Đừng để chủ nhà mất trộm, hàng xóm thờ ơ

Hàng loạt vụ trộm lớn xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, số tài sản bị mất lên con số tiền tỷ. Những gia đình bị mất trộm thường là ỷ vào việc trong nhà đã được gắn khóa an toàn, có hệ thống camera an ninh, có người bảo vệ tại khu vực mình đang sống. Tuy nhiên, dù có thiết bị tối tân đến đâu thì các đối tượng trộm cắp vẫn có thể đột nhập nhà lấy tài sản.

Tuy nhiên, qua những sự việc như vậy lại càng thấy rõ một thực trạng: Người dân thành thị hiện nay thường chỉ biết “đèn nhà ai nấy rạng” nên khi xảy ra trộm, hàng xóm xung quanh cũng không hay biết hoặc cũng chẳng quan tâm cho đến khi vụ việc được thông tin trên các phương tiện truyền thông...

Còn đâu tình làng nghĩa phố, tối lửa tắt đèn có nhau?

1. Những vụ trộm gần đây tại TP Hồ Chí Minh đa phần xảy ra tại các gia đình khá giả, thường xuyên vắng nhà, gia chủ phó mặc cửa nẻo cho hệ thống khóa an toàn, khóa từ, khóa vân tay và hệ thống camera an ninh. Khi các vụ trộm xảy ra, trích xuất camera nhận diện được nhân dạng đối tượng, báo công an. May mắn vụ án được phá nhưng phải mất thời gian khá dài. Đối tượng bị bắt, bị ngồi tù nhưng tài sản bị mất có được thu hồi cũng bị sứt mẻ phần lớn.

Võ Anh Phúc và Võ Anh Hùng, ngụ tại Bình Chánh là anh em ruột, nghiện ma túy nặng. Để có tiền phục vụ cho thú chơi chết người này, ngoài chuyện trộm vặt trong gia đình, anh em Phúc - Hùng còn kết hợp với nhau thành một cặp đôi hoàn hảo chuyên nhập nhà trộm tài sản. Trước khi ra tay, Phúc - Hùng thường khoác lên mình bộ đồ của xe ôm công nghệ để qua mặt người dân khi thấy đối tượng lạ xuất hiện ở khu xóm mình.

Sau khi cải trang, hai anh em Phúc - Hùng dạo xe quanh các con hẻm tìm những căn nhà không có người trông coi, dò la, sau đó sử dụng kìm cộng lực phá cửa đột nhập trộm tài sản. Cũng với chiêu thức này anh em Phúc - Hùng đã thành công hàng loạt vụ trộm lấy tài sản mua ma túy sử dụng. Gần đây nhất, Phúc - Hùng đột nhập vào một cửa hàng bán điện thoại di động ở Đức Hòa (Long An) trộm 15 điện thoại, 5 máy tính bảng, 1 iPad. Dù tài sản lấy được khá lớn nhưng chưa thể tiêu thụ nên anh em Phúc - Hùng đem cất giấu trong nhà.

Hình ảnh đối tượng khả nghi được một camera gia đình ghi lại.

Hình ảnh đối tượng khả nghi được một camera gia đình ghi lại.

Phúc và Hùng đã mất nhiều ngày theo dõi, tìm hiểu căn nhà không số tại ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh do anh N.V.Đ. (sinh năm 1978) làm chủ hộ. Biết anh Đ thường xuyên không có nhà, cửa chỉ khóa sơ sài, trưa 12-3, Phúc - Hùng dùng kìm cộng lực cắt khóa trộm chiếc tivi 43 inch, 2 máy tính bảng của anh Đ rồi tẩu thoát.

Trên đường trở về, thấy nhà chị P.T.H.D. không có người trông coi, anh em Phúc - Hùng bẻ khóa vào trộm thêm một tivi 43 inch, 1 máy tính bảng rồi bỏ đi. Nhiều người trong xóm không biết chỉ nghĩ Phúc - Hùng được chị D. thuê đến chở tivi đi sửa. Phúc - Hùng đã “không may mắn” trong vụ trộm này khi bị Công an xã Vĩnh Lộc A trên đường đi tuần phát hiện truy đuổi, nổ súng khống chế.

Chuyện ỷ lại cửa nẻo mà mất sự cảnh giác khiến nhiều người xém chút ân hận. Khoảng 1h sáng ngày 5-3, anh T. (26 tuổi, ngụ phường 10, quận 8) thức giấc thì phát hiện cửa nhà mình bị phá bung, 2 chiếc xe máy hiệu SH và Lead đã không còn yên vị trong nhà mặc dù khi dẫn xe vào nhà, anh đã cẩn thận khóa cổ. Anh T. đã lên Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh trình báo.

