Đừng để người dân 'mù thông tin' và 'sống trong sợ hãi'

Tình trạng 'thông tin nhiễu loạn' và 'chậm trễ công bố thông tin' về mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM trong những ngày qua lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan sự cố môi trường có tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân.

Trong mọi sự cố về môi trường, người dân luôn cần sự định hướng thông tin từ chính quyền cũng như các cơ quan chuyên môn về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và khuyến cáo kịp thời để tránh được nguy cơ đó. Tình trạng “thông tin nhiễu loạn” và “chậm trễ công bố thông tin” về mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP. HCM trong những ngày qua lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, về việc minh bạch thông tin liên quan sự cố môi trường có tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân.

Thấp thỏm chờ công bố thông tin chính thức

Nhiều ngày nay, chị Nguyễn Lan Hương, (P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn nhìn thấy màu bàng bạc như sương mù bao quanh tòa nhà cao nhất Thủ đô dù đang trong thời điểm giữa trưa. Khác với mọi ngày, chị Hương đeo thêm chiếc khẩu trang N95 mới mua ở hiệu thuốc mà chị mới đọc được thông tin cảnh báo trên báo chí. “Những ngày qua, báo chí, mạng xã hội đưa tin không khí ô nhiễm nghiêm trọng nên đeo loại khẩu trang chuyên dụng cho an toàn”, chị Hương chia sẻ.

Người dân phải đeo khẩu trang khi đi tập thể dục. Ảnh: Zing.vn

Cũng như hàng triệu cư dân khác của Hà Nội, chị Hương chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào về chất lượng không khí từ các cơ quan chức năng trong những ngày qua. Chị chỉ có thể tham khảo các thông tin cảnh báo về chất lượng không khí trên báo chí. Mặc dù vậy, thông tin lúc thì “nhỏ giọt”, có lúc rất “nhiễu loạn”, khiến chị không biết căn cứ vào đâu. Bởi lẽ, cùng lúc có rất nhiều báo thông tin khác nhau đưa ra về việc quan trắc và đánh giá môi trường không khí được thu thập từ rất nhiều nguồn, từ các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ, các nhà khoa học trong nước và ngoài nước, với đủ các loại thiết bị có quy mô và mức độ hiện đại khác nhau (từ các máy đo lắp tại nhà dân đến các sensor, trạm quan trắc) mà không hề có sự lên tiếng cảnh báo chính thức nào của từ phía chính quyền. Có những ngày 2 cơ quan chuyên môn ra những thông báo với nội dung khuyến cáo khác nhau và đều khẳng định đã lấy mẫu, test nhanh bằng “máy hiện đại nhất”. Thông tin nhiều nhưng thiếu nhất quán đã gây tâm lý bối rối cho người dân, bộc lộ những “kẽ hở” trong công tác phối hợp xử lý sự cố. Điều đó khiến cho tin đồn, thông tin thất thiệt, thiếu tin cậy lan tràn, gây hoang mang dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng đã “thụ động” khi không đưa ra kết quả quan trắc chất lượng không khí và các cảnh báo kịp thời đến người dân. Với những sự cố này, các thành phố lớn trên thế giới thường quan trắc rất nhanh và đưa ra cảnh báo trên các phương tiện truyền thông hoặc gửi qua ứng dụng kết nối. “Người dân sống trong tâm trạng bất an trước hàng loạt thông tin về ô nhiễm không khí nhưng cơ quan chức năng thì lấy mẫu rồi chờ. Trong khi lẽ ra phải quan trắc tự động, cho ra kết quả trong vòng vài giờ. Điều này cho thấy thành phố chưa quan tâm đến vấn đề quan trắc chất lượng không khí”, một người dân ở Linh Đàm cho biết.

Trên thực tế, mãi tới ngày 1/10/2019, ông Vũ Đăng Định - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP mới chủ trì buổi họp báo và chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong những ngày vừa qua tại Thủ đô. Người phát ngôn của UBND TP cũng cảnh báo chất lượng không khí kém, chủ yếu ô nhiễm bụi mịn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người về hô hấp, đặc biệt đối với trẻ em, người già và khuyến cáo người dân đi ra đường nên đeo khẩu trang bảo vệ sức khỏe.

Trong tình cảnh tương tự, người dân TP. HCM sinh sống và làm việc trong bầu không khí bao trùm bởi bụi mịn ở mức cảnh báo mà không hề hay biết. Đến khi thông tin một phần mềm đo lường chất lượng không khí của Mỹ cho biết chỉ số AQI – tức là chỉ số chất lượng không khí cho biết tình trạng ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tại TP. HCM vào sáng ngày 23/9 là 128. Chỉ số này cảnh báo con người có nguy cơ bị kích ứng và dễ mắc các vấn đề hô hấp mới khiến nhiều người dân lo ngại. Rõ ràng, TP. HCM, Hà Nội và nhiều đô thị khác đang gặp thách thức rất lớn trong quá trình phát triển, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường. Thực tế đó đòi hỏi năng lực nhận định, dự báo, thông tin, truyền thông của các cấp, các ngành phải được nâng lên, từ đó giúp người dân chủ động phòng tránh.

