Đừng để đến khi nguội lạnh

Chung sống với nhau một thời gian, không ít cặp đôi cảm thấy cuộc sống hôn nhân tẻ nhạt, từ đó nảy sinh tâm lý chán nản. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đổi thay về lối sống của người trong cuộc, cách cư xử, áp lực công việc, kinh tế… Thiếu sự gắn kết, sẻ chia, tình cảm vợ chồng sẽ dần phai nhạt. Trước thực tế đó, nhiều cặp đôi đã kịp thời tìm cách thích ứng để hòa hợp lại với nhau, song cũng có người buông xuôi, hạnh phúc đổ vỡ.

Chung sống với nhau một thời gian, không ít cặp đôi cảm thấy cuộc sống hôn nhân tẻ nhạt, từ đó nảy sinh tâm lý chán nản. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đổi thay về lối sống của người trong cuộc, cách cư xử, áp lực công việc, kinh tế… Thiếu sự gắn kết, sẻ chia, tình cảm vợ chồng sẽ dần phai nhạt. Trước thực tế đó, nhiều cặp đôi đã kịp thời tìm cách thích ứng để hòa hợp lại với nhau, song cũng có người buông xuôi, hạnh phúc đổ vỡ.

Lắng nghe, thấu hiểu, quan tâm, hỗ trợ nhau giúp vợ chồng thêm hạnh phúc (ảnh mang tính minh họa).

Lắng nghe, thấu hiểu, quan tâm, hỗ trợ nhau giúp vợ chồng thêm hạnh phúc (ảnh mang tính minh họa).

Hơn 3 năm nay, từ khi chồng chị Ngọc ở quận Bình Thủy chuyển công việc sang lĩnh vực kinh doanh thì gia đình bắt đầu lục đục. Chồng thường đi công tác dài ngày, hay mua sắm hàng hiệu trong khi chị Ngọc tất bật với việc đi làm, chăm sóc con, tính toán chi tiêu tiết kiệm… Những khi về nhà, anh cũng ít phụ giúp chị mà tụ tập với bạn nhậu nhẹt. Nhớ hồi mới cưới, hai người luôn có đôi, chồng chị Ngọc rất chiều chuộng vợ, thường xung phong làm việc nhà để vợ nghỉ ngơi. Nhưng giờ tính tình anh đổi khác, lại trách chị khó khăn, không cảm thông cho chồng. Chị Ngọc góp ý thì chồng cho rằng đi làm cực khổ, phải thư giãn, nhưng quên rằng chị cũng rất vất vả. Khuyên chồng không xong, chị Ngọc chán nản, tự sắp xếp, thuê người giúp việc, đưa rước con đi học. Rồi chị chuyển sang “chiến tranh lạnh”, chồng đi đâu, làm gì, cơm nước ra sao cũng không để ý, mỗi người một góc riêng, cuộc sống chìm vào im lặng. Ban đầu anh cảm thấy thoải mái vì không bị cằn nhằn, nhưng đôi lúc thấy chột dạ vì nhờ soạn quần áo đi công tác, kêu phụ làm báo cáo, rủ đi đám tiệc chung… thì vợ trả lời: “Chuyện ai nấy lo”.

Biết vợ giận, chồng chị Ngọc lựa lời tâm sự, xin lỗi, mong vợ thông cảm, hứa sẽ thay đổi. Ðể chị thêm tin tưởng, anh chứng minh bằng hành động, dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, quan tâm đến việc học hành của con… Chị Ngọc cũng tạo điều kiện để chồng thể hiện trách nhiệm. Chỉ cần dành sự quan tâm cho nhau, vợ chồng chị đã chuyển hiệu quả "mái lạnh" thành "mái ấm". Chị Ngọc chia sẻ: “Tôi biết mình cũng có khuyết điểm, nên không kỳ vọng nhiều, không bắt buộc chồng phải theo ý mình, chỉ mong sao sống cùng nhà có sự thông cảm, đỡ đần nhau. Giận thì giận nhưng cũng phải cho chồng cơ hội sửa sai, không nên để mâu thuẫn kéo dài, tình cảm dễ rạn nứt”.

