Đừng để mưa bão đến lại oan nghiệt 'xả lũ đúng quy trình, vỡ đê theo kế hoạch'

'Chúng ta phải chấp nhận chung sống với biến đổi khí hậu, với thiên tai một cách chủ động và có trách nhiệm, đừng để mỗi mùa mưa bão đến lại tiếp vòng luẩn quẩn, oan nghiệt xả lũ đúng quy trình, vỡ đê theo kế hoạch', Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng nói.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng

Rừng đã cạn, sông đã cạn, lũ lụt tàn phá khủng khiếp

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1/11, phản ánh tình trạng, thất thoát tài nguyên khoáng sản, nạn phá rừng nhiều nơi gây ra hệ lụy khôn lường, ĐB Hoàng Đức Thắng đặt vấn đề, Tây Nguyên rừng đã cạn, sông đã cạn, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ phải chịu sự tàn phá khủng khiếp của lũ lụt, sạt lở, sụt lún đất.

“Riêng cơn bão số 10 đã làm cho 245 người chết và mất tích, thiệt hại trên 36 ngàn tỷ đồng, kéo lùi sự phát triển của địa phương này”, ĐB Thắng nêu.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị lưu ý, “bức tranh tồi tệ về nạn phá rừng ồ ạt vừa qua đã làm cho rừng bị thiệt hại khủng khiếp cho thấy quyền lực hành chính đang bị chia mảng phân tầng tạo thành lỗ hổng lớn về trách nhiệm, hiệu quả thực thi pháp luật vô cùng hạn chế”.

Từ thực tế đó, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có cuộc giám sát điều trần toàn diện về rừng, về khả năng ứng phó biến đổi khí hậu thiên tai khi các kịch bản trước đây không còn phù hợp.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế trách nhiệm cụ thể trong cảnh báo, xử lý ứng phó thiên tai và trả lời câu hỏi: Ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm trong thiệt hại đó nếu nguyên nhân không chỉ từ khách quan?

“Chúng ta phải chấp nhận chung sống với biến đổi khí hậu, với thiên tai một cách chủ động và có trách nhiệm, đừng để mỗi mùa mưa bão đến lại tiếp vòng luẩn quẩn, oan nghiệt, xả lũ đúng quy trình, vỡ đê theo kế hoạch”, ông Thắng nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu (tỉnh Khánh Hòa) cũng cho rằng, cần quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về rừng cũng như quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, để tránh gây sạt lở đất rừng, bờ sông, tạo lũ ống, lũ quét.

Không biết bao giờ người dân mới dựng lại được nhà cửa

“Ở những vùng hay xảy ra thiên tai cần xây dựng nhà an toàn cho cộng đồng cũng như giúp người dân tự trang bị những phương tiện cần thiết để ứng phó với bão lũ”, bà Thu nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay đã có trên 10 cơn bão dù chúng ta đã chủ động phòng, chống thiên tai nhưng bão lũ nghiêm trọng đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, vừa qua khi các tỉnh Tây Bắc bị thiên tai lũ quét, cán bộ TP Hồ Chí Minh cùng với các địa phương đã đến thăm.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân

“Nhìn nhà cửa của bà con tan hoang, chúng tôi tự hỏi không biết bao giờ đồng bào mới dựng lại được nhà cửa", ông Nhân băn khoăn đưa ra con số thống kê, năm 2016, thu nhập của đồng bào miền núi phía Bắc chỉ là 2,03 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 46% thành thị. Và thu nhập bà con vùng núi chỉ đủ chi tiêu.

Vấn đề đặt ra là cần phải tăng thu nhập cho nông thôn nói chung và miền núi nói riêng. "Trong lúc quá trình công nghiệp hóa không thể diễn ra nhanh ở miền núi và nông thôn, thu nhập chênh lệch sẽ còn kéo dài", ông Nhân lưu ý.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đưa ra gợi ý, năm 2016, dầu thô 2,4 tỉ USD, gạo 2,15 tỉ USD, cà phê 3,3 tỉ USD, thủy sản 7 tỉ USD và xuất khẩu rau, hoa, củ, quả đạt 2,45 tỉ USD.

"Lần đầu tiên xuất khẩu rau, củ, hoa, quả đã lớn hơn xuất khẩu dầu thô", ông Nhân cho hay, dự báo đến năm 2022, rau, hoa, củ, quả sẽ xuất khẩu được 9-10 tỉ USD, cao hơn cả giá trị xuất khẩu dầu thô ở thời điểm cao nhất.

Từ đó, ông Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Chính phủ xem xét đưa nhóm hàng rau, hoa, củ, quả trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực - nhóm hàng không cần những cánh đồng lớn, mà từng khu vườn của bà con đều trồng được, đất đồi có độ dốc vẫn trồng tốt.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/dung-de-mua-bao-den-lai-oan-nghiet-xa-lu-dung-quy-trinh-vo-de-theo-ke-hoach_t114c1159n126362