Đừng để giải thưởng và tỉ lệ làm khó người xứng đáng

Trường hợp cố nhà thơ Xuân Quỳnh và cố nhạc sĩ Thuận Yến “suýt trượt” Giải thưởng Hồ Chí Minh thời gian vừa qua đã cho thấy những bất cập lâu nay trong quy định pháp luật về xét tặng giải thưởng và danh hiệu lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đòi hỏi phải sửa đổi. Nhưng sửa thế nào cho hợp lý và công bằng thì đó là câu chuyện cần phải bàn.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho các tác giả, thân nhân tác giả được trao tặng đợt 5.

Vì sao nghệ sĩ trượt giải thưởng dù xứng đáng?

Tháng 5 vừa qua, lễ trao  Giải thưởng Hồ Chí Minh - Giải thưởng Nhà nước 2016  đã được tổ chức tại Hà Nội, cố nhạc sĩ Thuận Yến, cố nhà thơ Xuân Quỳnh đã có tên trong danh sách những người nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng trước đó, sau khi Bộ VHTT&DL công bố danh sách 10 tác giả được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 67 tác giả được tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật đợt 5 - năm 2016, gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến đã gửi tâm thư lên Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ VHTT&DL và các cơ quan chức năng bày tỏ thắc mắc vì sao nhạc sĩ đã trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này.

Nhà thơ Xuân Quỳnh, tác giả của hàng loạt những tuyệt phẩm thơ tình nổi tiếng bị gạt ra khỏi danh sách Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu vì được cho là không đủ giải thưởng. Thực chất của vấn đề này là giấy chứng nhận giải thưởng của tác giả bị thất lạc, trong khi giấy xin xác nhận giải thưởng lại bị thiếu trong hồ sơ. Tuy nhiên, Hội đồng cấp Nhà nước vẫn coi việc thiếu giấy xác nhận giải thưởng là không đủ điều kiện. Kết quả là hồ sơ của tác giả Xuân Quỳnh bị loại, nhạc sĩ Thuận Yến cũng ở trong tình cảnh tương tự.

Theo các nhà chuyên môn, với tổng số 113 hồ sơ qua ba vòng cấp Hội đồng được trình lên Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước, có 77 hồ sơ được duyệt, bao gồm 10 tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh và 67 tác giả được Giải thưởng Nhà nước. Có thể thấy, đây là lần đầu việc xét tặng hai giải thưởng này có số tác giả bị loại nhiều như thế. Trong hơn 30 tác giả được Hội đồng Nhà nước đưa lên bị “trượt”, có những trường hợp rất đáng tiếc như liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, phóng viên nhiếp ảnh chiến trường nổi tiếng, người sẵn sàng đổi cả tính mạng để có được những tấm ảnh chân thật về chiến tranh không được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; cố nhạc sĩ Thuận Yến, cố nhà thơ Xuân Quỳnh… như đã nói trên.

Liên quan đến việc này, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Đừng chờ người ta đi xin, thấy xứng đáng thì tặng hay tìm đến người ta để tặng. Nhất lại là nghệ sĩ”. Tại cuộc họp Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương ngày 23/2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt câu hỏi: “Tại sao Xuân Quỳnh, Thu Bồn chưa được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh? Do thủ tục, cách làm hay do chủ quan của bộ phận làm thi đua khen thưởng?”.

Tại luật?  

Ngay sau vụ việc của cố nhạc sĩ Thuận Yến và cố nhà thơ Xuân Quỳnh, lý giải với báo chí, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định vướng mắc ở đây là trong Nghị định 90/2014/NÐ-CP của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (VHNT). Theo đó, điều kiện thứ ba dành cho Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đòi hỏi tác giả xét tặng phải được giải vàng (giải A, giải nhất) tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia; hoặc giải thưởng cao nhất của Hội VHNT chuyên ngành Trung ương hay các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm quốc tế. Ðây chính là một cản trở về mặt pháp lý đối với tác giả bị loại, dù các hội đồng đã nhất trí đến 90%.

“Nếu xét về huy chương, giải thưởng thì thời kỳ lịch sử ấy lấy đâu ra?” là câu hỏi của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành khi nói về sự thiệt thòi của các nghệ sĩ nhiếp ảnh với Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Theo ông Chu Chí Thành, có tác giả cống hiến cả xương máu trong cuộc chiến tranh của dân tộc, tác phẩm có giá trị đặc biệt xuất sắc nhưng lại “trượt” nếu áp theo quy định tiêu chí giải thưởng. Như nghệ sĩ nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng, với cụm tác phẩm “Những khoảnh khắc để lại” sáng tác trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là những tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn, được ghi lại bởi ống kính của một phóng viên chiến trường, một liệt sĩ đã ngã xuống trên chiến trường Quảng Trị. Cùng quan điểm, NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng cho rằng, có nhiều tác phẩm giá trị đặc biệt nhưng do hoàn cảnh lịch sử nên không có giải thưởng. Vì thế, nếu mang Nghị định áp vào lịch sử thì sẽ rất chênh vênh.

Được biết, để khắc phục trường hợp “trượt” giải thưởng của hai trường hợp cố nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước ngày 24/2/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Hội đồng xét tặng cấp nhà nước đề nghị tiếp tục xét tặng hai trường hợp cố nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn; nội dung ghi rõ: “Tuy thiếu giải thưởng theo quy định tại khoản 3 Ðiều 9 Nghị định 90, các tác phẩm này được Hội đồng đánh giá rất cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, có tác dụng giáo dục và định hướng thẩm mỹ cao cho thanh, thiếu niên; góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển VHNT, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Ngày 3/3, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xét trình Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Thuận Yến…

Linh Thụy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//nhip-cau/dung-de-giai-thuong-va-ti-le-lam-kho-nguoi-xung-dang-350869.html