Đừng để bức xúc của người dân kéo dài

Ngày 15-5 đã diễn ra Chương trình 'HĐND với cử tri' lần thứ 3 do Thường trực HĐND TP Đà Nẵng tổ chức. Chương trình do Phó Chủ tịch phụ trách HĐND TP Nguyễn Nho Trung chủ trì, có sự tham dự của các đại biểu: Trương Quang Nghĩa, UVT.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy; Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; các đồng chí Thường trực Thành ủy; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan và đại diện cử tri các quận, huyện cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với những vấn đề bức xúc của người dân và sức 'nóng' của chương trình.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu.

Bức xúc về ô nhiễm môi trường

Qua rà soát kết quả thực hiện của UBND TP đối với các nội dung kết luận của Thường trực HĐND thành phố tại các chương trình trước đây cho thấy còn 4 nhóm vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực: Đô thị, kinh tế-ngân sách, pháp chế, văn hóa xã hội. Nổi cộm về lĩnh vực đô thị là tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn Quận Liên Chiểu do ảnh hưởng của các nhà máy trong Khu công nghiệp Liên Chiểu và bãi rác Khánh Sơn.

Cử tri Phạm Bá An (P. Hòa Hiệp Bắc) phản ánh “Cử tri hoan nghênh chủ trương đúng đắn của thành phố khi dừng hoạt động sản xuất ô nhiễm môi trường của 2 nhà máy thép ở Hòa Liên. Nhân dân khu vực KCN Liên Chiểu chúng tôi cũng tình trạng tương tự và đã phản ảnh nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị thành phố cho biết chủ trương cụ thể và các giải pháp, tiến độ thực hiện trong thời gian đến”. Giải trình nội dung này, Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho rằng khi xây dựng KCN Liên Chiểu chưa dự báo hết tình hình phát triển đô thị nên có tình trạng khu dân cư ở quá gần với các nhà máy và chịu cảnh ô nhiễm. Giải pháp tạm thời là phun nước, trồng cây xanh... để giảm ô nhiễm, về lâu dài đề nghị thành phố yêu cầu các nhà máy có biện pháp chuyển đổi công nghệ, giảm ô nhiễm, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch. Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Lê Hoàng Đức đề xuất các nhà máy không đảm bảo khoảng cách an toàn đối với khu dân cư cần có lộ trình thu hồi và đề nghị thời gian tới, trước khi giao đất cho nhà đầu tư cần lấy ý kiến của Ban Quản lý Khu công nghiệp và chế xuất, Sở Tài nguyên-Môi trường, phải đảm bảo về môi trường, đảm bảo khoảng cách tối thiểu mới cho xây dựng nhà máy.

Trả lời câu hỏi của cử tri Nguyễn Văn Thanh (P. Hòa Khánh Nam) về thời gian đóng cửa bãi rác Khánh Sơn? Giải pháp nào để khi đóng cửa thì người dân Khánh Sơn chấm dứt tình trạng sống trong cảnh ô nhiễm nghiêm trọng, Giám đốc Sở TN-MT Lê Quang Nam cho biết: Theo thiết kế, bãi rác sẽ đóng cửa vào năm 2022. Hiện nay ô nhiễm lớn nhất ở khu vực này là mùi hôi và nguồn nước rỉ rác. Hiện thành phố đang xây dựng hệ thống xử lý rác công suất 700m3/ngày đêm, dự kiến tháng 10-2018 đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm ô nhiễm. Về lâu dài, thành phố đầu tư xây dựng khu liên lợp xử lý rác thải rắn theo công nghệ tiên tiến, khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết cơ bản lượng rác thải rắn của thành phố.

