Đừng để có lỗi với thế hệ sau

Những ngày qua, vụ việc bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí bị hư hỏng nặng sau khi được bảo tàng làm “vệ sinh” là một đề tài nóng bỏng trên các diễn đàn. Đau lòng, tiếc nuối và xót xa là những từ được nói nhiều nhất khi nhắc đến câu chuyện này.

Tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc được danh họa Nguyễn Gia Trí sáng tác trong quãng thời gian 20 năm, bắt đầu từ năm 1969 và hoàn thành năm 1989. Trong giai đoạn đất nước còn khói lửa chiến tranh, tác phẩm như lời nguyện cầu về một đất nước thống nhất, một quê hương thanh bình, hạnh phúc. Đây là kiệt tác cuối đời của danh họa Nguyễn Gia Trí, được xem là tổng hợp mọi thành tựu trong nửa thế kỷ tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật sơn mài. Đây cũng là tác phẩm có thời gian tâm huyết lâu nhất, ứng dụng nhiều đúc kết trong nghệ thuật nhất, có kích thước lớn nhất của ông. Năm 1990, tác phẩm được UBND TPHCM mua, trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, được trưng bày và lưu giữ từ đó đến nay. Năm 2013, tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc được Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.

Qua kết quả kiểm tra và báo cáo chính thức gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, người ta mới tá hỏa khi biết bảo vật quốc gia này đã được Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM giao cho một thợ sơn mài vệ sinh bằng… nước rửa chén, bột chu và giấy nhám! Hư hại về vật chất theo đánh giá: các mảng vỏ trứng bị mài mòn, trơ ra, trắng bệch, trắng vôi, mảng dát vàng bị mài mòn; nét và các mảng hình tiếp giáp nhau bị lộ, trơ, mất đi sự tinh tế đan xen giữa mảng và nét.

Theo Cục Nhiếp ảnh, Mỹ thuật và Triển lãm, hư hại về vật chất bề mặt tác phẩm khoảng 15%. Đau đớn hơn, ở góc độ tinh thần, do bị tác động vào bề mặt làm mất đi lớp sơn bề mặt của tác phẩm nên sự uyển chuyển, tinh tế liên kết giữa các mảng sơn, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng đã không còn sự uyển nhã, huyền ảo của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí. Không gian, không khí, phần linh hồn của tác phẩm đã bị hư hại trên 30%.

Vì sao một bảo vật quốc gia lại bị đối xử như thế, ở một nơi có nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị của những di sản nghệ thuật? Còn nhớ năm 2017, giới sưu tập trong và ngoài nước đã từng rúng động với vụ triển lãm “Những tác phẩm trở về từ châu Âu” của ông Vũ Xuân Chung, mà phần lớn đều là tranh giả. Liệu giới sưu tập trong nước và quốc tế còn niềm tin, nỗ lực đưa tranh Việt ở nước ngoài trở về - như mong mỏi của những người tâm huyết?

Bảo quản được di sản nghệ thuật ở Việt Nam đã rất khó, việc phục chế tác phẩm nghệ thuật còn khó gấp ngàn lần. Ở các nước phát triển, đội ngũ làm công tác phục chế phát triển song hành với đội ngũ sáng tác, nhưng chúng ta vẫn chưa có nơi đào tạo chuyên ngành này. Phần lớn cán bộ phục chế đều là họa sĩ, kỹ sư hóa học; kiến thức phục chế cơ bản là tự học hỏi, mày mò từ tài liệu nước ngoài; công đoạn phục chế hoàn toàn phụ thuộc vào sự cảm nhận của họa sĩ, không có bất cứ hỗ trợ nào từ máy móc hay phương tiện kỹ thuật hiện đại; thợ phục chế tranh chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân và học lóm từ người đi trước. Hiện cả nước chỉ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có được Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật, thực hiện công tác phục chế.

Không còn cách nào khác, là phải tu sửa lại tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc, với mong mỏi hạn chế khoảng cách mất mát đến mức thấp nhất. Rút kinh nghiệm sâu sắc, có lẽ là chưa đủ. Ngành văn hóa cần phải có những giải pháp cụ thể, để tránh lặp lại những vết xe đổ đáng buồn như thế này. Mọi việc tiếp theo tới đây phải được làm thật cẩn trọng, khoa học, để khắc phục những hư hại hiện tại. Phải nhìn nhận, ý thức hơn, có thái độ ứng xử đúng mực hơn trong việc bảo quản di sản nói chung, di sản nghệ thuật nói riêng, đặc biệt là với bảo vật quốc gia. Nếu không, chính chúng ta là người có lỗi với các thế hệ mai sau.

MINH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dung-de-co-loi-voi-the-he-sau-591059.html