình thức và nội dung, chỉnh sửa sao cho dễ hiểu hơn, phù hợp hơn với từng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên gần đây, dư luận xã hội lại đặt ra câu hỏi liệu công tác tuyên truyền pháp luật an toàn này có thực sự hiệu quả?

Nguyên do bắt nguồn từ câu chuyện cách đây không lâu tại thôn Sa Pả, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Một vụ TNGT đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của người điều khiển xe máy là người dân tộc Mông. Sau khi xử lý tại hiện trường, Công an huyện Sa Pa chuẩn bị di chuyển phương tiện, tử thi nạn nhân để phân luồng giao thông thì gia đình nạn nhân cùng nhiều người khác có mặt tại hiện trường cản trở. Những người này không cho lực lượng chức năng di chuyển phương tiện giao thông liên quan đến tai nạn, không cho khám nghiệm tử thi, đưa tử thi đến vị trí khác để tổ chức khám nghiệm và ngang nhiên đưa ra yêu sách bắt hai lái xe ô tô phải bồi thường 400 triệu đồng.

Sự việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông phương tiện trên QL4D. Chỉ đến khi chính quyền cùng các cơ quan chức năng huyện tổ chức cho hai lái xe ô tô liên quan đến vụ tai nạn hỗ trợ số tiền 200 triệu đồng, gia đình của nạn nhân mới đồng ý cho di chuyển tử thi và các phương tiện liên quan đến vụ tai nạn để thông tuyến QL4D.

Nhìn từ một khía cạnh, gia đình nạn nhân cùng một số người kéo nhau ra đòi tiền đền bù thiệt hại, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ là hoàn toàn trái pháp luật. Vì sao họ lại làm như vậy trong lúc mất mát đau thương? Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật, đồng thời bị kích động nên mới hành xử nóng vội như thế. Đặc biệt, nạn nhân trong vụ tai nạn này chỉ mới 15 tuổi, một đứa trẻ chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, chưa nắm vững Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng tham gia giao thông và xử lý các tình huống.

Khi câu chuyện này được đăng tải và chia sẻ rất nhanh trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng gia đình nạn nhân hành xử kiểu “Chí Phèo”, “cào mặt ăn vạ”. Những bình luận kiểu như vậy liệu rằng có quá không khi họ chưa thực sự hiểu biết, nắm được các quy định của pháp luật, quy trình giải quyết TNGT.

Mặc dù từ bao đời nay, dân tộc ta luôn đề cao tình yêu thương lẫn nhau, “lá lành đùm lá rách”, “bán anh em xa mua láng giềng gần” nhưng để một quốc gia có thể tồn tại và phát triển bền vững thì mỗi người dân phải nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp chứ không thể để hành xử theo kiểu “phép vua thua lệ làng” được.

Song Nhẫn

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/dung-de-phep-vua-thua-le-lang-d73719.html