Đừng để khói thuốc lá mê hoặc, đưa đẩy bạn trở thành 'nghiện thuốc'

Nghiện thuốc lá được hiểu một cách đơn giản là việc mất hoàn toàn tự do nói không với thuốc lá. Người nghiện thuốc lá không thể 'quên' hút thuốc lá, ngược lại bị bắt buộc phải hút nếu không sẽ bị cảm giác 'đói' thuốc.

Thuốc lá buộc người nghiện phải hút liên tục nhiều tháng nhiều năm, tiếp tục hút thuốc lá ngay khi đã mắc các bệnh do thuốc lá gây ra: thở ôxy do suy hô hấp, cắt cụt chân vì tắc mạch chi dưới. Nghiện thuốc lá xuất hiện là hậu quả của các hiệu ứng tâm thần kinh do chất gây nghiện nicotine gây ra. Nghiện thuốc lá thường là kết hợp của nghiện tâm lý, hành vi với nghiện thực thể - dược lý.

Thế nào gọi là nghiện tâm lý?

Nghiện tâm lý là khi người nghiện hút thuốc lá để tìm kiếm các hiệu ứng tâm thần kinh khi hút thuốc lá ví dụ: sảng khoái, hưng phấn, tăng khả năng tập trung chú ý. Đặc điểm nghiện thuốc lá tâm lý trên mỗi người là khác nhau bởi vì nghiện tâm lý tùy thuộc vào hoàn cảnh, không gian, thời gian, và nhu cầu hiệu ứng tâm thần kinh tương ứng với hoàn cảnh cụ thể ấy. Ví dụ: người nghiện thuốc lá tâm lý sẽ hút thuốc lá khi uống cà phê cùng bạn bè để tìm cảm giác sảng khoái, hút thuốc lá khi làm việc để tăng mức độ tập trung, hút thuốc lá trước khi bước vào giải quyết một tình huống căng thẳng, nguy hiểm để giảm căng thẳng...

Thế nào gọi là nghiện hành vi?

Nghiện hành vi là khi người nghiện hút thuốc lá như là một phản xạ có điều kiện đã phát sinh trong một hoàn cảnh cụ thể. Họ hút theo phản xạ chứ không phải là do nhu cầu cơ thể thực sự thiếu nicotine. Theo đó, hành vi hút thuốc lá xuất hiện trong các tình huống cụ thể, lập đi lập lại, theo đúng thứ tự trong thời gian dài. Ví dụ: sau khi ăn cơm xong: hút, khi uống cà phê vào buổi sáng: hút, gặp bạn hữu: hút.

Đừng để khói thuốc đưa đẩy, dẫn lối bạn trở thành “con nghiện”.

Và nghiện thực thể - dược lý

Một người hút thuốc lá được gọi là nghiện thực thể - dược lý khi việc hút thuốc lá đã trở thành một nhu cầu cần thiết, không thể thiếu, không thể cưỡng lại được trong cuộc sống. Cơ thể họ cần nicotine để có thể hoạt động bình thường, vì khi thiếu nicotine sẽ xuất hiện các triệu chứng của hội chứng cai thuốc lá như là: thèm hút thuốc lá mãnh liệt; cảm giác kích thích, bứt rứt, căng thẳng; không tập trung được; buồn bã, lo lắng; thèm ăn; rối loạn giấc ngủ. Và các triệu chứng này sẽ biến mất ngay khi họ hút thuốc lá trở lại.

Tại sao nicotine lại có thể gây nhiều tác động tâm thần kinh như vậy?

Khi nicotine gắn kết thụ thể nicotine trên các tế bào thần kinh tại “trung tâm thưởng” ở hệ viền não bộ, các hóa chất trung gian dẫn truyền thần kinh bao gồm dopamin, serotonine, noradrenaline được phóng thích. Chúng gây ra nhiều tác động tâm thần kinh như là cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng chú ý, tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn. Não bộ nhanh chóng nhận ra rằng có thể dùng thuốc lá để kích thích bài tiết dopamin và như vậy khởi động quá trình hút thuốc lá kéo dài nhiều năm tháng. Hiệu ứng tâm thần kinh của nicotine gây ra nhiều khi mạnh đến nỗi người nghiện thuốc lá không tài nào quyết định ngưng hút thuốc lá được và họ sẵn sàng chấp nhận các tác hại của thuốc lá để đổi lấy các hiệu ứng tâm thần kinh đó.

Những bệnh lý do thuốc lá gây ra

Thuốc lá nhìn chung tác hại đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Bệnh lý hàng đầu do thuốc lá gây ra là ung thư: 30% tất cả các loại ung thư. Ung thư phế quản đứng đầu danh sách, kế đến là ung thư các cơ quan khác có thể kể ra là: thanh quản, vòm hầu, khoang miệng, thực quản, dạy dày, tụy tạng, bàng quang, thận; cổ tử cung, và vú ở nữ. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phế quản gấp 15 lần, hầu - thanh quản gấp 10 lần, thực quản gấp 7 lần, khoang miệng và thận gấp 4 lần, bàng quang gấp 3 lần, tụy tạng gấp 2 lần. Người hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc ung thư máu, ung thư não cao hơn người bình thường đặc biệt là khi bị tiếp xúc với thuốc lá thụ động từ trong bào thai hay lúc bé.

Những bệnh lý không phải ung thư do thuốc lá gây ra rất nhiều: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; bệnh tim mạch: bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, tai biến mạch máu não, thuyên tắc mạch chi dưới; bệnh lý đường tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng; ảnh hưởng lên chức năng sinh sản nam cũng như nữ; ảnh hưởng lên diễn tiến bình thường của thai kỳ. Tiếp xúc khói thuốc lá thụ động là nguyên nhân gây một số bệnh ở trẻ em như tăng tần suất viêm tai giữa, cơn hen cấp, v.v...

Nhật Hạ

((Nguồn: Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/dung-de-khoi-thuoc-la-me-hoac-dua-day-ban-tro-thanh-nghien-thuoc-n138685.html