Đừng để luật nhiều nhưng dân không hiểu

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến đến các tỉnh, thành cả nước về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật vào sáng 24-11.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng tham dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng tham dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai

Trong 5 năm qua (2016-2020), Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 112 văn bản (71 luật, 2 pháp lệnh, 22 nghị quyết của Quốc hội, 17 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), giảm 8 văn bản so với giai đoạn 2011-2015. Kết quả này cho thấy số lượng văn vản quy phạm pháp luật đã giảm và chuyển dần theo hướng tinh gọn hệ thống pháp luật, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các luật, pháp lệnh, nghị định đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, trong thời gian qua, việc ban hành văn bản quy định chi tiết có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết từng bước được khắc phục; số lượng văn bản “nợ ban hành” đã giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay. Tính đến ngày 15-11, số văn bản nợ là 18 văn bản (8 nghị định, 1 quyết định và 9 thông tư).

Đối với công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được các cơ quan tổ chức, người dân và cả xã hội quan tâm, coi đây là một thiết chế quan trọng để kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đánh giá của Chính phủ, hệ thống pháp luật của nước ta phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà các bộ, ngành liên quan đã thực hiện trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế như: nhiều dự án còn kém phải sửa chữa nhiều; tình trạng xin lùi, xin rút văn bản pháp luật vẫn còn; công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống vẫn chưa phát huy hiệu quả. Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật chi tiết chưa được giải quyết dứt điểm; việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật sai vẫn còn xảy ra...

Trước thực tế đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành tư pháp tiếp tục phát huy vai trò trong tham mưu, đề xuất với Chính phủ các vấn đề quan trọng. Các bộ ngành phải phối hợp chặt chẽ để nâng cao tính dự báo của các chương trình pháp luật, trước khi ban hành các văn bản pháp quy. Các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không để xảy ra tình trạng luật nhiều nhưng dân không nắm, không hiểu, vẫn cứ vi phạm. Không để nợ đọng văn bản; các bộ, ngành địa phương phải phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc thực thi pháp luật tại địa phương, ngành mình quản lý. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Tin, ảnh: Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/202011/dung-de-luat-nhieu-nhung-dan-khong-hieu-3032022/