Đừng để pháo sáng làm 'tổn thương' tình yêu bóng đá

Chiều tối 11-9, khi trận bóng đá giữa Hà Nội FC và Nam Định đang diễn ra hiệp 2 trên sân Hàng Đẫy, Hà Nội, thì một quả pháo sáng bất ngờ được bắn sang từ khán đài B, có nhóm CĐV Nam Định. Pháo sáng khiến một cổ động viên nữ của CLB Hà Nội, ở khán đài A bị trọng thương. Ngay sau đó, xe cấp cứu đã được huy động để đưa nữ CĐV đi cấp cứu.

Liên quan vụ việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao CA TP Hà Nội chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND TP theo quy định. Đối với các trận đấu tiếp theo diễn ra trên sân vận động Hàng Đẫy hoặc sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Chủ tịch UBND TP yêu cầu CA TP có phương án đảm bảo an ninh trật tự, không để các cổ động viên mang pháo sáng, pháo hoa... vào sân như sự việc xảy ra nêu trên.

Với các trận đấu, tình trạng sử dụng pháo sáng của CĐV luôn khiến nhiều nhà tổ chức đau đầu. V.League, Thai League, AFF Cup, AFC Asian Cup hay kể cả World Cup, bất cứ giải đấu nào cũng có thể bắt gặp pháo sáng trên các khán đài. Một bộ phận CĐV coi pháo sáng như một hình thức cổ vũ bên cạnh kèn, trống, loa… bất chấp sự nguy hiểm của loại vật liệu này.

Lực lượng cảnh sát hay cứu hỏa khẳng định, pháo sáng chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp, không được thiết kế để dùng ở chốn đông người vì có thể gây cháy hoặc làm bị thương những người xung quanh. Theo Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP, pháo sáng không được phép sử dụng vì tính chất khó dập tắt, gây bỏng cấp độ 4. Đối chiếu với khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, cổ động viên sử dụng pháo sáng đốt hay bắn trên sân khi xem bóng đá sẽ bị xử phạt hành chính từ một đến 2 triệu đồng.

Luận ra, từ vụ việc nữ CĐV bị thương, có ý kiến luật sư cho rằng, xử lý hành chính chưa đủ răn đe. Hành vi gây mất trật tự nơi công cộng và xâm phạm đến sức khỏe của người khác có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích", Điều 134 BLHS năm 2015 (SĐBS 2017) nên cần khởi tố vụ án để làm rõ. Người sử dụng pháo phải nhận thức được việc sử dụng pháo sáng bắn vào người khác là hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe của người khác. Tỷ lệ thương tích của nạn nhân sẽ là căn cứ xử lý tương ứng với định khung hình phạt theo Điều 134 BLHS.

Vậy nên, hãy là người hâm mộ đến cổ vũ văn minh với tình yêu trái bóng tròn lành mạnh; nói không với pháo sáng cũng là không tự đẩy mình vào vi phạm.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dung-de-phao-sang-lam-ton-thuong-tinh-yeu-bong-da-162322.html