4 giờ sau trình báo của anh T., các trinh sát đã xác định được các nghi can gây ra vụ trộm là Lê Khải Đông (27 tuổi), Nguyễn Văn Hoàng Sang (40 tuổi) và Nguyễn Hoàng Quý (35 tuổi), cùng ngụ quận 8. Đây là các đối tượng trộm cắp, cướp giật tài sản chuyên nghiệp từng có nhiều tiền án. Như Đông có 2 tiền án về tội “trộm cắp tài sản”, Quý và Sang có tiền án về tội “cướp giật tài sản”, riêng Sang có thêm tiền án về tội “cướp tài sản”.

Làm thủ tục nhận lại 2 chiếc xe, anh T. vui mừng. Nhưng anh T. chỉ là số ít may mắn nhận lại được tài sản sau khi mất trộm bởi nhiều vụ mất trộm thường là khó tìm ra cũng như khó thu hồi lại tài sản đã mất vì các đối tượng tẩu tán hết.

Một trong những dụng cụ mà các đối tượng dùng để phá khóa nhà dân đột nhập trộm tài sản.

2. Biết tôi đang tìm hiểu về các vụ trộm cắp tài sản mà nguyên nhân chủ yếu là do lơ là, mất cảnh giác, cùng yếu tố gia chủ có lối sống biệt lập với hàng xóm để khi các vụ trộm xảy ra, nhiều người biết việc nhưng không thông báo vì cứ ngỡ là người thân trong gia đinh gia chủ đến chơi. Anh Tuyên, nhà quận 6, kể lại câu chuyện đáng để tâm của bạn mình.

Người bạn anh Tuyên ở một huyện vùng ven TP Hồ Chí Minh đã kể lại câu chuyện nhà mình bị dọn sạch đồ mà hàng xóm không hay biết. Băng trộm này khá chuyên nghiệp khi sử dụng chiêu thức không ai ngờ tới. Hồi giữa tháng 1, bạn anh Tuyên đi công tác nên bật camera, khóa cửa rời khỏi nhà. Vài hôm sau, một nhóm người lảng vảng trước nhà bạn anh Tuyên giả bộ phát tờ rơi, dùng điện thoại chụp lại địa chỉ nhà. Liên tiếp mấy ngày sau, một vài người chạy xe máy đến dừng trước nhà bạn anh Tuyên, thấy tờ rơi vẫn con dính ở kẹt cửa, biết bạn anh Tuyên không có nhà, nhóm người này quay lại.

Để hàng xóm không chú ý, nhóm người này đặt một bàn nhậu trước nhà bạn anh Tuyên nhưng thực chất là cảnh giới để đồng bọn vô tư mở khóa vào nhà khiêng tài sản ra ngoài. Các đối tượng này còn ngang nhiên thuê taxi chở đồ đi. Một vài người xung quanh thấy hơi lạ nên cũng ghé qua hỏi thì được nhóm người này cho hay, dọn giùm đồ cho chủ nhà. Khi bỏ đi, các đối tượng còn không quên lấy luôn đầu thu camera giám sát trong nhà bạn.

Một vụ án tưởng như câu chuyện hài nhưng thực chất đã có rất nhiều gia đình trở thành nạn nhân. Khi mất hết tài sản, người trong xóm biết chuyện chặc lưỡi “Ổng đi làm từ sáng sớm đến tối mịt, nhà cửa đóng suốt, tôi còn không biết rõ tên của ổng nữa nói chi số điện thoại. Lúc tụi nó vào trộm cứ ngỡ bạn bè của ổng nên cũng không để ý!”.

Sống ở thành thị, công việc chiếm hết toàn bộ thời gian của các gia đình cho nên việc quan hệ với lối xóm, láng giềng cũng trở nên hời hợt. Đi làm về thì ai vào nhà nấy, đóng cửa và sinh hoạt trong nhà, một tiếng chào hỏi nhau cũng hiếm cho nên dù có thấy nhà bị đột nhập, hàng xóm cũng chẳng nhận biết được đâu là quen, đâu là lạ. Mà có nhận biết được cũng chẳng biết phải thông báo như thế nào vì không có số điện thoại. Gọi công an thì sợ báo nhầm tin.

Xã giao với hàng xóm tốt trong thành thị cũng là một kênh phòng chống tội phạm một cách hiệu quả, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản. Anh T, nhà phường 10, quận 6 kể, chập choạng tối, một đối tượng lén lút mở khóa một căn nhà trên địa bàn quận 6. Biết điện thoại của chủ nhà, anh T đã chủ động nhắn tin và chụp hình kẻ lạ mặt gửi cho gia chủ. Nhờ tin nhắn và hình ảnh của anh T, gia chủ đã nhờ người thân ra kiểm tra, đối tượng bỏ đi. Kiểm tra khóa nhà, người thân của gia chủ phát hiện chốt khóa đang bị cắt.