Ông Nam đề nghị thành phố cần rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn để rút ngắn thời gian đóng cửa bãi rác Khánh Sơn. Ông Tô Văn Hùng, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP cũng rất trăn trở với quy hoạch Q. Liên Chiểu và cho rằng không thể đổ lỗi là câu chuyện lịch sử. Theo ông, giải pháp trước mắt là phải thực hiện nghiêm túc việc trồng cây xanh cách ly theo quy chuẩn và đề nghị thành phố cần có quy định chặt chẽ về việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường khi xây dựng công trình vì hiện nay công tác này hầu như chỉ làm cho có, cho qua, vì thế sau khi đi vào hoạt động đã phát sinh nhiều hệ lụy.

Trả lời thông tin cử tri qua đường dây nóng về tiến độ hoàn thành các dự án liên quan đến ô nhiễm tại sông Phú Lộc, Trưởng Ban Quản lý Dự án hạ tầng ưu tiên Lương Thạch Vỹ cho biết đến nay đã hoàn thành 4 dự án, 6 dự án còn lại đang đẩy nhanh tiến độ, cố gắng đến năm 2019 sông Phú Lộc không còn ô nhiễm.

Kết luận nội dung này, Chủ tọa Nguyễn Nho Trung cho rằng các dự án bất cập từ khâu quy hoạch, chưa có tầm nhìn chiến lược, việc giải quyết hệ lụy còn mang tính thời vụ, thiếu tính lâu dài, bền vững, vì vậy đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan cần xây dựng lộ trình để triển khai và vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm, phải làm tới nơi tới chốn và đề nghị các ngành phải báo cáo lộ trình giải quyết ô nhiễm tại khu công nghiệp Liên Chiểu vào kỳ họp giữa năm 2018 của HĐND TP.

Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung chủ trì Chương trình “HĐND với cử tri”.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án

Về các dự án chậm triển khai trên địa bàn Q. Cẩm Lệ, cử tri Lê Viết Nghệ (P. Hòa Xuân) đề nghị TP cho biết nguyên nhân chậm giải tỏa 4 dự án: Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Cầm, dự án Xử lý ngập úng khu vực tổ 17, 18, 19 Bình Hòa, Khuê Trung, Dự án Khu vực đất dự trữ ven sông phía Bắc Khu E-Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, dự án khu liên hợp thể thao Hòa Xuân làm các hộ bị ảnh hưởng? Trách nhiệm thuộc về ai? Đề nghị cam kết cụ thể tiến độ hoàn thành từng dự án.

Giải trình vấn đề trên, Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ Lê Văn Sơn cho biết: dự án Xử lý ngập úng khu vực tổ 17, 18, 19 Bình Hòa, Khuê Trung đã áp giá đền bù, sẽ triển khai trong tháng 6-2018. Dự án Khu vực đất dự trữ ven sông phía Bắc Khu E-Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân, đề nghị thành phố bố trí vốn sớm và sẽ ưu tiên giải quyết các hộ giao mặt bằng sớm. Chủ tịch UBND quận Lê Văn Sơn cũng nhận khuyết điểm và trách nhiệm trong việc để dự án chậm triển khai và cam kết sẽ tích cực hơn.

Đại diện Ban Kinh tế-ngân sách HĐND TP Phan Thị Thúy Linh cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố còn 238 dự án chậm triển khai, nhiều dự án triển khai đã nhiều năm, chỉ còn một vài hồ sơ nhưng vẫn không kết thúc được. Nguyên nhân là công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa tốt và tình trạng chây ì của một số hộ dân theo kiểu “người đi sau có lợi hơn người đi trước”, bà cũng đề nghị phải xử lý dứt điểm, không để kéo dài. Với các dự án của Q. Cẩm Lệ, bà Linh mong rằng đây là cam kết lần cuối của Chủ tịch UBND quận. Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Phan Thanh Long kiến nghị sớm củng cố, kiện toàn Trung tâm phát triển quỹ đất TP vì hoạt động của Trung tâm hiện nay và sự phối hợp với các chi nhánh và quận, huyện rất lỏng lẻo, không đồng bộ, là một trong các nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án.

