Đừng để lỡ 'chuyến tàu' nông nghiệp thông minh

Đó là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo khoa học 'Cơ khí nông nghiệp thông minh cho Đồng bằng sông Cửu Long', do Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.Hồ Chí Minh phối hợp với UBND TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức sáng 27/9.

Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp rất quan trọng để nâng cao năng suất, nhưng ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng.

Hệ lụy từ công nghệ kém

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-TP.HCM cho biết, hiện nay, phần lớn máy móc thiết bị của doanh nghiệp (DN) đều phải nhập khẩu từ nước ngoài do ngành chế tạo máy phục vụ nông nghiệp ở VN còn nhiều bất cập (ít DN đầu tàu, nhân lực còn thiếu và yếu, năng lực thấp, giá thành cao, tổ chức thị trường chưa xứng tầm với quy mô nền nông nghiệp quốc gia).

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu khai mạc

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu khai mạc

Theo PGS.TS Đạt, ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) việc thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Lý do là các chuỗi giá trị nông sản chưa hình thành, chuỗi liên kết còn chưa chặt chẽ với các nhà phân phối, thị trường tiêu thụ quốc tế; đất sản xuất còn phân bổ manh mún, trong khi đó quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa đồng bộ về thủ tục pháp lý. Đi cùng với đó, là thực trạng của vựa lúa của gần 18 triệu nhân khẩu vùng Tây Nam bộ trong thời gian dài vẫn còn là “vùng trũng” của cả nước về giáo dục, về ứng dụng KH&CN vào đời sống.

“Từ những khó khăn trên, cộng với việc khung pháp lý cho đầu tư vào công nghệ ưu đãi về đầu tư công nghệ nói chung, và trong nông nghiệp định hướng công nghệ cao chưa hoàn chỉnh chỉnh, các doanh nghiệp còn nhiều e ngại khi đầu tư vào máy móc, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Ngay cả ngoài khâu sản xuất, liên quan đến kho bãi, logistic, và các dịch vụ sau thu hoạch vẫn còn nhiều rào cản đối với việc công nhận và đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp” PGS.TS Đạt chia sẻ.

Ngoài ra, cũng theo PGS.TS Đạt, các cơ chế, phối hợp giữa các địa phương, cơ chế liên kết phát triển vùng, tiểu vùng còn nhiều hạn chế.

Đào tạo nguồn nhân lực

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, ngành công nghệ tự động hóa là nhóm nghề sẽ rất phát triển trong thời đại CMCN 4.0, do đó mà việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho lao động thuộc nhóm ngành nghề này trở nên là rất vấn đề cấp thiết. Và nhu cầu lao động của ngành cơ khí giai đoạn 2017-2020 đến năm 2025 là khoảng 10.000 người, trong đó lao động qua đào tạo là khoảng hơn 90%. Nhu cầu về lao động qua đào tạo của ngành này được xếp vào nhóm cao nhất trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu.

Hiện nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có năng lực và khả năng đẩy mạnh đầu tư phát triển các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

TP.HCM cũng đã thành lập Trung tâm Thiết kế/Chế tạo Thiết bị mới (Neptech). Ðây là nơi tập hợp, thu hút các nguồn lực KH&CN của thành phố để nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm một số thiết bị - công nghệ, góp phần hiện đại hóa một số ngành sản xuất mũi nhọn của thành phố.

Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, với lợi thế tập trung gần 40% tổng số cán bộ khoa học của cả nước, với rất nhiều trường đại học, cao đẳng, TP.HCM, trong đó có những đại học, trường đại học có thế mạnh về công nghệ, phải chăng TP.HCM rất phù hợp để trở thành trung tâm nghiên cứu chuyển giao và đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng máy móc thiết bị và khoa học công nghệ cả vùng ĐBSCL.

Lựa chọn và nắm bắt

Ông Từ Minh Thiện - Phó Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM chia sẻ, một số quốc gia trên thế giới đã ứng dụng nông nghiệp thông minh trong các lĩnh vực như quản lý đất đai, kiểm soát thiên tai, quản lý chất lượng và sản xuất. Theo ông Thiện, chương trình nông nghiệp thông minh toàn diện bao gồm năm nội dung chính. Một là bản đồ công nghệ: Mô phỏng, GIS, GPS, cảm biến độ dẫn điện mặt đất, hình ảnh siêu phổ, UAV, xử lý hình ảnh, cơ học.

Ông Trần Anh Sơn – Phó Trưởng khoa Khoa Cơ khí, trường Đại học Bách khoa, ĐHQG- HCM phát biểu tại hội thảo

Ông Trần Anh Sơn – Phó Trưởng khoa Khoa Cơ khí, trường Đại học Bách khoa, ĐHQG- Tp.HCM chia sẻ, máy móc, thiết bị ngoại nhập có giá thành cao. Đây là lý do chính khiến hầu hết người dân chấp nhận dùng máy cày, máy kéo cũ đã qua sử dụng - vốn tiêu hao nhiều nhiên liệu và độ bền, độ ổn định hoạt động không đảm bảo. Hậu quả là chi phí đội lên, trong khi chất lượng nông sản không đảm bảo.

Khâu thu hoạch lúa cũng gặp khó khăn do công nghệ thô sơ. “Tổn thất sau thu hoạch lúa vẫn còn ở mức 13%-14% về số lượng và hơn 12% về giá trị. Một số nhà máy hiện đại hơn sử dụng sấy tầng sôi và sấy tháp, tuy nhiên chi phí đầu tư và bảo trì cao” - nghiên cứu của nhóm ông Sơn chỉ ra.

Các chuyên gia, diễn giả thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển cơ khí nông nghiệp

Trong khi đó, đối với ngành sản xuất trái cây, công nghệ chế biến lạc hậu cũng ảnh hưởng tới chất lượng rau quả. Các dây chuyền chế biến hoạt động chưa đồng bộ, có khâu đã được tự động hóa, song song vẫn tồn tại nhiều khâu thao tác bằng thủ công, khả năng truy xuất nguồn gốc kém. Ví dụ, ở các công ty chế biến trái cây vẫn còn nhiều khâu thao tác thủ công đòi hỏi tập trung 40-60 lao động, chủ yếu ở khâu khuân vác, ngâm rửa, gọt vỏ, phân loại và đóng bao bì sản phẩm.

Theo bà Dương Huyền Trang, ĐH An Giang, các bài học kinh nghiệm của Israel cho thấy khi áp dụng công nghệ cao thì mỗi hecta trồng cà chua cho ra 250-300 tấn/năm, trong khi với cách sản xuất truyền thống của nước ta thì năng suất chỉ đạt khoảng 20-30 tấn/ha/năm. Do đó nông nghiệp công nghệ cao đã tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường.

“Nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu, do đó quy mô sản xuất được mở rộng. Ngoài ra, giá thành sản phẩm cũng cạnh tranh hơn, thương hiệu cũng dễ dàng đa dạng hơn”- bà Trang chia sẻ.

Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dung-de-lo-chuyen-tau-nong-nghiep-thong-minh-125787.html