Đừng để 'Hiệp sĩ đường phố' TP.HCM hy sinh oan uổng!

Trong khi các nhóm 'hiệp sĩ đường phố' ở Bình Dương được tổ chức một cách bài bản, phối hợp chặt chẽ cùng Công an địa phương thì ở TP.HCM mô hình này chỉ là tự phát, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, thậm chí là cái chết.

Rủi ro của “hiệp sĩ đường phố”

Sự việc nhóm “hiệp sĩ đường phố” ở quận Tân Bình (TP.HCM) bắt quả tang các đối tượng trộm xe máy song bị tấn công trở lại khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương trên đường Cách Mạng Tháng Tám vào tối 13/5 dấy lên những lo ngại về cách thức hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ đường phố”.

Hành động trấn áp tội phạm đường phố của các “hiệp sĩ” là việc làm xứng đáng được xã hội tuyên dương. Tuy vậy, cách thức hoạt động theo kiểu tự phát của các nhóm “hiệp sĩ đường phố” như hiện nay đang tồn tại nhiều rủi ro.

Nói đến phong trào phòng chống tội phạm tự nguyện của người dân, Bình Dương là địa phương đi đầu cả nước. Bình Dương đã cho phép thành lập nhiều Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm dưới sự quản lý, giám sát của công an phường. UBND tỉnh này cũng đã ban hành “quy chế tổ chức và hoạt động của các Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm”.

Nhóm "hiệp sĩ đường phố" phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, do anh Hải làm đội trưởng đang áp giải một nghi can về trụ sở công an địa phương.

Nhóm "hiệp sĩ đường phố" phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, do anh Hải làm đội trưởng đang áp giải một nghi can về trụ sở công an địa phương.

Với quy chế tổ chức này, các nhóm “hiệp sĩ đường phố” ở Bình Dương phải hoạt động trên địa bàn của mình, khi trấn áp, bắt quả tang tội phạm, phải thông báo và phối hợp cùng công an địa phương. Quy định này nhằm đảm bảo an toàn cho các “hiệp sĩ”, tránh sự lạm quyền.

Theo “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng đội phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, hằng ngày đội của anh nhận được nhiều tin báo tội phạm từ người dân. Không chỉ ở Bình Dương, đội của anh Hải còn phối hợp truy bắt các đối tượng gây án từ các quận huyện TP.HCM trốn sang.

“Chúng tôi tham gia truy bắt tội phạm trên tinh thần giúp đỡ người dân gặp nạn chứ không ai xem đây là cái nghề để kiếm sống. Có những anh em cuộc sống khó khăn nhưng tham gia rất tích cực, mỗi năm bắt hàng chục vụ cướp giật”, anh Hải chia sẻ.

Ngoài hiểm nguy về tính mạng khi tham gia trấn áp tội phạm, những hạn chế trong việc nhận thức pháp luật của các nhóm “hiệp sĩ đường phố” là điều đáng lo ngại.

Trong quá trình hoạt động, đội “hiệp sĩ” của anh Hải đã gặp không ít trắc trở. Cụ thể, vào cuối năm 2012, anh Hải cùng 9 “hiệp sĩ” khác trong đội bị nghi ngờ có vụ lợi trong vụ việc giúp một người dân chuộc tài sản.

Cần được công nhận, tổ chức chuyên nghiệp

Ra đời trước nhưng hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ đường phố” tại TP.HCM lại không quy củ, có tổ chức như ở Bình Dương. Trong những năm qua, trước tình hình tội phạm đường phố diễn biến phức tạp, đã có nhiều nhóm “hiệp sĩ đường phố” ở TP.HCM được thành lập.

Theo anh Nguyễn Văn Minh Tiến, “hiệp sĩ” từng nhận được bằng khen của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thành tích bắt cướp, hầu hết các nhóm “hiệp sĩ đường phố” tại TP.HCM hiện nay hoạt động theo kiểu tự phát. Các thành viên không được tập huấn nghiệp vụ, trang bị kiến thức pháp luật một cách chính thức từ cơ quan chức năng.

Trong khi đó, “hiệp sĩ” Lâm Hiếu Long, Trưởng nhóm “hiệp sĩ” của trang Facebook “Đội săn bắt cướp TP.HCM” cho hay, do tự thân vận động nên mỗi lần tham gia bắt tội phạm cả nhóm đều hội ý để đưa ra phương án an toàn và đúng pháp luật.

Nắm bắt thế mạnh lan tỏa thông tin rộng rãi của Facebook, nhóm “hiệp sĩ” của anh Lâm Hiếu Long đã thành lập trang “Đội săn bắt cướp TP.HCM” trên mạng xã hội này. Theo anh Long, mục đích của trang này là để chia sẻ thông tin các đối tượng nghi vấn cũng như hướng dẫn người dân những cách đề phòng, đối phó với tội phạm trộm cướp thông qua các video clip nhóm tự quay.

Các “hiệp sĩ” như anh Tiến và anh Long mong muốn mô hình “hiệp sĩ đường phố” tại TP.HCM sẽ được tổ chức một cách quy củ hơn, các nhóm được đào tạo nghiệp vụ võ thuật và kiến thức pháp luật bài bản hơn để hạn chế tối đa rủi ro khi tham gia truy bắt tội phạm.

Theo luật sư Nguyễn Thúy Lệ Huyền (Đoàn Luật sư TP.HCM), đối với những địa phương có tình hình tội phạm trộm cướp đường phố phức tạp như TP.HCM, ngoài lực lượng công an địa phương và cảnh sát hình sự thì mô hình “hiệp sĩ đường phố” nên được khuyến khích, phát triển.

Tuy nhiên, luật sư Lệ Huyền cho rằng, cần phải đưa hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ đường phố” vào khuôn khổ, dưới sự quản lý của công an địa phương. Để từ đó các “hiệp sĩ” được tập huấn nghiệp vụ, trang bị kiến thức pháp luật nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tránh lạm quyền, bảo kê cho tội phạm.

Trong vụ truy bắt băng trộm trên đường Cách Mạng Tháng Tám vào tối 13/5, nhóm hiệp sĩ của ông Trần Văn Hoàng bị cướp tấn công lại, khiến ông Hoàng phải cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Anh Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Gò Vấp) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định) không qua khỏi. Gia đình anh Nam cho hay, anh Nam đang chuẩn bị kết hôn.

Nhóm “hiệp sĩ đường phố” của ông Trần Văn Hoàng được thành lập từ năm 2013, nhưng riêng ông Hoàng đã tham gia bắt cướp từ năm 1995 đến nay.

Ông Hoàng và nhóm hiệp sĩ của mình là khắc tinh của những tên cướp giật ở khu vực quận Tân Bình, TP.HCM.

Tính đến nay, ông Hoàng và nhóm hiệp sĩ đã phá được vài trăm vụ, giúp đỡ rất nhiều cho lực lượng công an thành phố.

Đội hiệp sĩ của ông Hoàng gồm 10 thành viên. Trong đội, có người là công chức, người buôn bán hoặc cùng chạy xe ôm. “Đội hoạt động dựa hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, dùng xe nhà, xăng tự đổ, thành viên trong nhóm có hành động vụ lợi sẽ bị trục xuất”, ông Hoàng từng trả lời trên báo chí.

Phương Anh Linh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dung-de-hiep-si-duong-pho-tphcm-hy-sinh-oan-uong-post262183.info