Đừng để học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực từ không gian mạng

Học sinh có quyền tiếp cận đầy đủ kiến thức, văn hóa trên không gian mạng để nâng cao tri thức, kỹ năng ứng xử và hình thành nhân cách.

Giáo viên và phụ huynh cần hướng dẫn học sinh cách nhận biết và cảnh giác với thông tin độc hại trên internet. Ảnh minh họa: Đ.Phú

Giáo viên và phụ huynh cần hướng dẫn học sinh cách nhận biết và cảnh giác với thông tin độc hại trên internet. Ảnh minh họa: Đ.Phú

Tuy nhiên, hiện nay trên không gian mạng có quá nhiều thông tin xấu, độc, ảnh hưởng tiêu cực đến các em học sinh.

* Nhiều thông tin độc hại

Ngoài sự tiện ích, thuận lợi trong tìm kiếm kiến thức, giải trí, mạng xã hội (MXH) cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho lứa tuổi học sinh khi dễ dàng tìm bất cứ thông tin tiêu cực nào trẻ muốn biết. Đáng chú ý, hiện trên không gian mạng đầy rẫy những bài viết, hình ảnh, phim ảnh khiêu dâm, đồi trụy; hành vi bạo lực học đường; lối sống đua đòi, hưởng thụ…

Điểm đ, Khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm các hành vi như: hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Tác hại của thông tin xấu, độc trên MXH rất khó lường. Trong khi độ tuổi học sinh, nhiều em còn tò mò, muốn chứng tỏ bản thân nhưng không nắm vững các kiến thức pháp luật dễ bắt chước làm theo, sa ngã hoặc vi phạm pháp luật. Cụ thể như: tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi); sử dụng ma túy trái phép; tham gia đua xe trái phép hoặc hỗn chiến bằng bom xăng…

Ngày 7-10, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo N.N. (17 tuổi, ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) mức án 10 năm tù về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Trước đó, vào khoảng tháng 3-2022, thông qua MXH Facebook, N. quen biết, yêu và quan hệ tình dục với cháu T. (12 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) nên cha mẹ cháu T. đã trình báo cơ quan công an vào cuộc xử lý.

* Tránh con trẻ bị nhầm lối

Để bảo vệ con em khi tham gia MXH, ông Nguyễn Tuấn (ngụ KP.6, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) đề nghị cơ quan quản lý văn hóa, an ninh mạng cần có giải pháp, công cụ, chế tài quyết liệt, mạnh mẽ bài trừ, ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất những nội dung, hình ảnh gây ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường, tổ chức Đoàn Thanh niên cần tăng cường hướng dẫn các em kỹ năng sống, biết cách phòng tránh rủi ro, nguy cơ gặp phải khi tham gia, khai thác thông tin trên mạng.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, việc phổ biến, giáo dục pháp luật; giáo dục giới tính, tình yêu, tình dục trong gia đình, nhà trường cần được quan tâm hơn nữa. Mục đích để học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng tự phân biệt, sàng lọc những thông tin xấu, độc; tránh các hành vi vi phạm pháp luật cũng như các ảnh hưởng tiêu cực của MXH.

Luật gia Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em, lứa tuổi học đường ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại. Trong khi đó, việc xây dựng, cải thiện môi trường mạng an toàn với các em chưa được đầu tư thích đáng. Nhất là việc phát triển các dịch vụ phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa được chú trọng. Chính vì vậy, yếu tố độc hại, lệch lạc vẫn còn cơ hội xâm nhập, tồn tại trên không gian mạng.

“Theo tôi, để bảo vệ học sinh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của thông tin độc hại thì chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trên không gian mạng phải thực hiện nghiêm việc kiểm soát, sàng lọc nội dung do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho học sinh. Riêng cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường kiểm soát, cảnh báo, chế tài nghiêm khắc để ngăn chặn các nội dung độc hại tự do phát tán trên không gian mạng” - luật gia Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị.

“Cơ quan có thẩm quyền phải xử lý thật nghiêm, dứt khoát và kịp thời mọi tổ chức, cá nhân có hành vi phát tán văn hóa phẩm, tư tưởng độc hại trên môi trường mạng. Có như vậy học sinh mới được bảo vệ an toàn, lành mạnh trước những thông tin, tư tưởng sai lệch, không chính thống trong quá trình tiếp cận tri thức, kết bạn trao đổi tình cảm” - chị NGÔ THỊ NGA (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đề xuất.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202210/dung-de-hoc-sinh-bi-anh-huong-tieu-cuc-tu-khong-gian-mang-3140527/