Đừng để người Việt chết oan trên kho thuốc

Đây là cảnh tỉnh của ông Trần Đức Minh - Phó Chủ tịch phụ trách dược liệu - Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, khi nói về tiềm năng ngủ quên của dược liệu Việt Nam.

Vùng trồng cây sâm báo tại tỉnh Thanh Hóa.

Vùng trồng cây sâm báo tại tỉnh Thanh Hóa.

Theo ước tính, Việt Nam có gần 4000 loài cây dược liệu có thể dùng sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, hương liệu, hóa mỹ phẩm... Trong đó, có nhiều loại dược liệu rất quý như sâm ngọc linh, sâm báo, đinh lăng, trinh nữ hoàng cung, quế, hồi, tam thất, xạ đen, nấm linh chi, .. Không ngoa khi nói rằng, người Việt Nam đang ngồi trên đống thuốc.

Hiện nay, xu hướng của thế giới cũng như Việt Nam là sử dụng các sản phẩm thuốc, chăm sóc sức khỏe… có nguồn gốc tự nhiên bởi sự lành tính, ít tác dụng phụ. Với tiềm năng lớn như vậy về dược liệu nhưng “nguồn vàng xanh” này của Việt Nam đang ngủ quên và tạo cơ hội cho các nguồn dược liệu từ nước ngoài tràn vào chiếm thị phần áp đảo. Trong đó, có nhiều dược liệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Ông Trần Đức Minh là chuyên gia trong lĩnh vực dược liệu có nhiều năm nghiên cứu, trăn trở về dược liệu Việt Nam. Ông là Chủ tịch HĐQT Triso Group - tập đoàn chuyên quy hoạch, nuôi trồng, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm từ thảo dược quý của Việt Nam.

Ông Trần Đức Minh - chuyên gia trong lĩnh vực dược liệu

Theo ông Trần Đức Minh, Việt Nam cần đánh thức nguồn vàng xanh của đất nước đang ngủ quên. Muốn vậy, cần có sự chung tay của nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.

Với góc nhìn của chuyên gia trong ngành dược liệu, ông có nhận định gì về thị trường dược liệu hiện nay của Việt Nam?

Ông Trần Đức Minh: Thị trường dược liệu Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật và một số nước châu Âu… Nguồn nuôi trồng trong nước rất ít. Trong đó, thị phần dược liệu Trung Quốc đang áp đảo với các dòng cao cấp, bình dân và thấp cấp.

Trung Quốc có thể cung cấp sản phẩm với bất kỳ giá nào. Thậm chí, có những dược liệu đã chiết xuất hết tinh chất trở thành phế phẩm vẫn được bán sang Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam đừng vì ham rẻ mà dùng. Nguy cơ khi dùng các dược liệu thấp cấp là khôn lường. Nhẹ thì hiệu quả chăm sóc sức khỏe kém, mất tiền vô ích. Nặng thì có thể gây ra các tác dụng phụ, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Tiềm năng về dược liệu của Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Theo ông, nguồn dược liệu trong nước hiện nay tại sao chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng?

Ông Trần Đức Minh: Việt Nam hiện nay có những vùng chuyên canh dược liệu phổ biến. Như nha đam ở Bình Thuận; trinh nữ hoàng cung ở Đà Lạt, Sa Pa; đinh lăng ở miền Bắc; quế ở Quảng Nam; sâm báo, rau má ở Thanh Hóa; bạch quả ở Tây Bắc…

Tuy nhiên, sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Những lý do hạn chế sự phát triển do cơ chế chính sách của nhà nước chưa thật sự chú trọng đến lĩnh vực này. Vì vậy, sự đầu tư về khoa học công nghệ, tài chính, phát triển thị trường… hạn chế, khiến cho doanh nghiệp không mấy mặn mà.

Doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này phải tốn rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian. Hiện nay, Trường Đại học Hồng Đức đang nghiên cứu thành phần dược lý của cây sâm báo. Dự kiến, phải đến năm 2022 mới có kết quả và số tiền bỏ ra nhiều tỷ đồng.

Từ nghiên cứu thành công đến đưa vào sản xuất, rồi đưa sản phẩm ra thị trường lại thêm chặng đường nữa. Trong khi đó, chi phí sản xuất lớn. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, mọi tiềm lực đều hạn chế. Hầu như không tiếp cận được với nguồn vốn trung và dài hạn.

Vì vậy, rất khó để phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. “Cái khó bó cái khôn” khiến nhiều doanh nghiệp đi theo hướng làm thương mại, thậm chí chụp giật, ‘ăn xổi ở thì”. Đó cũng là điều dễ hiểu.

Hiện nay, các lực lượng chức năng đang nỗ lực để kiểm soát lược liệu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, độc hại. Tuy nhiên, những dược liệu này vẫn rò rỉ qua biên giới, trà trộn vào thị trường. Theo ông, có còn cách nào khác để hạn chế bớt những thực trạng này không?

Ông Trần Đức Minh: Có, đó là đẩy mạnh phát triển dược liệu trong nước. Tuy nhiên, điều này rất khó. Bởi nó phụ thuộc vào quản lý vĩ mô. Doanh nghiệp không quyết định được. Nhà nước cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược liệu. Nhưng theo tôi được biết, tỷ lệ ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học nói chung rất thấp và phân bổ không đều.

Nếu vậy, có thể dùng chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ. Doanh nghiệp chỉ cần chính sách minh bạch, giảm các thủ tục phiền hà, tạo cơ chế phát triển thị trường khoa học công nghệ, trong đó có dược liệu.

Hiện nay, tiếng nói trong lĩnh vực dược liệu chưa nhiều. Vì vậy, chưa tập hợp được tiếng nói chung đủ mạnh để tác động đến chính sách.

Khó thế thì đành bó tay để mặc dược liệu xấu tung hoành trong nước và đành để “ người Việt Nam chết oan trên đống thuốc” như ông vừa nói hay sao?

Ông Trần Đức Minh: Theo tôi, nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến phát triển nguồn dược liệu trong nước. Vì người tiêu dùng rất cần những sản phẩm chất lượng cao. Đầu tư để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Với doanh nghiệp nên đầu tư theo sức của mình. Có thể, chỉ cần chú trọng vài cây dược liệu quý chuyên sâu cũng có thể tạo ra cơ nghiệp lớn. Nếu cần, có thể hợp tác hỗ trợ lẫn nhau.

Người tiêu dùng nên nhớ câu “nam dược trị nam nhân”. Người ở đâu thì dùng sản phẩm ở đấy sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nên chọn các thương hiệu có uy tín. Những cây dược liệu ở Việt Nam rất sẵn có và dễ trồng.

Người dân có thể tự trồng, chế biến bài thuốc nam cho gia đình mình. Như đinh lăng, ngải cứu, tía tô, diếp cá, kinh giới… vừa có rau ăn, vừa phủ xanh môi trường, vừa là vườn thuốc bảo vệ sức khỏe. Điều đó cũng góp phần gìn giữ, bảo tồn các nguồn dược liệu quý của Việt Nam.

Cảm ơn ông. Chúc cho những ý nguyện của ông cũng như những doanh nhân quan tâm đến nguồn dược liệu Việt Nam sớm trở thành hiện thực.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/dung-de-nguoi-viet-chet-oan-tren-kho-thuoc-FoXIZepGg.html