Trả lời thông tin của cử tri qua đường dây nóng về tiến độ thực hiện dự án Trung tâm tim mạch, lãnh đạo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị TP cho biết hiện khu đất 138- Hải Phòng đã được bàn giao để xây dựng Trung tâm tim mạch. Đơn vị đang chỉ đạo khẩn trương tháo dỡ, dự kiến hoàn thành việc tháo dỡ vào ngày 20-5 để tiếp tục triển khai xây dựng các công trình phụ trợ, dự kiến sau 5 tháng sẽ hoàn thành công trình vào ngày 30-10-2018.

Chủ tọa Nguyễn Nho Trung cho rằng UBND TP đã vào cuộc quyết liệt, đã phân cấp mạnh và phân công các Phó Chủ tịch trực tiếp đứng điểm tại các quận huyện để giải quyết các vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng. Việc các dự án chậm triển khai trách nhiệm thuộc về Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng, cần phải rà soát, chấn chỉnh lại và có các giải pháp căn cơ làm rõ trách nhiệm.

Cử tri chất vấn nhiều vấn đề nóng, bức xúc trên địa bàn thành phố.

Giải quyết dứt điểm chung cư yếu kém về phòng chống cháy nổ

Về công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn thành phố, cử tri Nguyễn Đức Minh (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) phản ánh: Tuy mới bắt đầu mùa hè nhưng đã có nhiều vụ cháy nghiêm trọng xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước khiến người dân lo lắng, liệu các công trình trên địa bàn thành phố có đảm bảo công tác PCCC nhất là các khu chung cư nhà ở xã hội không? Giải pháp và kế hoạch khắc phục như thế nào.

Đại tá Trần Đình Chung, Giám đốc PCCC TP cho biết, hiện nay địa bàn TP có 56 khu chung cư, trong đó chỉ có 6 khu đảm bảo về PCCC, 36 khu chưa đảm bảo, 6 khu không đảm bảo. PCCC TP sẽ tổ chức tổng kiểm tra, đánh giá thực trạng và đưa ra kiến nghị với các cơ quan quản lý trong tháng 6-2018; giải quyết dứt điểm 10 khu chung cư yếu kém về PCCC và tiếp tục củng cố 36 khu chung cư chưa bảo đảm. Thời gian tới, cơ quan PCCC đã tiếp tục tổ chức tuyên truyền PCCC ở tất cả các khu chung cư, nhà ở xã hội; huấn luyện nghiệp vụ và hướng dẫn thực tập các phương án PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở. Chủ tọa Nguyễn Nho trung đề nghị lực lượng PCCC phải chủ động tham mưu cho thành phố rà soát, khắc phục những yếu kém về PCCC. “Sai thì phải sửa chứ không chỉ phạt rồi cho tồn tại. Đừng du di vì đây là liên quan đến tính mạng con người...”, ông Trung nói.

Về tiến độ lắp đặt và hiệu quả sử dụng hệ thống camera giám sát ANTT, ATGT, Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc CATP cho biết hiện TP đã đầu tư lắp đặt hơn 1.600 camera giám sát ANTT, ATGT từ nguồn ngân sách và người dân lắp đặt hơn 25.000 camera theo hình thức xã hội hóa, qua đó đã phục vụ tốt công tác chỉ huy, điều hành đảm bảo ANTT, xử lý 363 vụ PPHS, 33 vụ TNGT. Tuy nhiên, hiện nay còn một số bất cập như: chất lượng một số camera chưa tốt, chưa thực hiện việc kết nối, trích xuất hình ảnh phục vụ công tác phòng chống tội phạm. Chủ tọa Nguyễn Nho Trung đề nghị cần xã hội hóa mạnh việc lắp đặt camera để phòng ngừa tội phạm và vi phạm, đảm bảo sử dụng hiệu quả, phủ sóng toàn thành phố.