Sau khi sinh đôi hai con gái, chị Giang ở quận Ninh Kiều, nghe lời chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình. Mấy năm đầu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, sự có mặt của các con khiến hạnh phúc thêm viên mãn. Anh Hùng - chồng chị Giang, rất thương vợ con, nỗ lực làm việc để người thân được ăn ngon mặc đẹp. Nhưng rồi dịch bệnh ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của công ty, thu nhập giảm sút trong khi chi tiêu mọi thứ gia tăng khiến anh Hùng luôn bị áp lực. Vậy là bao nhiêu căng thẳng anh mang về nhà, than thở, dằn hắt vợ. Chị Giang sống lầm lũi như chiếc bóng. Khi thiếu tiền chi tiêu, chị âm thầm nhờ người thân giúp đỡ, ít khi tâm sự với chồng. Rồi "tức nước vỡ bờ", chị Giang đề nghị để mấy mẹ con tạm về nhà mẹ ruột tá túc. Anh Hùng bất ngờ khi biết mình là nguyên nhân khiến tình cảm vợ chồng nguội lạnh. Nghe vợ vừa khóc vừa kể về những tháng ngày tủi thân, sống như người ăn bám, anh Hùng rất hối hận về cách cư xử thiếu tôn trọng vợ của mình. Hai người ngồi lại với nhau tìm cách giải quyết. Chị Giang cân đối lại chi tiêu, san sẻ kinh tế với chồng bằng cách làm thêm mỗi ngày 2-3 tiếng cho cửa hàng bán quần áo của người bạn gần nhà. Anh Hùng phụ vợ chăm sóc con vào buổi tối… Nhờ đôi bên mở lòng, lắng nghe nhau, sắp xếp lại gia đình mà tình cảm trở lại êm ấm như xưa.

Trước đây, chị N và anh T ở quận Ninh Kiều, từng có cuộc sống hạnh phúc, nhưng sau đó phát sinh nhiều bất đồng. Theo chị N, nguyên nhân là do chồng thiếu sự quan tâm đến gia đình và tâm tư, tình cảm của vợ. Những khó khăn trong cuộc sống, nuôi dạy con, đi làm… khiến chị quá tải trong khi chồng ít hỏi han, chia sẻ. Ngoài việc mang tiền về nhà, anh chỉ theo đuổi những thú vui riêng của mình. Có thời điểm, chị N còn nghe đồn đoán chồng cặp bồ, dù anh phủ nhận. Những gì anh T đăng tải trên mạng xã hội khác xa với thực tế cư xử với vợ hằng ngày nên chị cho rằng chồng giả dối. Sự việc kéo dài nhiều năm dẫn đến đôi bên không còn tiếng nói chung, thường xuyên cãi vã. Chán nản chuyện nhà, gặp mặt là vợ nặng lời nên anh T cũng buông xuôi. Thấy không thể hàn gắn nên chị N quyết định ly hôn, con gái 11 tuổi ở cùng mẹ. Sau này, khi đã bình tâm, nhìn nhận lại sự việc, chị N có phần hối tiếc. Mâu thuẫn ban đầu không lớn nhưng không khéo giải quyết nên kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Trong cuộc sống hôn nhân, ít nhiều sẽ có những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”. Nếu còn thương thì người trong cuộc đừng buông tay mà hãy cố gắng hóa giải, vun đắp tình cảm. Biết lắng nghe, trao đổi, quan tâm nhau thì vợ chồng mới có thể duy trì được sự hòa thuận, êm ấm. Ðừng để đến khi quan hệ nguội lạnh mới điều chỉnh, sửa chữa, vì khi ấy sẽ rất khó hàn gắn, không chỉ thiệt hại cho mình mà còn tác động không tốt đến người thân, con cái.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dung-de-den-khi-nguoi-lanh-a151204.html