Đừng để già nhanh vì da khô, ngứa ngày đông giá

Vào đông, nhiều người thấy rất bất tiện vì đứng ngồi đâu cũng ngứa ngáy râm ran khắp cơ thể. Theo các bác sĩ, bệnh ngứa vào mùa đông không trừ ai. Làm sao để dứt cơn ngứa nhanh?

Lá tía tô, kinh giới, đinh lăng, rau má cho vào xay sinh tố, hoặc sắc lấy nước uống cũng giúp giảm ngứa. Ảnh: TL

Ngứa như ngứa ghẻ

Anh Nguyễn Lê Anh Tuấn (ở đường Bưởi, Hà Nội) 3 năm qua cứ trời trở lạnh đầu đông là bị ngứa vùng chân ghê gớm, tới mức đi đâu cũng xấu hổ vì ngứa phải gãi như gãi ghẻ. Vì làm ở khu công nghiệp, khó xin nghỉ nên anh cố chịu, nhưng ngứa quá không chịu nổi anh phải xin nghỉ làm đi khám. Bác sĩ bảo do vùng da chân thường xuyên tiếp xúc với không khí lạnh nên bị ngứa.

Chị Nguyễn Thị Hoa (ở Đại Mỗ, Hà Nội) than thở, mới vào đông chân tay đã mốc, nứt, ngứa ngáy. Chị nghe mách lấy nước đá chườm cho bớt ngứa, chỗ xa quá tầm tay thì lấy bàn tay giả chà gãi. Nhìn tay chân chị tuổi 30 mà đã thô ráp như da người già khiến chị mất tự tin. Ai mách gì chị cũng chữa, nào xoa rượu, chanh, dầu xanh, dầu đỏ, lá trầu không, lô hội... bôi chà xát mong bớt ngứa. Nhưng ngứa chả hết, còn bị sần rộp, tấy đỏ...

Nguyên nhân gây ngứa mùa đông theo Đông y là do phong hàn bên ngoài tác động, khiến cơ thể phản ứng lại sinh dị ứng, mẩn ngứa. Còn Tây y nói do mùa đông hanh khô làm chức năng điều tiết của tuyến mồ hôi, tiết bã bị hạn chế, lượng máu cung cấp cho da giảm… khiến da mất nước và khô rát, da sẩn phù, bong tróc gây ngứa nhiều hơn các mùa khác.

Những người có cơ địa rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết bị dị ứng rất dễ bị ngứa ngáy khắp cơ thể. Những người có thói quen tắm nước nóng già để máu huyết lưu thông, ấm cơ thể, nhưng lại làm mất lớp nhờn giữ ẩm cho da, khiến da càng khô hơn. Những người lười uống nước, ít khát nước, uống thiếu nước da sẽ bị khô, mất đi vẻ tươi mát. Thói quen sưởi ấm bằng lửa, lò sưởi, máy sưởi… hút hết độ ẩm của da cũng khiến da bị mất nước, làm da bị khô và ngứa.

Chứng ngứa mùa đông có thể xảy ra với tất cả mọi người, hay tái phát rất khó chịu, việc gãi nhiều, ảnh hưởng tới thẩm mỹ, sinh hoạt hàng ngày. Nếu phụ nữ mang thai ngứa toàn thân sẽ khá nguy hiểm cho thai nhi, vì việc dùng thuốc lúc thai kỳ khá khó khăn.

Cách đơn giản trị ngứa

Lương y Phúc Toàn Anh (Hội Đông y Hà Nội) chia sẻ, nếu tình trạng ngứa da mức độ nhẹ, có thể dùng các loại thảo dược thiên nhiên sẽ giúp giảm ngứa ngáy, khó chịu. Cách làm như sau:

Lấy lá tía tô, kinh giới, lá đinh lăng, rau má mỗi lá trên lấy 50g tươi - hoặc 30g khô – cho vào máy xay sinh tố, hoặc sắc lấy nước uống tới khi hết ngứa.

Mật ong 2 muỗng (30 ml), đun nóng thoa lên chỗ da ngứa, để 15 phút, có tác dụng kháng khuẩn, giảm ngứa ngáy hiệu quả, dưỡng ẩm tự nhiên, phục hồi da bị hư tổn, chống lão hóa…

Lá lô hội (nha đam) gọt hết vỏ xanh, dùng phần thịt có nhựa trong suốt thoa lên chỗ đang ngứa, giúp giữ nước, tạo màng chống bụi bẩn, nấm mốc… xâm nhập qua lỗ chân lông, giúp da không bị khô ngứa và bứt rứt khi nhiệt độ xuống thấp.

Tắm bằng nước ấm có pha bột nở (baking soda), tỷ lệ 3 phần bột nở, 1 phần nước. Ngâm mình 30-60 phút/ngày sẽ giảm ngứa. 100g bột Baking Soda cho vào nước ấm theo tỷ lệ 3 phần bột, 1 phần nước rồi ngâm mình 30 phút. Sau khi tắm dùng khăn mềm thấm nhẹ trên vùng da ngứa, xử lý ngứa da khá hiệu quả.