Mức độ ô nhiễm của Hà Nội đạt ngưỡng 212 theo ứng dụng Airvisual ngày 1/10. Ảnh: Zing.vn

Quy trình xử lý sự cố môi trường – phải chờ đến bao giờ?

Nguyên nhân của tất cả những sự chậm trễ, thiếu sót, mâu thuẫn, chồng chéo trong công bố thông tin, đó là thiếu một quy trình chuẩn cho việc xử lý các sự cố môi trường. Hiển nhiên, khi xảy ra sự cố nghiêm trọng về môi trường, có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người, thì song song với các hoạt động ứng cứu, giải quyết hậu quả, một động thái cần có của cơ quan chức năng là kịp thời đưa ra thông báo với người dân. Thông báo vừa có tác dụng ổn định tình hình, tránh những đồn đoán vô căn cứ và tâm lý bất an trong dân, vừa thể hiện trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường của cơ quan chức năng, củng cố niềm tin của người dân vào đường lối giải quyết hậu quả.

Người dân sẽ không còn hoang mang nếu như cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về môi trường ở các thành phố chủ động cung cấp thông tin chính thống cho người dân về thực trạng môi trường. Thành phố đang sử dụng hệ thống quan trắc như thế nào? Mức độ hiện đại và chính xác đến đâu so với thế giới? Các trạm quan trắc hoặc vị trí đặt máy đo ở đâu, có đủ đại diện để đánh giá được tương đối chính xác về tổng quan môi trường ở cả khu vực đó hay chưa? Và với các chỉ số quan trắc như vậy, người dân được khuyến cáo ra sao?

Theo một số chuyên gia, để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần gấp rút tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ứng phó sự cố, thảm họa môi trường và hướng dẫn, phổ biến đến chính quyền các cấp, các tổ chức công tác diễn tập định kỳ ở những điểm có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa. Bên cạnh đó, việc xử lý sự cố môi trường cần phải bài bản, thận trọng, nhưng cũng cần sự kịp thời, quyết liệt, và đặt sức khỏe, an toàn của nhân dân lên trên hết. Đừng để người dân cảm thấy đơn độc trong những sự cố tương tự.

Những “khoảng tối” đáng lo ngại

Dù tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP. HCM được cảnh báo lâu và khá nhiều nhưng chưa có chuyển biến tích cực. Chẳng hạn đề xuất “khai tử” một số xe máy quá cũ, ôtô xả khói quá “đậm” chỉ dừng ở việc đăng kiểm (mà trên thực tế cũng chưa quyết liệt). Việc ghi nhận và xử lý các nhà máy xả khói ô nhiễm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, chưa thể răn đe vi phạm. Các giải pháp kỹ thuật làm giảm bụi trong không khí gần như chưa được tính đến. Ngay việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân ứng phó với bụi trong không khí cũng còn thưa vắng.

Các giải pháp tình huống cho tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng (như đóng cửa trường học, hạn chế xe cộ vào một số khu vực trong một thời gian cụ thể...) cũng chưa được đặt ra. Việc trồng cây xanh để hút bụi chưa được thực hiện đồng đều, cũng như chưa được khảo sát đầy đủ về tính hiệu quả. Đặc biệt, chúng ta chưa có biện pháp chế tài cụ thể đối với hành vi phá hoại cây xanh...

Thiết nghĩ rất cần những giải pháp tích cực hơn nữa từ phía cơ quan chức năng và từng người dân. Cần đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp chủ động ứng phó với ô nhiễm không khí trong điều kiện cụ thể của mình. Đồng thời, chính quyền cần tăng cường sử dụng các biện pháp quản lý thông minh để ứng phó với ô nhiễm không khí như sử dụng các thiết bị đo lường, lưu trữ và cảnh báo tự động ở các khu vực trọng điểm, tạo thêm nhiều không gian xanh... Từ đó mới mong cuộc sống người dân được trong lành hơn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định bụi mịn chính là “kẻ giết người thầm lặng” và khẳng định ô nhiễm không khí đang là “mối đe dọa khẩn cấp cho sức khỏe cộng đồng”. Theo thống kê của WHO ở VN, năm 2016 hơn 60.000 người chết do bệnh tim, phổi và các chứng bệnh khác liên quan tới ô nhiễm không khí. Như vậy trung bình mỗi ngày có 164 người tử vong chỉ vì… hít thở. Đến năm 2035 con số tử vong vì ô nhiễm môi trường ở VN có thể lên đến 100.000 người một năm.

Ngọc Thành

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dung-de-nguoi-dan-mu-thong-tin-va-song-trong-so-hai-post68796.html