Đừng để những chỉ tiêu trên giấy

Đứa em tôi đi viếng đám tang hai con của một người bạn học THPT về kể lại, hai đứa trẻ đang học tiểu học, trưa hè rủ nhau đi chơi và bị đuối nước thương tâm. Chỉ nghe kể thôi tôi đã nhói lòng, huống gì những bậc làm cha làm mẹ một lúc mất đi 2 người con bởi những điều tưởng như không thể xảy ra.

Những sự việc đau lòng như trên vẫn xuất hiện ở nhiều nơi, nhất là mỗi dịp hè đến. Vào cuối tháng 4 vừa qua, tại vùng biển xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa, 4 em học sinh lớp 5, lớp 6 rủ nhau tắm và cả 4 đều bị đuối nước. Đây là nỗi đau đớn mà gia đình và người thân các em phải gánh chịu, biết bao giờ cho nguôi. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh mỗi bậc phụ huynh cần quan tâm đến mọi hoạt động của con mình nhiều hơn, đặc biệt hãy dạy cho con kỹ năng cần thiết để hạn chế những hiểm nguy luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong đó có đuối nước.

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em, ngày 5-2-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16-5-2016 về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em.

Tại Thanh Hóa, việc phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh, trẻ em trên địa bàn được các cấp, ngành, tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, dù đã giảm thiểu số vụ tai nạn nhưng tình trạng đuối nước vẫn luôn xảy ra. Theo báo cáo kết quả triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, từ đầu năm 2016 đến tháng 10-2020 toàn tỉnh có 126 trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước. Nguyên nhân đuối nước trẻ em chủ yếu do địa hình có nhiều sông, ngòi, ao, hồ lớn và chịu tác động do bão, lũ, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em chưa nhận được sự quan tâm, giám sát chặt chẽ của người lớn; kiến thức phòng tránh, sơ cấp cứu tai nạn đuối nước của người dân còn hạn chế, đặc biệt nhiều trẻ em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan và thiếu kỹ năng xử lý tình huống khi xuống nước. Ngoài ra, môi trường sống của trẻ chưa thực sự an toàn, nhiều nhà sống gần ao, hồ, sông, suối nhưng không có hàng rào bảo vệ, các giếng, bể nước, hố... không đảm bảo an toàn.

Triển khai chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2030: 100% các huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn, trường học triển khai Chương trình bơi an toàn cho trẻ em; 90% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết bơi; 100% trẻ em biết kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; giảm 8% số trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước so với năm 2015...

Những chỉ tiêu này, tưởng chừng dễ nhưng nếu không có sự chung tay của cộng đồng, các cấp, ngành và mỗi bậc phụ huynh thì chỉ tiêu ấy sẽ mãi "nằm trên giấy” và hàng năm chúng ta lại vẫn phải nghe, chứng kiến những vụ đuối nước thương tâm. Hơn hết, các cơ quan chức năng, các địa phương, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để trẻ em, học sinh có kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia các hoạt động trong môi trường nước, nhất là vùng gần sông, suối, ao hồ, biển... Đặc biệt, mỗi gia đình hãy trao những kỹ năng cần thiết, giúp con cách tự bảo vệ mình khi rời vòng tay bố mẹ.

Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/dung-de-nhung-chi-tieu-tren-giay/19757.htm