Hai anh em ruột giả tài xế xe công nghệ đi trộm bị bắt giữ.

Hai đối tượng trộm cắp bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ sau 4 giờ gây án.

Việc không có mối quan hệ tốt với hàng xóm láng giềng khiến người dân mất đi một kênh bảo vệ quý giá. Như trường hợp của một gia đình ở phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP Hồ Chí Minh. Buổi sáng, chị Mai (tên đã thay đổi) rời nhà đi siêu thị, trong nhà chỉ còn người giúp việc lui cui lau dọn dưới tầng trệt. Khi đi siêu thị về, chị Mai tá hỏa khi phát hiện két sắt chứa nhiều nữ trang, tiền bạc trị giá hơn 1,7 tỷ đồng đã bị kẻ gian lấy mất.

Khi Công an đến khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai các nhân chứng thì phát hiện một chiếc thang tre phía sau nhà. Một đầu thang tre nằm ngay vị trí cửa sổ căn phòng chị Mai. Vậy mà các nhà xung quanh cũng chẳng ai quan tâm.

Cũng rơi vào trường hợp như chị Mai, ông M.T. (63 tuổi, ngụ Bình Hưng, Bình Chánh) cùng gia đình đóng cửa nhà đi chơi. Khi cả gia đình đi chơi về thì phát hiện nhà bị đột nhập. Cửa kính phòng ngủ bị đập phá, mất một số tài sản. Ngạc nhiên là dù hiện tượng lạ xảy ra đối với nhà hàng xóm, song các nhà xung quanh cũng chẳng thấy đấy làm lạ.

3. Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, trong các vụ phạm pháp hình sự thì trộm cắp tài sản là một trong những loại hình phạm pháp phổ biến tại các thành phố lớn. Các vụ trộm cắp tài sản xảy ra chủ yếu là do người dân thiếu cảnh giác, lơ là, ỷ vào các trang thiết bị phòng chống trộm. Nhìn qua các vụ trộm cắp tài sản cho thấy, tỷ lệ khám phá các vụ án này khá thấp, khi bắt được đối tượng trộm cắp thì hầu như tài sản đã bị tẩu tán hết.

Có người khi chưa bị mất trộm thì chủ quan cho rằng khu phố mình đông đúc, người ra vào nườm nượp cả ngày thì trộm nào dám bén mảng. Tuy nhiên, thực tế đã phủ định toàn bộ sự chủ quan của những gia đình này.

Trung tá Lê Minh Lê, Đội trưởng Đội Tổng hợp, Công an quận 3, TP Hồ Chí Minh cho hay, việc lắp đặt cửa an toàn, gắn camera, gắn hệ thống báo động, chống trộm ở các nhà thành thị là rất tốt, bởi camera cũng là một kênh nhận diện và phát hiện tội phạm, giúp công an nhanh chóng xác định đối tượng, vụ án nhanh được phá. Tuy nhiên, người dân đừng chủ quan ỷ lại những thiết bị được cho là an toàn này.

Việc có mối quan hệ tốt với hàng xóm sẽ là một kênh thông tin có giá trị trong việc phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp. Khi vụ trộm xảy ra, hàng xóm có thể nhận biết, nếu có mối quan hệ tốt với hàng xóm láng giềng thì việc cảnh giác của họ sẽ giúp rất nhiều cho việc bảo vệ tài sản của mình.

Thượng tá Phạm Xuân Thao, Phó Trưởng Công an quận 4 cho biết, mạng xã hội (Facebook) đang phổ biến rộng rãi, là một kênh cảnh giác tội phạm rất tốt nhưng cũng chính vì sử dụng mạng xã hội không đúng mục đích, bất giác biến nhà mình thành điểm dòm ngó của tội phạm. Nhiều người lên mạng xã hội đăng những dòng status đại loại khoe cả nhà đi du lịch, khoe chỉ ở nhà một mình... đã vô tình mời gọi kẻ gian vào nhà mình.

Cần có quan hệ tốt với hàng xóm và người dân cần tham gia đầy đủ các buổi tuyên truyền về những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng trộm cắp để luôn trong thế chủ động, có biện pháp phòng ngừa các đối tượng trộm cắp.

Mạnh Đức - Bùi Hào

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/dung-de-chu-nha-mat-trom-hang-xom-tho-o-537517/