Đừng để loạn tiêu chuẩn sữa học đường

Trước sự bất cập về việc quản lý chất lượng sữa trong trường học, năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chương trình Sữa học đường, Bộ Y tế cũng có tiêu chuẩn sữa học đường là sữa tươi bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp để chuẩn hóa sản phẩm sữa sử dụng trong trường học.

Tuy vậy, quyết định chưa ráo mực, Hiệp hội Sữa Việt Nam và Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị sửa đổi tiêu chuẩn, sử dụng “các loại sữa dạng lỏng khác” - mà bản chất là quay lại sự lộn xộn giữa sữa tươi và sữa bột pha lại.

Bài học từ thế giới

Thái Lan là một ví dụ điển hình thành công chương trình sữa học đường. Từ năm 2013, nước này quy định chỉ có sữa tươi tiệt trùng (công nghệ UHT) được phân phối trong trường học. Cả nước chia sữa học đường thành 3 khu vực là 1, 2 và 3. Việc phân vùng nhằm đảm bảo cân bằng về cung - cầu, hỗ trợ phân bổ nguồn lực hợp lý hơn.

Với quy mô và chất lượng đàn bò sữa ngày càng tăng, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sữa tươi trong Chương trình Sữa học đường. Vậy tại sao lại đề xuất sử dụng “sữa dạng lỏng khác” cho chương trình. Ảnh: T.V

Sau quyết định số 1340/QĐ-TTg, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/BYT về việc quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, trong đó quy định: Là sản phẩm sữa tươi, đạt tiêu chuẩn theo QCVN 5:1-2010; bổ sung vi chất dinh dưỡng (vitamin và khoáng chất theo nghiên cứu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia). Đây chính là tiêu chuẩn sữa đã được chính sách hóa, và chính là barie để “gác cửa” ngăn chặn các loại sữa kém chất lượng vào trường học.

Trang trại sản xuất sữa nào muốn thành nguồn cung cho Chương trình Sữa học đường phải được xác nhận bởi Bộ Công nghiệp, lấy giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hợp lệ từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan (FDA) và ký hợp đồng dài hạn để mua sữa thô từ địa phương. Tất cả sữa cung cấp cho trường phải được làm từ sữa tươi nguyên chất chứ không phải từ sữa bột.

Tại Việt Nam, hiện nay ngoài quyết định tạm thời 5450 của Bộ Y tế, còn có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vào cuộc khi ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29.12.2017 làm cơ sở để giám sát chất lượng đầu vào của sữa học đường và khuyến kích sản xuất, thu mua sữa tươi nguyên liệu theo hợp đồng.

Tuy nhiên, các quyết định này chỉ là một phần để thúc đẩy Chương trình Sữa học đường thành công, TS Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Nhà nước cần quy định trong văn bản luật về uống sữa học đường là khẩu phần ăn bắt buộc trong bữa trưa hoặc giữa giờ tại các trường nội trú và bán trú; đồng thời cấm bán các sản phẩm nước uống có ga trong trường học”.

Ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GDĐT) cho biết, Vụ sẽ xây dựng tài liệu cẩm nang hướng dẫn triển khai sữa học đường trong trường học, trong đó các nội dung về tiêu chuẩn sữa tươi học đường - nhận diện sản phẩm sữa học đường, uống sữa học đường đúng cách sẽ được hướng dẫn kỹ để các trường triển khai theo đúng tinh thần Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

“Sữa dạng lỏng khác”

Trong khi Chương trình Sữa học đường đang triển khai đúng hướng, một số tỉnh, thành vào cuộc thực hiện chương trình ở quy mô cấp tỉnh, sử dụng sữa tươi học đường và có hỗ trợ trẻ em nghèo, cận nghèo uống sữa thì bất ngờ, ngày 17.9.2018, Bộ Y tế có Công văn số 5454/BYT-ATTP do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long ký, đề xuất sử dụng “sữa dạng lỏng khác” cho Chương trình Sữa học đường. Ngay lập tức, một câu hỏi đang được nhiều người đặt ra, đó là: “Sữa dạng lỏng khác” là gì?

Thái Lan là quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tiên phong triển khai Chương trình Sữa học đường và nước này quy định sữa dùng trong chương trình phải là sữa tươi. Ảnh: T.V

Theo QCVN 5:1-2017/BYT, thay thế QCVN 5:1-2010/BYT từng được Bộ Y tế ban hành (hiện đã thu hồi và chuyển việc ban hành sang Bộ Công Thương) quy định rõ, sữa dạng lỏng, bao gồm: Sữa tươi nguyên chất, sữa tươi nguyên chất tách béo, sữa tươi, sữa tươi tách béo, sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp.

Sữa tươi nguyên chất là sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung hoặc tách bớt bất kỳ thành phần nào của sữa và không bổ sung bất cứ thành phần nào khác.

Sữa tươi là sản phẩm được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu (sữa tươi nguyên liệu chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng). Sản phẩm này có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế các thành phần của sữa.

Sữa hoàn nguyên là sữa dạng lỏng thu được bằng cách bổ sung một lượng nước cần thiết vào sữa bột hoặc sữa cô đặc để tái lập tỷ lệ nước và chất khô thích hợp của sữa hoặc thu được bằng cách kết hợp chất béo sữa và chất khô không béo của sữa, có thể bổ sung nước để thu được thành phần thích hợp của sữa. Sữa hỗn hợp có kết hợp giữa sữa bột và sữa tươi. Như vậy, có thể hiểu “sữa dạng lỏng khác” trong đề xuất nói trên của Bộ Y tế chính là sữa bột hoàn nguyên (pha lại) hoặc sữa hỗn hợp giữa sữa bột pha lại và một ít sữa tươi.

Nếu đề xuất này được thông qua, ngay lập tức các trường học sẽ trở thành chợ sữa, bởi doanh nghiệp nào cũng có thể nhập sữa bột (với giá rẻ) về pha lại theo nhiều phẩm cấp để bán vào trường học. Và câu chuyện những xô sữa, xoong sữa sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Hiện nay, các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đều đã xây dựng đề án Sữa học đường, có sử dụng vốn ngân sách để trợ giá sữa cho học sinh và đang tiến hành đấu thầu các gói thầu sữa học đường. Tuy nhiên, nếu thiếu một tiêu chuẩn sữa học đường minh bạch, chắc chắn việc đấu thầu sẽ không còn ý nghĩa. Lúc đó, chương trình cũng không còn thực sự vì lợi ích của học sinh mà chính là vì lợi ích của doanh nghiệp đang bán sữa bột pha lại vào trường học, coi sữa học đường như một “miếng bánh” để phân chia thị phần.

Các phụ huynh thông thái chắc chắn sẽ nhận ra những bất cập đó, và đương nhiên, Chương trình Sữa học đường khó có thể thành công.

Tiểu Vân

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/dung-de-loan-tieu-chuan-sua-hoc-duong-933115.html