Đừng dễ mềm lòng

Không ít lần tôi mềm lòng khi chứng kiến những câu chuyện đường phố éo le. Cho đến khi tận mắt chứng kiến đứa trẻ bán hàng rong mà mình thường mua bị một đối tượng bặm trợn 'chăn dắt', tôi đã đặt câu hỏi về cảm xúc mình.

Con bé trạc tuổi con gái tôi. Nó thường đến khi tôi uống cà phê sáng. Lúc đầu tôi không muốn bị làm phiền vào chuyện mua bán, nhưng nhìn nét mặt đáng thương của nó, lại không đành.

Khi biết sự thật tôi đã mất lòng tin vào nó. Tôi tố giác và mong nó sẽ nhận. Nhưng rồi nó vẫn cứ trân trân cố chứng tỏ rằng tôi đã đổ oan.

Tôi không tranh luận, mà cố ý đi theo chụp cảnh nó nộp tiền cho kẻ “chăn dắt” bất nhân ấy và nhận lại hộp cơm.

Công lao động của đứa trẻ có lẽ chỉ thế, là một hộp cơm không ai đảm bảo về độ an toàn và dinh dưỡng. Nhìn nước da cáu bẩn tôi đoán chắc chỗ ngủ của nó cũng khó để có thể ngon giấc.

Những đứa trẻ như thế bây giờ khá nhiều dù chúng ta đã có những dự án chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em gái. Ăn sáng, uống cà phê, ngồi chờ xe buýt hay tản bộ trên phố đều có thể gặp. Chúng đi bán hàng rong, nhưng cũng có thể ăn xin.

Nhiều người động lòng trắc ẩn móc túi mua thứ đồ gì đó hoặc cho những đồng tiền mệnh giá nhỏ với mong muốn chúng sớm vượt lên hoàn cảnh. Nhưng kẻ “chăn dắt” thì không nghĩ thế. Chúng vẫn cố tình và ngang nhiên bòn mót sức lao động của lũ trẻ mỗi ngày, không cho chúng cơ hội nào cả.

Có chút thương cảm xen sự bực mình vì sự thiếu trung thực của con bé, tôi đưa nó xem những hình ảnh mà mình chụp được. Con bé không chối nữa, cũng không khóc như những đứa trẻ thường làm. Nó đề nghị tôi xóa những bức ảnh ấy đi.

Con bé có phần từng trải hơn tuổi của nó. Áp lực cuộc sống và yêu cầu đối phó với hoàn cảnh đã dạy nó biết phải ứng xử thế nào để tồn tại trước mắt.

Tuổi của nó là dành cho việc đến trường chứ đâu phải để sống trong sự dối trá. Trách nó, nhưng cũng thương. Tôi bảo lần này chú không mua gì cả, vì tiền ấy rồi cũng phải nộp cho kẻ “chăn dắt” thôi. Nó lắc đầu nhất thiết đề nghị tôi mua thứ gì đó. Có cho nó tiền rồi cũng bị lột hết. Những kẻ “chăn dắt” có đủ mánh khóe để nhận biết những đứa trẻ trong tay mình thu nhập được bao nhiều tiền mỗi ngày.

Từ câu chuyện của con bé tôi nghĩ rằng không phải sự mềm lòng nào cũng tốt cả. Động lòng trắc ẩn không đúng chỗ, không đúng cách biết đâu lại chính là tiếp tay cho tệ nạn “chăn dắt” trẻ vị thành niên. Nó làm cho những đứa trẻ kia chưa thể thoát khỏi chiếc “vòng kim cô” của kẻ bất nhân.

Mỗi ngày có nhiều người rút ra đồng tiền để mua cái gì đó trên phố bằng sự thương cảm. Lòng thương thật cần thiết, nhưng trong trường hợp này liệu có phải là điều tốt? Con người cần phải biết yêu thương và sẻ chia, nhưng có lẽ cần phải đúng cách.

An Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dung-de-mem-long/124241.htm