Đừng để cả nền kinh tế chịu cảnh 'một cổ hai tròng'

Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) đề cập đến nội dung đối tượng kiểm toán được bổ sung, là: 'Người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công', cho thấy nhiều điểm bất cập và phi lý.

 Việc DNNN hiện nay vừa thuê kiểm toán độc lập vừa phải “tiếp” các đoàn KTNN là rất phiền hà, gây mất thời gian, chi phối công việc kinh doanh và suy cho cùng khiến họ rơi vào cảnh “một cổ hai tròng” đối với các nghĩa vụ nhà nước. Ảnh: THÀNH HOA

Việc DNNN hiện nay vừa thuê kiểm toán độc lập vừa phải “tiếp” các đoàn KTNN là rất phiền hà, gây mất thời gian, chi phối công việc kinh doanh và suy cho cùng khiến họ rơi vào cảnh “một cổ hai tròng” đối với các nghĩa vụ nhà nước. Ảnh: THÀNH HOA

Theo Luật KTNN năm 2015 thì KTNN có thể được hiểu là hoạt động kiểm toán trong khu vực công, nhằm đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công, việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vì vậy, có thể tiếp cận KTNN theo một cách khác, đó là khi các hãng kiểm toán độc lập (“big 4” chẳng hạn) được các cơ quan Quốc hội thuê, kèm theo những yêu cầu và đương nhiên, quyền hạn cần thiết để kiểm toán trong khu vực công, thì rõ ràng là họ đang thực hiện các công việc của KTNN. Như vậy, có lẽ chúng ta nên tiếp cận khái niệm KTNN là một công việc hơn là một tổ chức. Mà đã là công việc thì nhiều tổ chức có thể làm được với những điều kiện ràng buộc cần thiết chứ không thể độc quyền của riêng ai.

Rõ ràng hiện nay điều này là bất khả thi do pháp luật không cho phép các hãng kiểm toán độc lập tham gia kiểm toán khu vực công. Nhưng nếu với cách tiếp cận như trên thì luật có nên được điều chỉnh để điều này có thể xảy ra nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng và khách quan hay không? Hơn nữa, bộ máy của KTNN khi đó sẽ được tinh gọn, hiệu quả và khách quan hơn so với tính “độc quyền” như hiện nay.

Chẳng hạn như ban đầu có thể triển khai thí điểm đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Bởi vì nếu chiếu theo nguyên tắc các thành phần kinh tế đều bình đẳng và cạnh tranh công bằng trước pháp luật, thì DNNN cũng là một loại hình doanh nghiệp hoạt động bình thường theo Luật Doanh nghiệp. Việc DNNN hiện nay vừa thuê kiểm toán độc lập vừa phải “tiếp” các đoàn KTNN là rất phiền hà, gây mất thời gian, chi phối công việc kinh doanh và suy cho cùng khiến họ rơi vào cảnh “một cổ hai tròng” đối với các nghĩa vụ nhà nước.

Bản thân kết quả của kiểm toán độc lập đã giúp doanh nghiệp nhận ra các bất cập, sai sót trong công tác tài chính - kế toán để có giải pháp khắc phục. Cơ quan chủ quản có thể yêu cầu thêm các nội dung kiểm toán và buộc doanh nghiệp phải có biện pháp tiếp thu sửa chữa nếu phát hiện sai sót. Còn việc DNNN có tuân thủ và chấp hành pháp luật trong việc sử dụng tài sản công, tài chính công nói riêng và quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung hay không thì hàng năm đã có rất nhiều đoàn thanh tra các cấp. Nói cách khác hãy xem DNNN như bất kỳ một loại hình doanh nghiệp nào khác, chẳng hạn như trong công tác kế toán - kiểm toán và điều này cũng phù hợp với thông lệ quản trị tài chính doanh nghiệp trên thế giới. Thực hiện được việc này cũng là tái khẳng định chủ trương phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ liêm chính, hành động và kiến tạo.

Như vậy, có thể thấy rằng còn khá nhiều vấn đề cốt lõi trong lĩnh vực KTNN cần được thảo luận và có những sửa đổi, cải cách để sứ mệnh tối thượng của KTNN được thực thi là đảm bảo các quyền và lợi ích công không bị xâm hại, tài sản công và ngân sách không bị thất thoát trong bối cảnh eo hẹp như hiện nay. Vì vậy, mà gần đây, khi dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN có đề cập đến nội dung đối tượng kiểm toán được bổ sung, là: “Người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”, đã cho thấy nhiều điểm bất cập và phi lý.

