Đừng để khói thuốc xuất hiện ở giảng đường

Trường học không khói thuốc được thực hiện từ lâu và trở thành một trong tiêu chí đánh giá thi đua.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Do vậy, nhiều sinh viên, giảng viên bày tỏ mong muốn tiếp tục duy trì quy định trên, để môi trường học đường trong lành, an toàn trước tác hại do thuốc lá và khói thuốc mang lại.

Tác hại không liên quan khối tích

Theo TS. BS Thái An – Bệnh viện 30/4 (TPHCM), không có mức độ nào an toàn khi tiếp xúc với khói thuốc. Ngay cả khi chúng ta tiếp xúc khói thuốc lá trong một thời gian ngắn cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Các nguy cơ về sức khỏe càng cao hơn khi tiếp xúc với khói thuốc nhiều hơn.

Một số người nghĩ rằng, mở cửa sổ hoặc sử dụng quạt sẽ ngăn chặn việc tiếp xúc với khói thuốc. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, độc tố từ khói thuốc không biến mất. Khói thuốc vẫn còn trong tóc, quần áo, thảm và đồ nội thất. Cách duy nhất để ngăn ngừa nhiễm khói thuốc là tránh những nơi có tình trạng hút thuốc lá.

“Luật đã quy định, nơi làm việc không khói thuốc nhằm giảm bớt việc tiếp xúc với khói thuốc lá và các vấn đề sức khỏe liên quan. Hút thuốc lá thụ động gây nguy hiểm hơn so với hút thuốc lá chủ động. Hút thuốc lá thụ động đồng nghĩa tiếp xúc gấp 3 - 4 lần các chất độc hại. Khói thuốc có thể tồn tại ở tất cả các khu vực công cộng và đặc biệt không có mức an toàn khi tiếp xúc với khói thuốc” - TS.BS Thái An nhấn mạnh.

SV nói không với thuốc lá. Ảnh: ITN

Cần cấm tuyệt đối trong cơ sở giáo dục

Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc thực hiện quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá và xét tặng danh hiệu môi trường không khói thuốc cho các địa điểm tiêu biểu thực hiện tốt quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá.

Theo đó, Điều 2 của dự thảo quy định các địa điểm sau đây bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, bao gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục, trừ cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khối lớp học có khối tích trên 5.000 m3. Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà, bao gồm nơi làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nơi làm việc trong nhà khác; cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khối lớp học có khối tích dưới 5.000 m3.

Nêu quan điểm về quy định sẽ không bị cấm hút thuốc hoàn toàn đối với các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp có khối tích trên 5.000 m3, TS Phạm Huy Cường – Phó Trưởng phòng Chính trị và Công tác HSSV (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Tôi khá bất ngờ và chưa hiểu cơ sở khoa học nào cho con số đó nhưng rõ ràng không nên áp dụng cứng nhắc các thông số tiêu chuẩn vào không gian đặc biệt như bệnh viện hay cơ sở giáo dục.

“Đặc biệt, cơ sở giáo dục là nơi đào tạo con người, cung cấp tri thức cũng như định hình những khuôn mẫu hành vi quan trọng cho người học trong tương lai. Sự hiện diện của khói thuốc dù nhiều hay ít, dù có bảo đảm không tổn hại sức khỏe theo một tiêu chuẩn nào đó với con người, chắc chắn vẫn là một nhân tố tiêu cực trong quá trình định hướng các giá trị sống cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt là nhận thức, ứng xử của các em với thuốc lá và việc sử dụng hay chấp nhận việc sử dụng thuốc lá - điều hiển nhiên ai cũng biết sẽ gây hại cho sức khỏe con người nhưng vẫn đang diễn ra hàng ngày”, TS Phạm Huy Cường cho hay.

Hiện trong khung xử lý kỷ luật các vi phạm của sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, hút thuốc có thể bị xem xét từ mức cảnh cáo đến buộc thôi học nếu tái phạm. Cụ thể: Lần 1 – cảnh cáo; Lần 2 – đình chỉ học tập 1 năm; Lần 3 – buộc thôi học.

Theo TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các số liệu thống kê được phổ biến rộng rãi trên phương tiện truyền thông, tỉ lệ người trẻ tuổi nghiện thuốc giảm nhiều so với thế hệ trước. Nhiều thanh niên Việt Nam không biết, không quen với khói thuốc. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Bởi vậy, TS Vũ Thu Hương cho rằng: Các cơ sở đào tạo không quá lo lắng về tình trạng hút thuốc và ảnh hưởng của khói thuốc với sức khỏe học sinh sinh viên. Vì thế, việc cho phép cơ sở GD đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khối tích trên 5.000 m3 được phép hút thuốc như sự cổ vũ cho một thói quen đầy nguy hại, rình rập quay trở lại sau nhiều năm vắng bóng trong các giảng đường CĐ, ĐH và giới trẻ.

Hơn nữa, Điều 22, Luật Giáo dục 2019 quy định, hút thuốc là một trong những hành vi nghiêm cấm trong các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, các hành vi uống rượu, bia, gây rối an ninh trật tự, gian lận trong học tập, kiểm tra, thi tuyển sinh... cũng bị nghiêm cấm.

Luật sư Phạm Quang Xá (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc thực hiện quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá sẽ không cấm hút thuốc hoàn toàn với cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp có khối tích trên 5.000 m3 là mâu thuẫn với Luật Giáo dục 2019.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/dung-de-khoi-thuoc-xuat-hien-o-giang-duong-yb2Eg1YGg.html