Đừng để dịch bệnh thành nhân họa!

Sáng sớm thức dậy giữa lúc đâu đâu cũng là thông tin về vi rút corona, như thói quen thường lệ, tôi lướt Facebook và tình cờ đọc được trên 'tường' nhà một người bạn dòng trạng thái: 'Đang định đi siêu thị tích trữ đủ thứ thì đọc được bài này, không đi nữa...'.

Bạn tôi dẫn lại câu chuyện được chia sẻ rất nhiều trên nền tảng mạng xã hội này trong mấy ngày qua. Câu chuyện nhắc lại thảm họa động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản cách đây vài năm. Khi đó, một phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Nhật chia sẻ rằng, vì sợ khủng hoảng, chị định đi đổ xăng đầy bình, định đi siêu thị "hốt" đồ thì bị chồng ngăn lại, nói rằng: "Chỉ được đổ nửa bình". Chị hỏi: "Tại sao", liền nhận được lời đáp: "Vì là khủng hoảng nên mới chỉ được đổ nửa bình. Chừa cho những người đang bị thiếu hụt ở vùng thiên tai"...

Câu chuyện gợi cho chúng ta nhiều điều đáng để suy nghĩ. Vì rằng, đôi khi thiên tai không đáng sợ bằng nhân họa.

Ngày 31-12-2019, Trung Quốc ghi nhận 27 ca viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong khi thế giới chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, ngày 2-1-2020, Việt Nam đã có phản ứng đầu tiên, với việc Bộ Y tế chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ngay tại cửa khẩu.

Mặc dù đến ngày 31-1-2020, WHO mới tuyên bố dịch viêm phổi cấp do vi rút corona mới gây ra là "sự kiện y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu", nhưng liên tiếp kể từ ngày 2-1 đến nay, toàn hệ thống chính trị nước ta đã vào cuộc phòng, chống bệnh này. Chúng ta đã có những bước đi vô cùng chủ động, quyết liệt, toàn diện, khẩn trương nhất, thậm chí là chủ động trước một bước, đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Chống dịch như chống giặc", được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Ngày 22-1, Việt Nam ghi nhận 2 ca nhiễm vi rút corona đầu tiên. Đó là hai cha con người Trung Quốc. Từ đó đến hôm nay, 6-2, chúng ta có thêm 8 ca nhiễm mới, nhưng đồng thời cũng ghi nhận 3 ca đã được điều trị khỏi, chưa có trường hợp nào bị ảnh hưởng đến tính mạng.

Trong khi cả nước đang nỗ lực, ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch, chấp nhận hy sinh một phần tăng trưởng, thật buồn khi mỗi ngày chúng ta vẫn phải tiếp nhận khá nhiều thông tin ở nơi này, nơi kia, gian thương lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, "thổi" giá, nhuộm đen vải để làm giả khẩu trang than hoạt tính... Không ít kẻ bất lương vẫn hằng ngày đưa lên mạng xã hội những thông tin sai sự thật về dịch bệnh, làm phức tạp thêm tình hình, hay kêu gọi "tất cả nhà thuốc liên kết đoàn kết, không nhập khẩu trang và cũng không bán khẩu trang"... Đáng trách hơn, những tin giả này được không ít người chia sẻ, "thêm mắm thêm muối", đẩy tin tức độc hại lây lan đôi khi "chóng mặt", và rồi được nhiều người tiếp nhận, tin là thật.

Tất nhiên, những hành vi đó đã và đang bị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Nhưng trong cơn sốt các mặt hàng bảo vệ sức khỏe, rồi nguy cơ đang theo trào lưu mạng xã hội là tích trữ thực phẩm, coi vitamin C như "bảo bối" để phòng bệnh, có bao nhiêu người trong số chúng ta vô tình thêm "củi lửa" cho những kẻ cơ hội, vô đạo đức tiếp tục "đốt cháy" thị trường?

Nhiều người sẵn sàng đổ xô đi mua khẩu trang y tế bất chấp giá cao, đôi khi chỉ để thỏa mãn tâm lý tích trữ hơn là nhu cầu thực, nhưng lại chưa dành đủ thời gian để tìm hiểu cách sử dụng chúng thế nào cho đúng. Có người hoan hỉ cầm trên tay bịch khẩu trang sau khi chen lấn mà mua được, nhưng dường như lại ít lắng nghe khuyến cáo của các chuyên gia y tế, mà mới đây nhất, trong cuộc họp báo chiều 4-2, WHO nói rằng, điều quan trọng nhất để phòng bệnh là rửa tay thường xuyên.

Hằng ngày, chúng ta đọc báo, lướt mạng, đón nhận vô cùng nhiều hình ảnh đẹp của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đang nỗ lực chung tay, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước phòng, chống dịch bằng những việc làm thiết thực như phát khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí cho người dân; tham gia tổng vệ sinh nơi mình sinh sống, làm việc; chung tay khử khuẩn trường lớp cho các em học sinh... Nhưng khi hối hả ra chợ, vào siêu thị mua cả đống thực phẩm về chỉ để nhét tủ lạnh vì một nỗi lo mơ hồ, có ai nghĩ đến hành động của em Nguyễn Ngọc Trinh, học sinh lớp 4C1, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã quyết định ủng hộ toàn bộ số tiền em được mừng tuổi dịp Xuân Canh Tý 2020 để mua khẩu trang và nước rửa tay phát cho người dân, hay cậu bé 9 tuổi người Nhật giữa thảm họa năm nào, dù đang đói sắp lả đi, vẫn kiên nhẫn đứng giữa hàng dài người, trật tự xếp hàng chờ đến lượt mình để được nhận phần thực phẩm? Liệu khi khệ nệ với túi lớn, túi bé trên tay, chúng ta có dừng một nhịp để nghĩ rằng: Sự bình tĩnh, tỉnh táo chính là hành động góp sức thiết thực nhất mà mỗi người đều có thể làm được để cùng cả nước phòng chống dịch bệnh?

Dịch bệnh do vi rút corona vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhận thức đúng để hành động đúng luôn là điều cần thiết. "Đừng tạo nên một cơn khủng hoảng dẫn đến chúng ta không bị diệt vì vi rút mà tự diệt lẫn nhau. Bình tĩnh. Mọi việc rồi sẽ ổn thôi" - Lời của một người dùng Facebook có lẽ là phản ứng phù hợp nhất mà mỗi chúng ta nên có trong thời điểm này.

Vân An

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/957557/dung-de-dich-benh-thanh-nhan-hoa