Nếu điều luật này được thông qua thì KTNN sẽ phải soát xét đến từng ngõ ngách sâu xa nhất của nền kinh tế, điều chỉnh hành vi của từng cá thể trong xã hội và điều này là vô cùng lạ lẫm với thông lệ quốc tế. Căn cứ pháp lý để KTNN thực hiện nội dung này là điều 14, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015: “Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu chi của Nhà nước”, mà ngân sách nhà nước thuộc tài chính công. Vì vậy mà KTNN cho rằng hễ các đối tượng nào có liên quan đến ngân sách nhà nước, ắt phải bị kiểm toán. Điều này đã thể hiện khá rõ sự “giẫm chân nhau” trong hoạt động của các cơ quan thuế và KTNN. Việc dựa vào sự suy luận câu chữ của một điều khoản luật để làm cơ sở cho một sự thay đổi có tác động to lớn đến cả nền kinh tế là quá thiếu cơ sở và phi lý.

Hơn nữa, việc này sẽ tạo ra rất nhiều rủi ro theo kiểu “lợi bất cập hại” do khối lượng công việc đồ sộ mà KTNN phải xử lý nếu điều luật này được thông qua. Khi đó, nguồn lực của KTNN chắc chắn sẽ bị phân tán và tính hiệu quả của các hoạt động KTNN vốn có sẽ bị suy yếu. Từ các đại án kinh tế trong thời gian qua, gây thất thoát ngân sách hàng ngàn tỉ đồng mỗi vụ, nhiều người đã đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của KTNN đối với các hoạt động sai trái này, nó đã xảy ra trong nhiều năm, vì sao không bị phát hiện và xử lý kịp thời qua các báo cáo kết quả kiểm toán. Dân chúng chắc chắn sẽ so sánh những điều này với thông tin sắp tới mình sẽ bị kiểm toán nghĩa vụ nộp thuế và tâm lý người dân thấp cổ bé họng, một cổ hai tròng chắc chắn sẽ không tránh khỏi.

Vì vậy, điều cần thiết đối với việc sửa đổi, cải cách Luật KTNN cần tập trung vào tính khách quan, minh bạch của các báo cáo kiểm toán và hiệu quả của việc xử lý kết quả kiểm toán, hơn là tập trung vào các nội dung có tính mở rộng quyền lực của KTNN bằng pháp lý. Quyền lực to lớn nhất được tạo ra từ sự đồng thuận và lòng dân. Vì vậy, quyền lực thực thụ của KTNN chắc chắn sẽ được nâng lên khi công chúng thấy và có niềm tin rằng KTNN thực sự là chốt chặn cuối cùng của các ý đồ đen tối muốn tham ô của công hoặc tắc trách trong việc quản lý và sử dụng hiệu quả đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ.

Luật sư Phùng Thanh Sơn (Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp, Đoàn Luật sư TPHCM)

Theo điều 9 của Luật Kiểm toán Nhà nước 2015, chức năng của Kiểm toán Nhà nước là đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Khái niệm tài sản công cần hiểu theo luật chuyên ngành là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 chứ không thể hiểu theo khái niệm quá chung chung và trừu tượng của điều 53 Hiến pháp năm 2013.

Việc Kiểm toán Nhà nước mở rộng đối tượng kiểm toán đến tất cả người nộp thuế không hợp lý, chồng chéo và không khả thi. Hiện nay có đến hơn nửa triệu doanh nghiệp đang hoạt động và hàng triệu người chịu thuế thu nhập cá nhân nên nếu đưa các đối tượng nộp thuế vào đối tượng thuộc diện kiểm toán nhà nước thì chắc chắn Kiểm toán Nhà nước sẽ quá tải. Để đảm bảo tài sản và nguồn lực nhà nước được sử dụng hiệu quả, không lãng phí, không bị thất thoát, Kiểm toán Nhà nước chỉ nên tập trung làm tốt công tác kiểm toán tại các cơ quan, tổ chức được quy định tại điều 2 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Cụ thể, Luật Kiểm toán Nhà nước chỉ nên tập trung vào các tổ chức: các cơ quan hành chính nhà nước; các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; các đơn vị sự nghiệp công lập; các cơ quan tổ chức kinh tế của Đảng; các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công. Những đối tượng trên thường rất ít bị cơ quan thuế thanh kiểm tra.

Hơn nữa, trong thời gian tới, chúng ta chuyển sang hóa đơn điện tử nên việc gian lận thuế sẽ được hạn chế hơn.

Nguyễn Khắc Quốc Bảo

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/285959/dung-de-ca-nen-kinh-te-chiu-canh-mot-co-hai-trong-.html