Đừng để mất tiếng đờn…

Sức sống mãnh liệt qua 100 năm của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ thể hiện quá rõ, nhưng khi được hỏi đờn ca tài tử bây giờ được biểu diễn phổ biến nhiều nhất ở đâu, một nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ đã xót xa thừa nhận: “Đờn ca tài tử hiện được chơi nhiều trong các cuộc nhậu ở đám cưới, đám giỗ…”.

Trong dòng chảy đương thời, nguy cơ đánh mất tiếng đờn, điệu lý đã dần hiển hiện. Nhịp phách kim cổ, câu hò, bài vọng cổ… ít nhiều nhạt phai trong lòng người mộ điệu khi chính những người nối nghiệp cũng không mấy mặn mà. Sau một số cuộc thi, hội diễn, người trong nghề từng đề cập đến chuyện nhiều câu lạc bộ đờn ca ở quận, huyện, tới mùa diễn thường đối phó bằng cách thuê người đi thi để… nhận giải. Các hoạt động sinh hoạt định kỳ, tổ chức ca diễn hay đào tạo thế hệ nối nghiệp thì gần như bỏ lửng.

Các câu lạc bộ đờn ca tài tử bên ngoài các trung tâm cũng không thiếu, tuy nhiên mỗi thầy cô một cách truyền đạt và nhiều bạn chỉ vài buổi lên lớp cộng với chất giọng khá đã đi biểu diễn ở quán cà phê, nhà hàng, quán nhậu… Thậm chí có những em nhỏ vừa thuộc được một vài bài bản là bắt đầu đi “lưu diễn” nhiều nơi, chính điều này sẽ tạo ra những ảo vọng cho các em, bởi hát đờn ca tài tử tuy dễ mà khó.

Nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ tạo được bản sắc riêng là bởi các bài bản, nhịp điệu gần như được giữ hoàn toàn hơn 100 năm qua, chỉ có lời ca được biên soạn mới và hình thức biểu diễn hay hoạt cảnh sân khấu ngày càng đa dạng, hiện đại hơn. Và trước khi nói đến chuyện phát huy đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ, vấn đề cần nhất trước mắt chính là đào tạo một thế hệ biết cảm thụ cái hay cái đẹp của loại hình nghệ thuật truyền thống này.

“Người trẻ không quay lưng với âm nhạc dân tộc”, mà cụ thể ở đây là đờn ca tài tử, ý kiến này hoàn toàn có cơ sở. Ở những cuộc thi, không thiếu những gương mặt trẻ say mê với câu vọng cổ, lời ca điệu đàn, tuy nhiên phần nhiều gương mặt bước ra từ các cuộc thi này vẫn còn loay hoay trong con đường lập nghiệp. Và ở những cuộc thi cũng cần có sự xác định lại mục tiêu rõ ràng hơn, cần ưu tiên cho những gương mặt mới, tạo sân chơi cho người trẻ yêu thích bộ môn này hơn là sự danh giá ở một giải thưởng mà thí sinh đã là nghệ sĩ thành danh cũng tham gia.

Một trong những mục tiêu tiếp tục được Đảng bộ TPHCM đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của nhân dân thành phố, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và sân khấu cải lương. Để có thể bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật hơn trăm năm này cần có sự phối hợp từ nhiều đơn vị. Đó là sự chung tay từ ngành giáo dục để tạo ra một thế hệ khán giả biết cảm thụ và yêu thích đờn ca, cải lương; tổ chức những lớp học bài bản, thực thụ để đào tạo người tiếp nối. Đó là vai trò kết nối, lan tỏa từ ngành du lịch để góp phần quảng bá đến du khách. Hơn cả là một giải pháp thiết thực để nghệ sĩ, nghệ nhân theo nghề có thể sống được với nghề… Một bảo tàng về nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ, có lẽ cũng là một ý kiến cần được quan tâm cho việc bảo tồn và phát huy giá trị từ di sản này.

THIÊN THANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dung-de-mat-tieng-don-694952.html