Những cách trên được nhiều người áp dụng và dùng khá hiệu quả. Khi dùng thì kiêng gió, lạnh, tránh tắm nước lạnh hoặc nóng quá, tránh các món ăn nhộng, tôm cá nhỏ…

Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (BV Trung ương Quân đội 108), khi bị ngứa chữa bằng các phương pháp đơn giản như sau:

Dùng vỏ chuối tiêu với một lượng vừa phải sắc lấy nước thấm vào khăn bông rồi chườm vào chỗ ngứa. Hoặc dùng mặt trong của vỏ chuối đắp trực tiếp vào chỗ ngứa. Vỏ chuối tiêu có chứa một chất có tác dụng khống chế vi khuẩn, virus chống viêm và giải mẫn cảm nên rất thích hợp cho những người bị mắc chứng ngứa trong mùa đông.

Lấy vỏ quýt giã nát cho vào trong cốc, đổ nước sôi và chế thêm một chút muối. Trước khi dùng thuốc, gãi chỗ ngứa cho đến khi xuất hiện các đốm xuất huyết nhỏ thì dừng, dùng bông vô trùng chấm nước thuốc bôi vào chỗ ngứa trong khoảng 20 phút, sẽ có cảm giác đau rát nhưng hết rất nhanh. Mỗi ngày làm 2 lần.

Các bác sĩ cho rằng, chứng ngứa da do thời tiết không thể chữa khỏi vĩnh viễn. Chỉ khi trời ấm lên cơn ngứa cũng chấm dứt. Lưu ý, khi bị ngứa không nên chủ quan gãi, bởi càng gãi sẽ càng ngứa, gây tổn thương da, dẫn đến ngứa ngáy kéo dài không khỏi. Cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ chỗ vết dị ứng, không chà xát mạnh quanh vết dị ứng để tránh bị nhiễm trùng.

Nếu ngứa tiến triển nặng cần đi khám chuyên khoa da liễu để được bác sĩ khám và điều trị kịp, chỉ định dùng thuốc. Vì có nhiều nguyên nhân gây ngứa nên cần đi khám sớm để xác định nguồn gây bệnh, xác định chính xác nguyên nhân gây ngứa và đưa ra phương pháp trị liệu phù hợp với từng người. Người dân không nên tự ý mua thuốc về dùng vì da càng dễ khô, nứt, ngứa hơn nữa.

Phòng ngứa bằng cách nào?

Ths.BS Hoàng Khánh Toàn cho biết, vì nguyên nhân của chứng ngứa da vào mùa đông chủ yếu là do âm hư huyết táo, huyết hư sinh phong, sinh ngứa nên phòng chống cần dưỡng huyết nhuận táo, khu phong bằng các biện pháp khác nhau, trong đó có việc sử dụng một số bài thuốc đơn giản, ví như:

Đương quy, sinh địa, bạch thược mỗi thứ 15g, đan sâm 20g, phòng phong, kinh giới, bạch tật lê mỗi thứ 10g sắc uống hàng ngày. Nếu kèm theo khí hư, mệt mỏi gia 25g hoàng kỳ; nếu có cảm giác buồn bã chân tay gia 30g thảo quyết minh sống. Phương này có tác dụng dưỡng huyết, nhuận táo khu phong trị ngứa. Mỗi ngày sắc uống một thang, mỗi thang sắc 3 lần, chia uống sáng, trưa và chiều, bã thuốc sắc lại lấy nước rửa chỗ ngứa.

Dạ giao đằng 50g, khổ sâm, xà sàng tử mỗi thứ 20g, kinh giới 30g, hoa tiêu 5g. Nếu ngứa nhiều gãi bật máu và đau rát có thể gia thêm 15g mẫu đơn bì. Phương này có tác dụng thanh nhiệt, khu phong trị ngứa. Sắc uống mỗi một thang, bã thuốc sắc lại lấy nước rửa chỗ ngứa mỗi ngày 1-2 lần.

Trong khi dùng thuốc cần ăn tránh các đồ ăn, thức uống cay nóng như hạt tiêu, ớt, tỏi, hành, gừng, cari, rượu…

Lương y Phúc Toàn Anh khuyến cáo, người hay bị ngứa da không nên ăn các loại thịt cá rán, nướng… và các loại thủy sản như tôm, cua, ốc, hến... Tắm bằng nước đủ ấm, không tắm nước quá nóng, hay quá lạnh. Tắm xong nên bôi kem dưỡng ẩm (loại kem dành cho trẻ em là an toàn). Trời lạnh mặc đủ ấm, nên dùng quần áo cotton lót bên trong, tránh mặc đồ bó sát, chật, chất liệu dễ kích ứng da (vải bố, nilon…). Ra đường nhớ dùng khẩu trang, khăn quàng giữ ấm và mũ, găng tay, tất ấm để bảo vệ da khỏi bốc hơi nước.

Ăn uống bổ sung các axít béo, vitamin A, C, D3, selenium… chăm uống nước (khoảng 2 lít nước/ngày), bổ sung hoa quả, rau trái tươi. Ngủ đủ giấc để giúp các tế bào da được tái tạo.

Nếu nổi mụn, khô nứt nẻ nên dùng kem dưỡng ẩm thường xuyên. Da khô, hay dùng nước tẩy rửa, hóa chất cần đi găng tay bảo vệ da.

Hà My

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/dung-de-gia-nhanh-vi-da-kho-ngua-ngay-dong-gia-20181205201753471.htm