Về bất cập tại các dự án trên địa bàn xã Hòa Liên, cử tri Ngô Thiện Mỹ phản ánh: “Dự án kênh thoát lũ Hòa Liên đã trễ tiến độ so với kế hoạch gần 2 năm, cử tri cứ kiến nghị, đại biểu HĐND cứ chất vấn, thành phố thì tiếp tục gia hạn, gần đây nhất là hứa tháng 6-2018 xong. Bà con xã Hòa Liên chúng tôi chịu hết nổi rồi, đề nghị lãnh đạo trả lời khi nào xong?”. Cử tri Trịnh Thị Hà thì bức xúc: Các khu TĐC Hòa Liên trong tình trạng sụt lún nền, đường, cầu, cống cao hơn nhà, mưa là ngập lụt cục bộ... Bà con rất hoang mang, không biết bao giờ mới an cư để lập nghiệp. Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết tiến độ trễ là do khâu bàn giao mặt bằng, hiện còn 34 hộ chưa giải tỏa vì vậy cần sự phối hợp của người dân để công trình sớm hoàn thành. Hội đồng giải phóng mặt bằng H. Hòa Vang cho biết đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng trong lòng kênh thoát lũ Hòa Liên, hiện nay có thể thi công, những phát sinh chủ yếu là ở các khu vực phụ trợ. Chủ tọa Nguyễn Nho Trung yêu cầu Sở Xây dựng thông báo cho nhà đầu tư là đã có mặt bằng và tiến hành thi công, các phát sinh không liên quan sẽ giải quyết sau. Chánh Thanh tra thành phố Trần Huy Đức cũng cho biết: Sẽ công bố kết luận thanh tra 2 dự án tại Hòa Liên vào ngày 18-5 tới đây.

Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong mùa mưa lũ

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết: Việc mở các lối xuống biển cần làm sớm. Các cơ quan liên quan chốt lại phương án thu hồi các khu đất để mở lối xuống biển cho người dân. Một số khu đất trước đây thành phố giao sai nay phải thu hồi, đề nghị các cơ quan liên quan sớm xây dựng phương án và bố trí vốn. Ô nhiễm môi trường Liên Chiểu, giải pháp trước mắt là giải quyết những bức xúc về ô nhiễm môi trường, yêu cầu các ngành xử lý nghiêm ngặt, đảm bảo tối thiểu về môi trường. Về lâu dài sẽ quy hoạch, điều chỉnh những khu đất chưa bố trí thì ưu tiên trồng cây xanh. Bãi rác Khánh Sơn, ưu tiên hàng đầu là xây dựng khu xử lý chất thải rắn. TP đã làm việc với ngân hàng ADB, yêu cầu họ cam kết tiến độ, có thể nghiên cứu lựa chọn một nhà đầu tư khác, nếu lệ thuộc trình tự thì sẽ rất lâu. Thành phố đang tiếp tục làm việc với ADB và sẽ có báo cáo đầy đủ, rõ ràng với HĐND để cho ý kiến.

Liên quan vấn đề đền bù, giải tỏa, tái định cư, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các dự án còn rất ít các hộ thuộc diện chây ì thì ngành chức năng cần lên danh sách đề xuất thành phố xử lý rốt ráo. Phải nâng cao trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng. Về kênh thoát lũ Hòa Liên, phải đánh giá những nguy hiểm, bất cập, mất an toàn, đề ra các giải pháp khắc phục, yêu cầu báo cáo đầy đủ toàn diện. Trước mắt phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong mùa mưa lũ, về dài hạn tiếp tục xử lý. “Trước đây nghiên cứu một dự án rất cẩu thả, vừa làm, vừa đắp, vừa xây thì không cách chi mà đầy đủ, chặt chẽ, bây giờ phải tập trung xử lý. Sở Xây dựng phải khẩn trương làm việc này và chịu trách nhiệm, chứ không thể cầm cái báo cáo mà không đánh giá đúng mức tình hình, hoặc làm cho nó giảm đi trách nhiệm của Sở Xây dựng mà dẫn đến hậu quả thì phải chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.

K.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_186332_dung-de-buc-xuc-cua-nguoi-dan-keo-dai.aspx