Đừng để những món đồ hàng hiệu bỏ bùa

Dẫu biết 'Chiếc áo không làm nên thầy tu' nhưng vẻ ngoài phù phiếm vẫn khiến cho chúng ta lâng lâng trong vui sướng. Chi tiêu thông minh dường như là một bài toán lớn.

“Ngày thứ 6 đen” Black Friday đã qua hơn một tuần, nhưng dư âm của nó dường như vẫn đang quanh quẩn đâu đây. Nhất là với những tín đồ mua sắm đang mòn mỏi chờ lương, sau khi đã dốc cạn ví cho một danh sách dài các món đồ yêu thích, từ quần áo đến mỹ phẩm. Giáng sinh và năm mới sắp tới gần, thế nên cơn lốc mua sắm có lẽ còn lâu mới hạ nhiệt!

Trong những dịp khuyến mãi lớn, nếu phải lượn một vòng phố xá, hình ảnh quen thuộc mà bạn thấy sẽ là cảnh các cô gái trẻ đứng chật ních trong các trung tâm thương mại, khu mua sắm và nhiều cửa hàng lớn nhỏ trên phố. Có lần, bố của một người bạn đã thắc mắc với tôi về một chủ đề muôn thuở của các bậc phụ huynh: “Tại sao các cháu mua nhiều quần áo và mỹ phẩm thế? Có bao giờ dùng hết đâu!”.

Đúng là với nhiều bạn trẻ, nhất là các cô nàng, chẳng bao giờ mặc hết đống quần áo mà họ đã mua, nhưng họ vẫn tiếp tục mua tiếp sau mỗi mùa khuyến mãi. Điều này có vẻ hơi vô lý, những điều đó là sự thật! Nhiều người không mua quần áo vì họ “cần” mà mua vì họ “muốn” và những “câu thần chú” sale 50%, sale 70% thực sự có ma lực vô biên.

Bộ phim "Lời tự thú của một tín đồ shopping" đã cho người xem thấy chân dung của những con nghiện mua sắm đích thực.

Bộ phim "Lời tự thú của một tín đồ shopping" đã cho người xem thấy chân dung của những con nghiện mua sắm đích thực.

Ngày nay, các trang mua sắm online mọc lên như nấm, các nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, công nghệ… cũng có dịch vụ mua sắm trực tuyến kèm theo.

Thế nên, chẳng cần đi ra phố, dù có nhốt mình cả ngày trong nhà, bạn vẫn có thể mua đủ một ngàn thứ mà mình thích. Theo trang Moneycontrol giảm mua sắm trên mạng sẽ giúp chúng ta tiết kiệm một khoản đáng kể.

Với suy nghĩ: “Mình đang mua được món hời. Nếu không mua chỉ có thiệt!”. Nhiều cô nàng đã mua sắm một cách vô tội vạ. Sau đó, có thể hơn một nửa số quần áo mới mua ấy, không được chủ nhân của nó mặc đến lần thứ hai.

Đầu năm nay, bài hát “Bạn gái tôi không có gì để mặc” của Lộn Xộn Band đã chiếm được cảm tình của nhiều khán giả. Ca từ của bài hát này dường như đã đánh trúng “tim đen” của nhiều cô gái trẻ. Quần áo lúc nào cũng chất đầy một tủ, nhưng luôn than vãn rằng mình chẳng có gì để mặc.

Gần đây, trên các diễn đàn dành cho giới trẻ, có không ít bạn trẻ than phiền rằng: dù đã ra trường 5 năm, thậm chí 7 năm nhưng vẫn chưa tiết kiệm được chút gì. Ngoảnh đi, ngoảnh lại sau lưng chỉ có một đống quần áo gia tăng từ năm này, sang năm khác cùng vài lần chạy theo những món đồ công nghệ.

Chiếc điện thoại cũ vẫn đang còn dùng tốt, nhưng bạn không thể cưỡng lại được sự hấp dẫn của mẫu di động mới. Thế là chỉ trong nháy mắt một khoản tiền kha khá đã ra đi.

Theo các chuyên gia về tài chính cá nhân: mỗi tháng, bạn chỉ nên chi khoảng 5% thu nhập cho thời trang, nhưng thực sự với nhiều người trẻ hiện nay, con số này đã tăng gấp nhiều lần. Họ điên cuồng chạy theo những xu hướng thời trang mới, bất kể mình có bao nhiêu tiền trong ví. Dường như, thời trang đã trở thành bà hoàng và nhiều người trẻ tình nguyện làm nô lệ.

Tiêu hết số tiền mà mình đang có, sau đó ngừng việc mua sắm lại, đó vẫn là viễn cảnh tươi đẹp của những con người tỉnh táo. Một số bạn trẻ, do mức thu nhập không đủ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu, họ đã tìm đến các khoản vay tín dụng để có cơ hội được sở hữu những món đồ xinh đẹp mà mình yêu thích.

Nhiều người sẵn sàng tìm đến các khoản vay tín dụng để có được những món đồ mình thích.

Và thế là một vòng tuần hoàn không bao giờ hết “vay tiền- lấy lương- trả nợ- vay tiền tiếp…” một số khác không chọn cách vay bạn bè, hoặc người thân thay vì vay tín dụng từ ngân hàng. Tuy có vẻ dễ thở hơn và không bị siết nợ sau khi nhận lương như với các khoản vay tiêu dùng của ngân hàng, nhưng nợ nào thì vẫn là nợ. Cuối cùng, chẳng ai có thể vui vẻ khi tự biến mình thành một kẻ nợ nần chồng chất.

Nhiều bạn trẻ thường có thái độ không mấy tích cực khi ai đó khuyên họ học cách tiết kiệm và suy nghĩ cho tương lai. Những lời biện bạch như: “Lao động để làm gì nếu không hưởng thụ. Nếu ai cũng chi tiêu một cách chi li thì nền kinh tế tiêu dùng làm sao có thể phát triển. Tuổi trẻ không hưởng thụ thì còn đợi đến bao giờ?”.

Tất nhiên, việc thưởng cho mình vài món đồ yêu thích là một việc làm đúng đắn và chẳng có gì để lên án cả. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc “vung tay quá trán” và chi tiêu mất kiểm soát.

Hãy nhớ, giá trị của một người không nằm ở đôi giày hay chiếc túi mà họ mang.

Nếu không được sở hữu chiếc váy yêu thích hay mẫu điện thoại thời thượng vừa ra mắt, bạn cũng không bỏ lỡ quá nhiều niềm vui trong đời đâu! Thay vào đó, nếu như bạn không có tiền để đầu tư cho ý tưởng khởi nghiệp của mình trong tương lai, hoặc mua ngôi nhà đầu tiên để sớm ổn định cuộc sống thì xem ra bạn đã bỏ qua quá nhiều rồi đó!

“Một chiếc áo, chỉ một chiếc áo thôi mà! Sẽ chẳng ai chết đói vì mua thêm một chiếc áo cả!”. Đúng là như vậy! Trước khi ru ngủ mình bằng câu nói ấy, hãy luôn nhớ rằng, mọi giấc mơ lớn đều được xây nên từ những điều nhỏ nhặt.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dung-de-nhung-mon-do-hang-hieu-bo-bua-post897106.html